Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Nghị định 37/2018/NĐ-CP quy định các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.

Nghị định 37/2018/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2018 quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.

 

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2018/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2018

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH CÁC BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI ĐƯỢC MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan Điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự; quyền và nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục; trách nhiệm của gia đình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự; trách nhiệm của các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục.

2. Nghị định này áp dụng đối với người được giám sát, giáo dục, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự (sau đây gọi là biện pháp giám sát, giáo dục) là các biện pháp được quy định tại Mục 2 Chương XII của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều theo Luật số 12/2017/QH14 (sau đây gọi chung là Bộ luật Hình sự năm 2015), bao gồm: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

2. Người được giám sát, giáo dục là người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục theo quy định tại Khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

3. Người trực tiếp giám sát, giáo dục là người có tư cách đạo đức tốt, có kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội, công tác trẻ em hoặc kiến thức cần thiết về tâm sinh lý trẻ em hoặc được đào tạo, tập huấn về tư pháp đối với người chưa thành niên, được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định giao nhiệm vụ trực tiếp thực hiện việc giám sát, giáo dục.

Điều 3. Các nguyên tắc thực hiện việc giám sát, giáo dục

1. Bảo đảm Mục tiêu phục hồi cho người được giám sát, giáo dục; nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật cho người được giám sát, giáo dục; phòng ngừa tội phạm.

2. Tôn trọng nhân phẩm, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám sát, giáo dục; nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám sát, giáo dục.

3. Bảo đảm phù hợp với Điều kiện, hoàn cảnh, độ tuổi, giới tính, nhu cầu cá nhân và vì lợi ích tốt nhất của người được giám sát, giáo dục.

4. Tôn trọng và bảo vệ bí mật cá nhân của người được giám sát, giáo dục.

5. Bảo đảm sự tham gia của gia đình, nhà trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân vào việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục.

Điều 4. Tính thời hạn giám sát, giáo dục

Thời hạn giám sát, giáo dục được tính từ ngày người được giám sát, giáo dục có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để nghe thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

Điều 5. Kinh phí thực hiện việc giám sát, giáo dục

1. Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động trong quá trình thực hiện các biện pháp giám sát, giáo dục gồm:

a) Lập hồ sơ ban đầu; lập và quản lý hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục; làm thủ tục đề nghị chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) Hỗ trợ người trực tiếp giám sát, giáo dục thực hiện nhiệm vụ;

c) Tổ chức các cuộc họp về triển khai thi hành biện pháp giám sát, giáo dục;

d) Các chi phí cần thiết khác.

2. Kinh phí quy định tại Khoản 1 Điều này do ngân sách địa phương bảo đảm và các nguồn kinh phí khác (nếu có).

Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách địa phương cho hoạt động này.

3. Người trực tiếp giám sát, giáo dục được hưởng kinh phí hỗ trợ cho việc thực hiện nhiệm vụ. Mức hỗ trợ một tháng tối thiểu là 25% mức lương cơ sở đối với mỗi người được giám sát, giáo dục. Căn cứ vào tình hình thực tiễn ở địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể quyết định mức hỗ trợ cao hơn.

Điều 6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục

1. Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục. Căn cứ vào tình hình vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, năng lực cán bộ và các Điều kiện khác ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã quyết định danh sách người trực tiếp giám sát, giáo dục gồm từ 3 đến 5 người được lựa chọn trong số các cá nhân quy định tại Khoản 3 Điều này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tổ chức tập huấn cho người trực tiếp giám sát, giáo dục hoặc cử người trực tiếp giám sát, giáo dục tham gia các Chương trình tập huấn thích hợp do cấp huyện hoặc cấp tỉnh tổ chức để thực hiện nhiệm vụ.

2. Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Công an cấp xã) làm nhiệm vụ đầu mối, tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức việc thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục tại địa phương.

3. Cán bộ, chiến sỹ công an, công an viên, công chức văn hóa - xã hội, công chức tư pháp - hộ tịch, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã, cộng tác viên công tác xã hội cấp xã, đại diện Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên hoặc người có uy tín trong cộng đồng dân cư có đạo đức tốt, có Điều kiện, khả năng và kinh nghiệm trong việc giáo dục, giúp đỡ người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật trực tiếp thực hiện việc giám sát, giáo dục theo sự phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

4. Nhà trường, gia đình và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phối hợp, hỗ trợ thực hiện việc giám sát, giáo dục.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THI HÀNH CÁC BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC

Mục 1. THÔNG BÁO VIỆC THI HÀNH CÁC BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC; PHÂN CÔNG NGƯỜI TRỰC TIẾP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC VÀ LẬP HỒ SƠ THI HÀNH BIỆN PHÁP GIÁM SÁT, GIÁO DỤC

Điều 7. Lập hồ sơ ban đầu, phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục

1. Ngay sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao cho Công an cùng cấp thực hiện các công việc quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận nhiệm vụ, Công an cấp xã phải hoàn thành các công việc sau đây:

a) Lập hồ sơ ban đầu, gồm các thông tin về lý lịch cá nhân của người được giám sát, giáo dục và bản sao quyết định áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền;

b) Căn cứ vào nhân thân, Điều kiện, hoàn cảnh của người được giám sát, giáo dục; năng lực, khối lượng công việc và ý kiến của các cá nhân thuộc danh sách người trực tiếp giám sát, giáo dục quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Nghị định này, đề xuất người trực tiếp giám sát, giáo dục để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định.

3. Trên cơ sở đề xuất của Công an cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ra Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục phải gửi ngay cho người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục, người được giám sát, giáo dục và cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Một người có thể được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục nhiều người nhưng không quá 03 người trong cùng một thời điểm.

4. Trong quá trình thực hiện biện pháp giám sát, giáo dục, nếu người trực tiếp giám sát, giáo dục không có Điều kiện để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được phân công thì Công an cấp xã phải kịp thời dự kiến người khác thay thế, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định.

5. Quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục phải được lưu vào hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

Điều 8. Thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập người được giám sát, giáo dục; mời cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giám sát, giáo dục, người trực tiếp giám sát, giáo dục và Công an cấp xã để thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

2. Nội dung thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục gồm:

a) Thông báo quyền và nghĩa vụ của người được giám sát, giáo dục;

b) Giới thiệu người trực tiếp giám sát, giáo dục; trách nhiệm của người trực tiếp giám sát, giáo dục;

c) Trách nhiệm của gia đình trong việc phối hợp thực hiện biện pháp giám sát, giáo dục.

3. Thông báo về việc thi hành biện pháp giám sát, giáo dục phải được lập thành biên bản và lưu vào hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

Điều 9. Xây dựng Báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và Điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục

1. Ngay sau khi nhận Quyết định phân công trực tiếp giám sát, giáo dục của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người trực tiếp giám sát, giáo dục phải tiến hành ngay các công việc sau đây để xây dựng Báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và Điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục:

a) Gặp gỡ người được giám sát, giáo dục, cha, mẹ hoặc người giám hộ và những người khác để thu thập các thông tin liên quan đến nhân thân, sức khỏe, tâm lý, hoàn cảnh gia đình, Điều kiện sống, quan hệ bạn bè và quá trình vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục;

b) Phân tích các thông tin thu thập được để xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và Điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục; các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể, các dịch vụ hỗ trợ để giúp họ phục hồi và phòng ngừa tái phạm.

2. Báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và Điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục được thực hiện theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 10. Xây dựng, ban hành Kế hoạch giám sát, giáo dục

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận Quyết định phân công, người trực tiếp giám sát, giáo dục, căn cứ thời hạn giám sát, giáo dục và Báo cáo thu thập thông tin, xác định các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và Điều kiện vi phạm pháp luật quy định tại Điều 9 của Nghị định này, người trực tiếp giám sát, giáo dục xây dựng dự thảo Kế hoạch giám sát, giáo dục theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Kế hoạch, người trực tiếp giám sát, giáo dục tham khảo ý kiến, nguyện vọng của người được giám sát, giáo dục và cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó; chủ động liên hệ với các cơ sở cung cấp dịch vụ sẵn có ở địa phương, trao đổi với Trung tâm công tác xã hội và các cơ quan, tổ chức liên quan để bảo đảm tính phù hợp và khả thi của Kế hoạch.

2. Kế hoạch giám sát, giáo dục bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể, các dịch vụ hỗ trợ cần thực hiện để khắc phục các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân và Điều kiện vi phạm pháp luật của người được giám sát, giáo dục;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể; các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ cần thiết; cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp;

c) Thời điểm bắt đầu thực hiện, thời điểm kết thúc các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể, các dịch vụ hỗ trợ;

d) Các biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể, các dịch vụ hỗ trợ cần có sự chỉ đạo, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức cấp huyện hoặc cấp tỉnh.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được dự thảo Kế hoạch giám sát, giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp để thảo luận, góp ý dự thảo Kế hoạch giám sát, giáo dục.

Thành Phần tham gia cuộc họp gồm: Người được giám sát, giáo dục; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được giám sát, giáo dục; người trực tiếp giám sát, giáo dục; Công an cấp xã; Ban bảo vệ trẻ em cấp xã; cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện biện pháp giám sát, giáo dục cụ thể; các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ cần thiết; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm phối hợp.

Tại cuộc họp, người trực tiếp giám sát, giáo dục trình bày Báo cáo quy định tại Điều 9 của Nghị định này và dự thảo Kế hoạch giám sát, giáo dục; những người tham gia cuộc họp phát biểu ý kiến; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã kết luận.

4. Sau khi kết thúc cuộc họp quy định tại Khoản 3 Điều này, người trực tiếp giám sát, giáo dục hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch giám sát, giáo dục trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký ban hành.

Kế hoạch phải được gửi cho người được giám sát, giáo dục, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện và gửi Công an cấp xã để lưu vào hồ sơ thi hành biện pháp giám sát, giáo dục.

 

...........................................
Tải về máy để xem toàn bộ nội dung văn bản

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn