Nghị định 113/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của luật đê điều
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 113/2007/NĐ-CP NGÀY 28 THÁNG 06 NĂM 2007 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT ĐÊ ĐIỀU
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 20 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006, bao gồm:
a) Điều 4 về phân loại và phân cấp đê;
b) Điều 6 về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đê điều;
c) Điều 9 về nội dung quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê;
d) Điều 26 về sử dụng bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng;
đ) Điều 27 về xử lý công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông;
e) Khoản 2 Điều 37 về cơ cấu tổ chức, sắc phục, phù hiệu, cấp hiệu và chế độ chính sách đối với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều;
g) Điều 44 về thanh tra đê điều và Điều 46 về xử lý vi phạm pháp luật về đê điều của Luật Đê điều.
2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có các hoạt động liên quan đến đê điều tại Việt Nam.
Điều 2. Phân loại và phân cấp đê theo Điều 4 của Luật Đê điều được quy định như sau:
1. Đê được phân loại thành đê sông, đê biển, đê cửa sông, đê bối, đê bao và đê chuyên dùng.
2. Cấp của từng tuyến đê thực hiện theo quyết định phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ ủy quyền.
3. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hàng năm rà soát, điều chỉnh cấp đê theo tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật Đê điều để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Điều 3. Chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đê điều theo khoản 2 và khoản 3 Điều 6 của Luật Đê điều được quy định như sau:
1.Tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu hoặc ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực đê điều mà được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép áp dụng thì được hỗ trợ về kinh phí và các quyền lợi khác theo quy định hiện hành.
2. Tổ chức, cá nhân đầu tư vào đê điều để kết hợp làm đường giao thông được hưởng những quyền lợi sau:
a) Sử dụng đê theo mục đích đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Được chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt bằng thi công;
c) Cho các phương tiện giao thông hoạt động theo quy định về tải trọng của dự án đầu tư;
d) Được phép thu phí giao thông theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân đầu tư vào việc trồng cây chắn sóng bảo vệ đê điều được hưởng các quyền lợi sau:
a) Được bố trí đất trong phạm vi bảo vệ đê điều để trồng cây;
b) Hỗ trợ kinh phí trong nguồn vốn xây dựng, tu bổ đê điều hàng năm;
c) Được phép khai thác và hưởng lợi trong phạm vi đầu tư theo quy định.
Điều 4. Nội dung quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê theo khoản 2, khoản 3 và khoản 5 Điều 9 của Luật Đê điều được quy định như sau:
1. Xác định lũ thiết kế của tuyến sông gồm lưu lượng lũ thiết kế và mực nước lũ thiết kế cho từng giai đoạn quy hoạch, xác định mực nước lũ báo động để tổ chức hộ đê.
2. Xác định các giải pháp kỹ thuật của quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phân tích, đánh giá vai trò của từng giải pháp:
a) Xây dựng hồ chứa nước thượng lưu;
b) Trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và trồng cây chắn sóng bảo vệ đê;
c) Xây dựng, tu bổ đê điều;
d) Xác định các vùng phân lũ, làm chậm lũ, khả năng phân lũ vào các sông khác, xác định thứ tự vận hành của các công trình phân lũ, làm chậm lũ;
đ) Làm thông thoáng dòng chảy;
e) Tổ chức quản lý và hộ đê.
3. Các giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê phải được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên của từng giai đoạn.
Điều 5. Sử dụng bãi sông nơi chưa có công trình xây dựng theo điểm c khoản 3 Điều 26 của Luật Đê điều được quy định như sau:
Để việc xây dựng công trình không được làm giảm quá giới hạn cho phép của lưu lượng lũ thiết kế; không làm tăng quá giới hạn cho phép của mực nước lũ thiết kế; không ảnh hưởng đến dòng chảy của khu vực lân cận, thượng lưu, hạ lưu phải đáp ứng các quy định sau:
1. Ngoài phạm vi bảo vệ đê điều.
2. Tuân theo quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 26 của Luật Đê điều.
3. Dự án xây dựng mới phải cách bờ sông một khoảng cách nhất định để thông thoáng dòng chảy, tránh sạt lở; phục vụ việc xây dựng đường ven sông, tạo cảnh quan môi trường; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể khoảng cách này.
4. Các công trình trạm điện, trạm y tế, trường học, trạm cấp nước, nhà kho khi lập dự án xây dựng phải bảo đảm các quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này, đồng thời phải cao hơn mực nước thiết kế đê để hoạt động được thường xuyên và an toàn trong mùa lũ.
Điều 6. Xử lý công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông theo Điều 27 của Luật Đê điều được quy định như sau:
1. Trên cơ sở quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê do Chính phủ phê duyệt, quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của tuyến sông có đê trong phạm vi địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo xây dựng quy hoạch và phê duyệt hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng ở bãi sông theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Đê điều;
b) Tổ chức cắm mốc chỉ giới trên thực địa theo quy hoạch;
c) Xác định số lượng công trình, nhà ở phải di dời;
d) Xây dựng kế hoạch và biện pháp thực hiện việc di dời.
2. Thời gian di dời đối với công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông thuộc diện phải di dời được quy định như sau:
a) Công trình, nhà ở hiện có trong khu vực đang bị sạt lở phải di dời ngay để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân;
b) Công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều phải tổ chức di dời trong thời gian tối đa 2 năm, kể từ ngày Luật Đê điều có hiệu lực;
c) Công trình, nhà ở không phù hợp với quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch phòng, chống lũ; quy hoạch xây dựng các công trình, nhà ở và các quy hoạch khác có liên quan) do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì phải tổ chức di dời trong thời gian tối đa 5 năm, kể từ ngày Luật Đê điều có hiệu lực thi hành.
3. Chính sách đối với công trình, nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông thuộc diện phải di dời được quy định như sau:
a) Công trình, nhà ở hợp pháp được bồi thường theo quy định của pháp luật;
b) Công trình, nhà ở không hợp pháp có thể được xem xét hỗ trợ; mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
4. Các dự án xây dựng đã được phê duyệt trước ngày Pháp lệnh Đê điều có hiệu lực (ngày 01 tháng 01 năm 2001), nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành, nếu phù hợp với các quy hoạch quy định trong Luật Đê điều và các quy định của pháp luật hiện hành thì được tiếp tục thực hiện. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét để quyết định cụ thể cho từng dự án nêu trên.
Điều 7. Cơ cấu tổ chức của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều theo khoản 2 Điều 37 của Luật Đê điều được quy định như sau:
1. Lực lượng chuyên trách quản lý đê điều thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh) có đê được tổ chức thành các Hạt Quản lý đê trong phạm vi một huyện hoặc liên huyện.
Hạt Quản lý đê là đơn vị của Chi cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt, bão thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh; có trụ sở làm việc, có con dấu và tài khoản riêng.
2. Lực lượng chuyên trách quản lý đê điều có chức năng trực tiếp quản lý và bảo vệ đê điều, từ đê cấp III đến đê cấp đặc biệt.
Đối với các tuyến đê cấp IV, cấp V; tuyến đê và công trình phân lũ, làm chậm lũ việc tổ chức quản lý do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
3. Biên chế của Hạt Quản lý đê do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo định mức:
a) Một người quản lý trực tiếp từ 1 đến 2 km đê đối với đê cấp đặc biệt; từ 3 đến 4 km đê đối với đê từ cấp I đến cấp III;
b) Định mức biên chế quản lý tuyến đê cấp IV, cấp V; tuyến đê và công trình phân lũ, làm chậm lũ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Điều 8. Chế độ, chính sách đối với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều theo khoản 2 Điều 37 của Luật Đê điều được quy định như sau:
1. Sắc phục, phù hiệu, cấp hiệu và thẻ của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều được quy định chi tiết tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
2. Việc cấp sắc phục, phù hiệu, cấp hiệu và thẻ của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều được thực hiện theo các quy định như sau: mũ kêpi 3 năm cấp một lần; mũ mềm 2 năm cấp một lần; mũ bông 3 năm cấp một lần. áo bông 3 năm cấp một lần; quần áo thu đông, áo gi lê và ca vát 3 năm cấp một lần ; quần áo xuân hè 1 năm cấp một lần (năm đầu cấp hai bộ); tất chân 1 năm cấp hai đôi; giày da 3 năm cấp một lần; thắt lưng da 3 năm cấp một lần; phù hiệu, cấp hiệu và thẻ được đổi hoặc cấp lại khi bị hư hỏng.
3. Lực lượng chuyên trách quản lý đê điều được hưởng các chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp ưu đãi và chế độ trang bị dụng cụ, thiết bị, phương tiện bảo hộ lao động.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về chế độ trang bị dụng cụ, thiết bị, phương tiện, bảo hộ lao động cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều.
4. Kinh phí hoạt động của Hạt Quản lý đê do ngân sách cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 9. Thanh tra đê điều theo Điều 44 của Luật Đê điều được quy định như sau:
1. Thanh tra đê điều là thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 153/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của thanh tra đê điều.
Điều 10. Xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo Điều 46 của Luật Đê điều được quy định như sau:
1. Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đê điều thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, bảo vệ đê điều Chính phủ có quy định riêng.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và khi Luật Đê điều có hiệu lực thi hành.
Nghị định số 171/2003/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Đê điều và Nghị định số 78/2005/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ về quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và sắc phục của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Bãi bỏ và các quy định trước đây trái với quy định của Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất