Nguyễn Nhàn

Đại lý thương mại là gì? Hợp đồng đại lý cần nội dung gì?

Đại lý là một chủ thể quan trọng trong quá trình phân phối hàng hóa, là bên trung gian đem hàng hóa đến với khách hàng, người tiêu dùng nhanh chóng hơn. Vì có vị trí quan trọng như vậy nên ngày càng nhiều đại lý được mở ra ở nông thôn và thành thị; góp phần thúc đẩy hoạt động tiêu thụ hàng hóa sôi động, kích thích nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, việc thành lập và vận hành đại lý có thể tiềm ẩn các tranh chấp xảy ra nếu như các bên không có thỏa thuận rõ ràng, không nắm rõ các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Do đó, để nâng cao nhận thức về đại lý và hợp đồng đại lý, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi mở đại lý, quý khách hàng có thể tham khảo bài viết sau đây của Công ty Luật Minh Gia:

1. Đại lý là gì?

Về mặt thuật ngữ, có thể hiểu đơn giản đại lý là chủ thể được doanh nghiệp ủy quyền để đại diện bán hàng cho doanh nghiệp, nhân danh doanh nghiệp, được doanh nghiệp trả thù lao bán hàng theo thỏa thuận.

Về mặt pháp lý, Điều 166 Luật Thương mại năm 2005 quy định về Đại lý thương mại như sau: Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.”

Trong quan hệ đại lý luôn luôn tồn tại hai bên là bên giao đại lý và bên đại lý. Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hóa cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân ủy quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ. Còn bên đại lý là thương nhân nhận hàng hóa để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận ủy quyền cung ứng dịch vụ.

2. Các hình thức đại lý

Các hình thức đại lý hiện nay theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 bao gồm:

Đại lý bao tiêu là hình thức đại lý mà bên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hóa hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý. Ở hình thức đại lý này, doanh nghiệp sẽ ấn định mức giá bán hàng cho đại lý và đại lý có quyền quyết định mức giá bán hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Theo đó, khoản tiền chênh lệch giữa giá đại lý nhập hàng từ doanh nghiệp và giá bán hàng ra thị trường sẽ là lợi nhuận của đại lý.

Hình thức đại lý bao tiêu thường gặp với các mặt hàng tiêu dùng, bánh kẹo, nước ngọt,…

Đại lý độc quyền là hình thức đại lý mà một khu vực địa lý nhất định bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định. Ở hình thức này, đại lý sẽ bị giới hạn về mặt phạm vi kinh doanh khi chỉ được doanh nghiệp giao một hoặc một số mặt hàng nhất định để tiêu thụ ra thị trường.

Hình thức đại lý độc quyền có thể kể đến đại lý của bán điện thoại của Apple, đại lý bán riêng xe Honda, đại lý bán riêng nước giải khát Cocacola,…

Tổng đại lý mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý. Hình thức tổng đại lý được tổ chức và hoạt động theo chiều dọc, tức nghĩa doanh nghiệp giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho tổng đại lý và tổng đại lý sẽ giao cho các đại lý trực thuộc để tiêu thụ.

Hình thức tổng đại lý thường gặp nhất đó chính là đại lý kinh doanh xăng dầu.

Ngoài ra, còn có các hình thức đại lý khác theo thỏa thuận của các bên.

3. Hợp đồng đại lý

Thông thường doanh nghiệp sẽ yêu cầu đại lý tiêu thụ hoặc thu mua khối lượng lớn hàng hóa. Vì vậy, để nhằm đảm bảo quá trình đại lý không phát sinh tranh chấp, pháp luật thương mại quy định hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.

Hợp đồng đại lý thỏa thuận đầy đủ các nội dung thì khi phát sinh tranh chấp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có cơ sở để giải quyết tranh chấp triệt để hơn, bảo vệ được tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ đại lý.

Theo đó, một bản hợp đồng đại lý cần phải có các điều khoản cơ bản như sau:

- Thông tin của bên giao đại lý, bên đại lý: Thông tin của người đại diện, trụ sở chính, địa chỉ, số điện thoại liên lạc;

- Quyền và nghĩa vụ của các bên;

- Hình thức đại lý;

- Thù lao đại lý;

- Thời hạn đại lý;

- Hành vi vi phạm hợp đồng;

- Bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng;

- Phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh,…

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Bài viết nổi bật
Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo