Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Nghị định 05/2007/NĐ-CP về phòng, chống bệnh dại ở động vật

Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 9 tháng 1 năm 2007 về phòng, chống bệnh dại ở ở chó, mèo và một số động vật nuôi khác dễ nhiễm bệnh dại (sau đây gọi chung là động vật).

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 05/2007/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 1 NĂM 2007  VỀ PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI Ở ĐỘNG VẬT

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 

NGHỊ ĐỊNH :

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định về phòng, chống bệnh dại ở chó, mèo và một số động vật nuôi khác dễ nhiễm bệnh dại (sau đây gọi chung là động vật).
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến chăn nuôi, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, phòng, trị bệnh cho động vật phải tuân theo quy định của Nghị định này và các quy định của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.
Trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.
Điều 2. Giải thích từ ngữ 
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Động vật nuôi khác dễ nhiễm bệnh dại bao gồm trâu, bò, ngựa, lợn, lạc đà, khỉ.
2. Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do một loại virut thuộc họ Rhabdoviridae gây ra, gặp ở nhiều loài động vật và ở người. Con vật bị bệnh lúc đầu thường điên cuồng, cắn xé đồ vật, những con vật khác hoặc người và truyền bệnh qua những vết cào, vết cắn; trước khi chết, con vật bị bệnh thường chuyển sang thời kỳ bại liệt.
3. Động vật mắc bệnh dại là động vật có những triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh hoặc xác định được mầm bệnh.
4. Động vật nghi mắc bệnh dại là động vật đã bị động vật mắc bệnh dại cắn, cào, liếm.
5. Động vật nhiễm bệnh dại là động vật đã tiếp xúc với động vật bị mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại.
6. Động vật nghi nhiễm bệnh dại là chó, mèo vô cớ cắn, cào người, động vật khác.
7. Ổ dịch bệnh dại là nơi có động vật mắc bệnh dại ở phạm vi thôn, làng, bản, ấp, khu phố (sau đây gọi là thôn).
8. Vùng có dịch bệnh dại là vùng có một hoặc nhiều ổ dịch bệnh dại đã được cơ quan thú y có thẩm quyền xác định.
Điều 3. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại.
2. Chữa bệnh cho động vật mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại.
3. Giết mổ động vật mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại, trừ trường hợp giết mổ để lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
4. Thả rông chó ở những nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị.
Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và Ủy ban nhân dân các cấp trong phòng, chống bệnh dại
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
a) Ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại cho động vật bao gồm: tiêm phòng vắc xin, giám sát động vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại; tiêu hủy động vật mắc bệnh dại và các sản phẩm của chúng; giết mổ động vật, mổ xác động vật để lấy mẫu; bao gói, gửi bệnh phẩm chẩn đoán bệnh dại; đăng ký nuôi chó, quản lý chó nuôi, tiêu huỷ chó vô chủ;
b) Chủ trì xây dựng Chương trình khống chế, thanh toán bệnh dại ở động vật và ở người, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo thực hiện chương trình trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao;
c) Chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại ở động vật trong phạm vi cả nước;
d) Thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh dại cho động vật trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Y tế có trách nhiệm: 
a) Ban hành các văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người; tổ chức điều trị dự phòng, khám, tư vấn về phòng, chống bệnh dại ở người; tiêm phòng, theo dõi, điều trị đối với người bị động vật mắc bệnh dại, nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại cắn, cào;
b) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Chương trình khống chế, thanh toán bệnh dại ở động vật và ở người; chỉ đạo thực hiện chương trình sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao;
c) Chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dại ở người trong phạm vi cả nước;
d) Thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh dại cho người trong phạm vi cả nước.
3. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai thực hiện chương trình phòng, chống bệnh dại trên địa bàn;
b) Chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định tại Nghị định này và tại Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
c) Chỉ đạo, triển khai thực hiện việc tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo; áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác để phòng bệnh dại cho động vật; tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân tích cực tham gia phòng, chống bệnh dại cho người và động vật.
Đối với chó thả rông ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) quy định việc bắt giữ; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; tiêu hủy chó trong trường hợp sau 48 giờ, kể từ khi có thông báo mà không có người nhận.
Điều 5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi động vật
1. Tổ chức, cá nhân nuôi động vật (sau đây gọi là chủ vật nuôi) phải tuân thủ các quy định về phòng, chống bệnh dại và hướng dẫn của cơ quan thú y trong việc xử lý ổ dịch theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này.
2. Chủ nuôi chó phải thực hiện việc nuôi chó theo quy định tại Điều 6  Nghị định này và chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó.
3. Chủ vật nuôi có chó, mèo mắc bệnh dại cắn, cào người phải bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật.
 
Chương  II
PHÒNG BỆNH DẠI Ở ĐỘNG VẬT
 
Điều 6. Nuôi chó
Chủ nuôi chó phải thực hiện các quy định sau đây:
1. Đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư.
2. Xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt.
3. Nuôi chó tập trung phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.
Điều 7. Tiêm vắc xin phòng bệnh dại
1. Tất cả chó, mèo trong diện tiêm phòng bắt buộc phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại theo quy định của cơ quan thú y.
2. Vắc xin tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo phải có trong Danh mục vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và phải được bảo quản, sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc của cơ quan thú y.
3. Cơ quan thú y cấp Giấy chứng nhận tiêm phòng cho chủ vật nuôi có chó, mèo đã được tiêm phòng theo quy định. Chủ vật nuôi phải thanh toán các khoản chi phí tiêm phòng theo quy định của pháp luật về thú y.
Điều 8. Giám sát, phát hiện bệnh dại
1. Trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan trong việc giám sát, phát hiện bệnh dại:
a) Chủ vật nuôi phải thường xuyên theo dõi vật nuôi, nếu phát hiện con vật có biểu hiện bất thường hoặc vô cớ cắn, cào người, động vật khác thì phải nhốt ngay con vật đó, con vật đã bị cắn, cào để theo dõi và báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã biết;
b) Nhân viên thú y cấp xã khi nhận được thông báo của chủ vật nuôi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân cấp xã để giám sát việc nhốt, giữ động vật nghi mắc bệnh dại; đồng thời báo cáo bằng văn bản với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y cấp huyện;
c) Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y cấp huyện sau khi nhận được báo cáo của nhân viên thú y cấp xã quy định tại điểm b khoản 1 Điều này có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc nghi động vật mắc bệnh dại ở địa phương;
d) Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y cấp tỉnh sau khi nhận được báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y cấp huyện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, phải tiến hành xác minh và có kết luận cụ thể về động vật nghi mắc bệnh dại, nhiễm bệnh dại, nghi nhiễm bệnh dại để theo dõi, giám sát con vật theo quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp xác định động vật có mắc bệnh dại thì phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp huyện để công bố dịch theo thẩm quyền quy định tại Điều 12 Nghị định này; đồng thời thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, chủ vật nuôi, người bị hại và Trung tâm Y tế dự phòng cấp tỉnh biết để phối hợp chỉ đạo mạng lưới thú y cấp xã, y tế cấp xã, người nuôi triển khai các biện pháp đối với vùng dịch theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.
2. Theo dõi, giám sát động vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh dại:
a) Chó, mèo nghi mắc bệnh dại mà đã cắn, cào người thì phải nhốt theo dõi trong 90 ngày; nếu chưa cắn, cào người thì phải tiêu hủy;
b) Chó, mèo nhiễm bệnh dại mà chưa được tiêm phòng thì phải tiêu huỷ, đã được tiêm phòng thì phải nhốt, theo dõi trong 90 ngày;
c) Chó, mèo nghi nhiễm bệnh dại phải nhốt, theo dõi trong 14 ngày.
Điều 9. Nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh động vật qua lãnh thổ Việt Nam
1. Động vật nhập khẩu vào Việt Nam từ vùng lãnh thổ, nước không có bệnh dại phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu xác nhận là động vật đó không có triệu chứng lâm sàng của bệnh dại;
b) Động vật có nguồn gốc từ vùng lãnh thổ, nước không có bệnh dại ít nhất 06 tháng trước khi xuất khẩu.
2. Động vật nhập khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc từ vùng lãnh thổ, nước có bệnh dại phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu xác nhận động vật đó không có triệu chứng lâm sàng của bệnh dại;
b) Trâu, bò, ngựa, lợn được nuôi giữ tại cơ sở chăn nuôi không có ca bệnh dại trong vòng 06 tháng trước khi xuất khẩu;
c) Chó, mèo đã được tiêm phòng bệnh dại và đang còn miễn dịch.
3. Động vật tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu xác nhận là động vật đó không có triệu chứng lâm sàng của bệnh dại; chó, mèo đã được tiêm vắc xin phòng bệnh và đang còn miễn dịch; trâu, bò, ngựa, lợn có nguồn gốc từ vùng lãnh thổ, nước không có ca bệnh dại nào trong vòng 06 tháng trước khi xuất khẩu.
4. Động vật tạm xuất, tái nhập vào Việt Nam phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước đã cho tạm nhập xác nhận con vật đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này.
Điều 10. Giết mổ chó để kinh doanh
Việc giết mổ chó để kinh doanh tại các cơ sở giết mổ phải bảo đảm các điều kiện vệ sinh thú y theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y và các quy định sau:
1. Chó đưa vào giết mổ phải có Giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh dại của cơ quan thú y có thẩm quyền.
2. Người thường xuyên giết mổ, chế biến thực phẩm từ chó định kỳ phải tiêm phòng bệnh dại theo quy định của Bộ Y tế.
 
Chương III
CHỐNG DỊCH BỆNH DẠI Ở ĐỘNG VẬT
 
Điều 11. Xử lý ổ dịch
1. Khi động vật đã được xác định mắc bệnh dại, chủ vật nuôi phải thực hiện các quy định sau:
a) Tiêu hủy ngay con vật mắc bệnh. Trường hợp không xác định được chủ vật nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm tiêu hủy;
b) Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này;
c) Vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng, cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường, thức ăn, chất thải, các vật dụng khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh;
d) Tất cả chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch phải được nhốt, theo dõi.
2. Tiêm phòng bắt buộc cho chó, mèo khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp. Trường hợp chó, mèo khoẻ mạnh trong ổ dịch không tiêm phòng thì phải tổ chức tiêu hủy.
Điều 12. Công bố dịch bệnh dại
1. Điều kiện công bố dịch bệnh dại trong phạm vi xã:
a) Khi đã xác định có chó, mèo mắc bệnh dại và có người chết vì bệnh dại trong địa bàn xã;
b) Có báo cáo bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện về diễn biến tình hình dịch bệnh;
c) Có văn bản đề nghị công bố dịch của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về thú y cấp tỉnh.
2. Điều kiện công bố dịch bệnh dại trong phạm vi huyện: khi trong huyện có từ 5 xã trở lên có dịch bệnh dại.
3. Điều kiện công bố dịch bệnh dại trong phạm vi tỉnh: khi trong tỉnh có từ 5 huyện trở lên có dịch bệnh dại.
4. Thẩm quyền công bố dịch thực hiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm  2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.
Điều 13. Các biện pháp đối với vùng có dịch
1. Đối với động vật:
a) Tất cả chó, mèo trong vùng có dịch phải được nhốt. Những con khoẻ mạnh tại vùng đó và tại các thôn tiếp giáp phải được tiêm vắc xin phòng bệnh dại;
b) Thực hiện tiêu hủy động vật mắc bệnh hoặc chết vì bệnh dại; vệ sinh, khử trùng tiêu độc vùng có dịch;
c) Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh dại theo quy định;
d) Không vận chuyển, đưa chó, mèo ra, vào vùng có dịch.
2. Đối với người:
a) Những người bị chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh dại cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh phải xử lý vết thương ngay theo hướng dẫn của y tế cấp xã; đến ngay Trung tâm Y tế dự phòng để được khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam;
b) Trung tâm Y tế dự phòng cấp huyện phải có đầy đủ huyết thanh kháng dại, vắc xin phòng bệnh dại và tổ chức trực chống dịch;
c) Những người trực tiếp thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc nơi có dịch phải thực hiện biện pháp phòng hộ theo hướng dẫn của cơ quan Thú y.
Điều 14. Công bố hết dịch
1. Điều kiện công bố hết dịch:
a) 100% chó, mèo trong vùng có dịch và các thôn tiếp giáp với vùng có dịch đã được tiêm vắc xin phòng bệnh dại;
b) Đã đủ 90 ngày, kể từ ngày xuất hiện con vật đầu tiên mắc bệnh dại, trong đó 15 ngày cuối cùng không có thêm con vật nào mắc bệnh dại hoặc chết vì bệnh dại;
c) Đã thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc triệt để đối với ổ dịch, vùng có dịch.
2. Thẩm quyền công bố hết dịch:
Trình tự, thẩm quyền công bố hết dịch thực hiện theo quy định tại  khoản 2 Điều 27 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.
 
Chương IV
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
 
Điều 15. Khen thưởng
Cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác phòng, chống bệnh dại ở động vật được khen thưởng kịp thời theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Xử lý vi phạm
Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm các quy định trong Nghị định này thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 129/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội và các quy định pháp luật khác có liên quan.
 
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
 
Điều 17. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 18. Trách nhiệm hướng dẫn thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện Nghị định này. 
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
 

TM. CHÍNH PHỦ
   THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169