Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Bảng giá đất tỉnh Quảng Ngãi áp dụng thời kỳ năm 2015 - 2019

Bảng khung giá đất tỉnh Quảng Ngãi áp dụng thời kỳ năm 2015 - 2019 ban hành kèm theo Quyết định 67/2014/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2014 như sau:

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/2014/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 31 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI ÁP DỤNG CHO THỜI KỲ 05 NĂM (2015 - 2019)
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI


Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;
Căn cứ Luật Giá ngày 20/6/2012;
Căn cứ Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất;
Căn cứ Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 14/11/2014 của Chính phủ quy định về khung giá đất;
Căn cứ Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất;
Căn cứ Nghị quyết số 40/2014/NQ-HĐND ngày 16/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa XI, kỳ họp thứ 14 về việc ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi áp dụng cho thời kỳ 05 năm 2015 - 2019;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 3837/TTr-STMMT ngày 31/12/2014 và Giám đốc Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 202/BC-STP ngày 25/11/2014,


QUYẾT ĐỊNH:


Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi áp dụng cho thời kỳ 05 năm (2015 - 2019).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015 đến hết ngày 31/12/2019 và thay thế Quyết định số 56/2013/QĐ-UBND ngày 23/12/2013 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, việc có điều chỉnh, bổ sung Bảng giá các loại đất thực hiện như sau:
1. Khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất mà mức giá đất điều chỉnh tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất của loại đất tương tự; khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh dự thảo bảng giá đất điều chỉnh, trình Thường trực HĐND tỉnh thông qua, làm cơ sở để điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
2. Trong kỳ ban hành bảng giá đất mà cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thay đổi mục đích sử dụng đất và bổ sung các đường, phố chưa có tên trong bảng giá đất hiện hành nhưng không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh lấy ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, làm cơ sở để điều chỉnh, bổ sung giá đất cho phù hợp với thực tế và quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
 

 
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Đoàn thể Chính trị - Xã hội tỉnh;
- Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH
và HĐND tỉnh;
- Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi;
- VPUB: PCVP, các P. N/cứu, CB-TH;
- Lưu: VT, NN-TN(TV11).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Viết Chữ

 

QUY ĐỊNH
VỀ GIÁ CÁC LOẠI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI ÁP DỤNG CHO THỜI KỲ 05 NĂM (2015 - 2019)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 67/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)
 

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng điều chỉnh
Quy định này quy định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Điều 2. Phạm vi áp dụng
1. Giá đất được áp dụng để
a) Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phân diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân;
b) Tính, thuế sử dụng đất;
c) Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai;
d) Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
đ) Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai;
e) Tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
2. Trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, thì mức giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất hoặc trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất không được thấp hơn mức giá tại Quy định này.
3. Quy định này không áp dụng đối với trường hợp người có quyền sử dụng đất thỏa thuận về giá đất khi thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
4. Giá đất quy định tại Quyết định này được áp dụng thống nhất trên địa bàn tỉnh.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Đất trồng lúa” là ruộng và nương rẫy trồng lúa từ 01 (một) vụ trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa nước, đất trồng lúa nước còn lại, đất trồng lúa nương.
2. “Đất trồng cây hàng năm” là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng từ khi gieo trồng tới khi thu hoạch không quá 01 (một) năm; kể cả đất sử dụng theo chế độ canh tác không thường xuyên theo chu kỳ.
3. “Đất trồng cây lâu năm” là đất trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng trên một năm từ khi gieo trồng tới khi thu hoạch kể cả cây có thời gian sinh trưởng như cây hàng năm nhưng cho thu hoạch trong nhiều năm; bao gồm đất trồng cây công nghiệp lâu năm, đất trồng cây ăn quả lâu năm và đất trồng cây lâu năm khác.
4. “Đất rừng sản xuất” là đất sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
5. “Đất rừng phòng hộ” là đất để sử dụng vào mục đích phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ đất, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, chắn gió, chắn cát, chắn sóng ven biển theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
6. “Đất rừng đặc dụng” là đất để sử dụng vào mục đích nghiên cứu, thí nghiệm khoa học, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, vườn rừng quốc gia, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường sinh thái theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
7. “Đất nuôi trồng thủy sản” là đất được sử dụng chuyên vào mục đích nuôi, trồng thủy sản nước lợ, nước mặn và nước ngọt.
8. “Đất làm muối” là ruộng muối để sử dụng vào mục đích sản xuất muối.
9. “Đất ở” là đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ cho đời sống; đất vườn, ao gắn liền với nhà ở trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư được công nhận là đất ở; bao gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.
10. “Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp” là đất làm mặt bằng để xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (kể cả trụ sở, văn phòng đại diện, sân kho và nhà kho của tổ chức kinh tế); đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.
11. “Đất nông nghiệp khác” gồm đất để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh.
12. “Giá đất” là số tiền tính trên một đơn vị diện tích đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Phân vùng đất theo xã, phường, thị trấn
Đất được chia thành 2 vùng: Đồng bằng và miền núi như phụ lục kèm theo.
Điều 5. Giá đất nông nghiệp
1. Đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất rừng sản xuất (bao gồm cả đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng), giá đất được xác định theo vị trí đất của 2 loại xã theo địa giới hành chính: đồng bằng và miền núi, trong mỗi loại xã được chia làm 3 vị trí.
Vị trí của các loại đất nông nghiệp được phân thành các vị trí có số thứ tự từ thứ 1 trở đi. Việc xác định vị trí đất nông nghiệp chủ yếu căn cứ vào yếu tố khoảng cách so với nơi cư trú của người sử dụng đất, thị trường tiêu thụ nông sản phẩm, gần và thuận lợi về giao thông là những yếu tố tạo lợi thế cho người sản xuất giảm được chi phí đi lại, chi phí lưu thông (mua vật tư, bán sản phẩm), chi phí tiêu thụ sản phẩm nhưng có kết hợp với các yếu tố tạo lợi thế cho sản xuất. Nguyên tắc xác định từng vị trí như sau:
a) Vị trí 1: Bao gồm khu vực đất cùng điều kiện kinh tế - xã hội, cùng kết cấu hạ tầng, cùng mục đích sử dụng đất và phải đồng thời thỏa mãn 02 điều kiện sau:
a1) Có từ 1 đến 3 yếu tố về khoảng cách liền kề hoặc gần nhất so với:
- Nơi cư trú của người sử dụng đất, nơi cư trú được xác định là trung tâm của thôn (xóm, bản nơi có đất).
- Thị trường tiêu thụ nông sản phẩm (chợ nông thôn, chợ đô thị, nơi thu mua nông sản tập trung).
- Đường giao thông (giao thông đường bộ bao gồm quốc lộ, tỉnh lộ; đường liên huyện. Đối với nơi không có quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ thì căn cứ vào đường giao thông liên xã; giao thông đường thủy (ở những nơi sử dụng giao thông đường thủy là chủ yếu) bao gồm: sông, ngòi, kênh).
a2) Có các yếu tố có lợi thế tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp bao gồm: địa hình bằng phẳng, điều kiện tưới tiêu chủ động, độ phì nhiêu của đất cao, thời tiết khí hậu thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.
b) Vị trí 2: Có các điều kiện kém hơn vị trí 1 nêu trên.
c) Vị trí 3: Có các điều kiện kém hơn vị trí 2 nêu trên.
d) Xử lý một số trường hợp cụ thể về cách xác định vị trí đất:
- Nếu khu đất có các yếu tố lợi thế tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp (quy định tại tiết a2 điểm a khoản 1 Điều này) nhưng có từ 1 đến 3 yếu tố về khoảng cách xa hơn so với nơi cư trú của người sử dụng đất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, đường giao thông (quy định tại tiết a1 điểm a khoản 1 Điều này) thì vẫn phân thành các vị trí đất thấp hơn vị trí số 1.
- Nếu khu đất có từ 1 đến 3 yếu tố về khoảng cách liền kề hoặc gần nhất so với nơi cư trú của người sử dụng đất, thị trường tiêu thụ nông sản phẩm, đường giao thông (theo quy định tại tiết a1 điểm a khoản 1 Điều này) nhưng có một hoặc một số yếu tố lợi thế đối với sản xuất nông nghiệp (quy định tại tiết a2 điểm a khoản 1 Điều này) chỉ đạt mức trung bình hoặc dưới mức trung bình vẫn được phân thành vị trí số 1.
2. Đất làm muối được chia làm 02 vị trí theo địa giới hành chính xã, bao gồm xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ) và các xã còn lại.
Vị trí đất làm muối được xác định căn cứ vào khoảng cách từ đồng muối đến kho muối tập trung tại khu sản xuất hoặc khoảng cách từ đồng muối đến đường giao thông liên huyện (trường hợp không có đường giao thông liên huyện đi qua thì căn cứ vào khoảng cách với đường giao thông liên xã), theo nguyên tắc: Vị trí số 1 áp dụng đối với đồng muối gần kho muối nhất hoặc gần đường giao thông; Vị trí thứ 2 có khoảng cách xa kho muối hơn, xa đường giao thông hơn.
3. Giá các loại đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như Bảng giá số 1 kèm theo.
4. Giá đất nông nghiệp khác được căn cứ vào giá đất nông nghiệp liền kề hoặc giá đất nông nghiệp tại khu vực lân cận trong cùng vùng tương ứng của bảng giá đất nông nghiệp quy định tại khoản 3 của Điều này.
5. Căn cứ vào các nguyên tắc phân chia vị trí đất nông nghiệp quy định khoản 1, khoản 2 Điều này; đặc điểm của từng loại đất nông nghiệp và điều kiện cụ thể của từng vùng, từng khu vực đất tại địa phương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phải xác định để quy định từng vị trí đất nông nghiệp cụ thể theo địa giới hành chính xã để áp dụng trên địa bàn huyện, thành phố.
Quyết định quy định từng vị trí đất nông nghiệp của UBND huyện, thành phố phải gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Điều 6. Giá đất phi nông nghiệp
1. Đất phi nông nghiệp tại khu vực 08 phường: Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nghĩa Lộ, Chánh Lộ, Quảng Phú, Nghĩa Chánh thuộc thành phố Quảng Ngãi
Đất ở và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại khu vực 08 phường: Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nghĩa Lộ, Chánh Lộ, Quảng Phú, Nghĩa Chánh thuộc thành phố Quảng Ngãi được xếp theo vị trí và được chia thành 6 loại đường của đô thị loại III.
a) Phân loại đường: Đường của các phường thuộc thành phố được phân thành 6 loại đường (loại 1, 2, 3, 4, 5, 6), căn cứ vào khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng, sản xuất kinh doanh dịch vụ, khoảng cách tới trung tâm thành phố.
b) Phân vị trí đất: Vị trí đất từng loại đường thuộc các phường được phân thành 3 vị trí có số thứ tự từ 1 trở đi trên cơ sở nguyên tắc: Vị trí số 1 áp dụng đối với đất liền cạnh đường (mặt tiền) có mức sinh lợi cao nhất, có điều kiện kết cấu hạ tầng thuận lợi nhất, các vị trí tiếp theo sau đó theo thứ tự từ thứ 2 trở đi áp dụng đối với đất không liền cạnh đường có mức sinh lợi và điều kiện kết cấu hạ tầng kém thuận lợi hơn.
2. Đất phi nông nghiệp Phường Trương Quang Trọng thuộc thành phố Quảng Ngãi và thị trấn các huyện
Đất ở và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại Phường Trương Quang Trọng thuộc thành phố Quảng Ngãi được xếp theo vị trí và được chia thành 3 loại đường của đô thị loại III; Đất ở và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại thị trấn được xếp theo vị trí và được chia thành 3 loại đường của đô thị loại V.
a) Phân loại đường: Đường được phân thành 3 loại đường (loại 1, 2, 3) được căn cứ vào khả năng sinh lợi, điều kiện kết cấu hạ tầng, sản xuất kinh doanh dịch vụ, khoảng cách tới trung tâm thị trấn.
b) Phân vị trí đất: Vị trí đất trong từng loại đường được phân thành các loại vị trí có số thứ tự từ 1 trở đi trên cơ sở căn cứ vào khả năng sinh lợi, khoảng cách tới mặt tiền của các trục giao thông và điều kiện kết cấu hạ tầng thuận lợi cho sinh hoạt, kinh doanh và cung cấp dịch vụ. Theo nguyên tắc vị trí 1 có mức sinh lợi cao nhất, có điều kiện kết cấu hạ tầng thuận lợi nhất, gần trục đường giao thông chính nhất, gần khu thương mại, dịch vụ nhất...; các vị trí tiếp sau đó theo thứ tự 2 trở đi có mức sinh lợi và điều kiện kết cấu hạ tầng kém thuận lợi hơn so với vị trí trước.
3. Đất phi nông nghiệp tại nông thôn (bao gồm các xã thuộc thành phố Quảng Ngãi)
Đất ở tại nông thôn, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại nông thôn được xếp theo vị trí của từng loại đất trong từng khu vực và được chia thành 2 loại xã theo địa giới hành chính: đồng bằng và miền núi.
a) Phân khu vực: Được chia thành 3 khu vực, như sau:
- Khu vực 1: Đất mặt tiền tiếp giáp đầu mối giao thông, trục đường giao thông chính nằm tại trung tâm xã hoặc cụm xã (gần Ủy ban nhân dân xã, trường học, chợ, trạm y tế), gần khu thương mại và dịch vụ, khu du lịch, khu công nghiệp; hoặc không nằm tại trung tâm xã nhưng gần đầu mối giao thông hoặc gần chợ nông thôn.
- Khu vực 2: Đất mặt tiền ven các trục đường giao thông liên thôn, tiếp giáp với khu vực trung tâm xã hoặc cụm xã, khu thương mại, khu du lịch hoặc không nằm tại khu vực trung tâm xã nhưng gần đầu mối giao thông hoặc gần: chợ, Ủy ban nhân dân xã, trường học, trạm y tế.
- Khu vực 3: Các vị trí còn lại trên địa bàn huyện.
Việc phân loại khu vực để xác định giá đất thực hiện theo nguyên tắc: khu vực 1 có khả năng sinh lợi cao nhất, có điều kiện kết cấu hạ tầng thuận lợi nhất; các khu vực tiếp sau đó theo thứ tự từ thứ 2 trở đi có khả năng sinh lợi và kết cấu hạ tầng kém thuận lợi hơn.
b) Phân vị trí: Trong mỗi khu vực được chia tối đa 8 vị trí.
Nguyên tắc xác định từng vị trí đất trong từng khu vực được xác định căn cứ vào khả năng sinh lợi, khoảng cách tới mặt tiền của các trục giao thông và điều kiện kết cấu hạ tầng thuận lợi cho sinh hoạt, kinh doanh và cung cấp dịch vụ theo nguyên tắc vị trí 1 có mức sinh lợi cao nhất, có điều kiện kết cấu hạ tầng thuận lợi nhất, gần trục đường giao thông chính nhất; các vị trí tiếp sau đó theo thứ tự 2 trở đi có mức sinh lợi và điều kiện kết cấu hạ tầng kém thuận lợi hơn so với vị trí trước.
Đất ở vị trí số 1 thuộc khu vực 1 có mức giá cao nhất khu vực 1, các vị trí tiếp sau đó theo thứ tự từ thứ 2 trở đi ứng với các mức giá thấp hơn. Tương tự đất ở vị trí số 1 thuộc khu vực 2 có mức giá cao nhất khu vực 2, các vị trí tiếp sau đó theo thứ tự từ thứ 2 trở đi ứng với các mức giá thấp hơn; đất ở vị trí 1 thuộc khu vực 3 có mức giá cao nhất khu vực 3, các vị trí tiếp sau đó theo thứ tự từ thứ 2 trở đi ứng với các mức giá thấp hơn.
4. Giá đất ở trên địa bàn tỉnh như Bảng giá số 2 kèm theo.
5. Giá đất sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh như Bảng giá số 3 kèm theo.
Điều 7. Giá đất phi nông nghiệp khác
1. Đối với đất xây dựng trụ sở cơ quan và đất xây dựng công trình sự nghiệp thì căn cứ vào bảng giá đất ở liền kề hoặc giá đất ở tại vùng lân cận gần nhất (trường hợp không có đất liền kề) để xác định giá.
2. Đối với đất sử dụng vào các mục đích công cộng có mục đích kinh doanh thì căn cứ vào bảng giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp liền kề hoặc giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tại vùng lân cận gần nhất (trường hợp không có đất liền kề) để xác định giá.
3. Đối với đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản thì áp dụng giá đất nuôi trồng thủy sản; sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thủy sản thì căn cứ vào giá đất phi nông nghiệp liền kề hoặc giá đất phi nông nghiệp tại vùng lân cận gần nhất (trường hợp không có đất liền kề) đề xác định giá.
Điều 8. Đất chưa sử dụng
Đối với đất chưa sử dụng, khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để đưa vào sử dụng thì căn cứ vào giá của loại đất cùng mục đích sử dụng đất đã được giao đất, cho thuê đất liền kề hoặc giá của loại đất cùng mục đích sử dụng đất đã được giao đất, cho thuê đất tại khu vực lân cận gần nhất (trường hợp không có đất cùng mục đích sử dụng đất liền kề) để xác định giá.
Điều 9. Một số trường hợp khác
1. Đất ở trong cùng một thửa đất hoặc cùng một chủ sử dụng đất tại đầu mối giao thông, trục đường giao thông chính nông thôn, thị trấn các huyện và các xã, phường thuộc thành phố thì giá đất ở vị trí mặt tiền được tính cho phần đất có chiều sâu đến 30m (Không áp dụng cho thửa đất ở vị trí 2, vị trí 3 và vị trí khác thuộc các phường). Trường hợp phần đất ở vị trí này (Vị trí mặt tiền) có diện tích lớn hơn 1,3 lần chiều rộng mặt tiền nhân với chiều sâu (theo chiều vuông góc với mặt tiền) thì giá đất phần diện tích tăng hơn tính bằng 80% giá đất vị trí mặt tiền (Diện tích vị trí mặt tiền được tính 100% giá đất = chiều rộng mặt tiền x chiều sâu vuông góc x 1,3; diện tích còn lại của vị trí mặt tiền tính bằng 80% giá đất vị trí mặt tiền).
Phần đất có chiều sâu lớn hơn 30m đến 50m tính bằng 70% giá đất ở vị trí mặt tiền (Giá đất 100% vị trí mặt tiền x 0,7) và phần đất còn lại (Có chiều sâu lớn hơn 50m) tính bằng 40% giá đất ở vị trí mặt tiền (Giá đất 100% vị trí mặt tiền x 0,4).
2. Đất phi nông nghiệp (kể cả đất ở) có 2 mặt tiền trở lên thuộc các đầu mối giao thông, trục đường giao thông chính nông thôn, thị trấn các huyện và các xã, phường thuộc thành phố thì giá đất được tính bằng 1,05 lần mức giá của vị trí cao nhất.
3. Đất phi nông nghiệp (kể cả đất ở) ở vị trí mặt tiền đường thuộc khu vực 08 phường: Nguyễn Nghiêm, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nghĩa Lộ, Chánh Lộ, Quảng Phú, Nghĩa Chánh của thành phố Quảng Ngãi (trừ vị trí đất có mặt tiền tiếp giáp với đường đất có mặt cắt rộng từ 5m trở lên và đất vị trí khác) thì giá đất được tính theo hệ số tăng theo chiều rộng mặt tiền thửa đất.
Trong trường hợp đất có mặt tiền tiếp giáp với 2 đường trở lên thì tính hệ số tăng theo chiều rộng mặt tiền thửa đất tiếp giáp với đường có mức giá cao nhất.

Chiều rộng mặt tiền thửa đất (R)

Hệ số tăng

6m < R ≤ 7m

+ 05%

7m < R ≤ 8m

+ 10%

R > 8m

+ 15%

4. Hệ số sinh lợi K: Tùy theo khả năng sinh lợi đất mặt tiền của từng đường phố, đoạn đường phố loại 1 trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi được quy định: K = 1,1; K = 1,2; K = 1,3 (cụ thể được quy định trong bảng giá số 2 kèm theo bảng quy định này). Hệ số này chỉ áp dụng cho đất mặt tiền đường (vị trí 1).
5. Vị trí hưởng lợi đối với đất ở (đất ở mặt tiền đường gom song song với đường chính):
Đất ở mặt tiền đường gom có chiều sâu thửa đất đến 30m tính bằng 70% giá đất vị trí mặt tiền đường chính; hơn 30m đến 50m tính bằng 60% giá đất vị trí mặt tiền đường chính; hơn 50 m trở lên tính bằng 40% vị trí đất mặt tiền đường chính (giá đất xác định không được thấp hơn giá đất đối với đất ở không vị trí còn lại).
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố
Giám đốc các Sở ngành: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi; Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh thì các cấp, các ngành kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để giải quyết./.
 

...........
Tải văn bản về máy để xem đầy đủ Bảng giá đất đính kèm Quyết định

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Bài viết liên quan
0971.166.169