Thông tư 40/2015/TT-BNNPTNT Quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản.
Thông tư 40/2015/TT-BNNPTNT ngày 21 tháng 10 năm 2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN -------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -------------------- |
Số: 40/2015/TT-BNNPTNT | Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2015 |
THÔNG TƯ
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 01/2012/TT-BNNPTNT NGÀY 04/01/2012 CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN QUY ĐỊNH HỒ SƠ LÂM SẢN HỢP PHÁP VÀ KIỂM TRA NGUỒN GỐC LÂM SẢN
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 01/2012/TT-BNNPTNT NGÀY 04/01/2012 CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN QUY ĐỊNH HỒ SƠ LÂM SẢN HỢP PHÁP VÀ KIỂM TRA NGUỒN GỐC LÂM SẢN
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2012/TT- BNNPTNT
1. Khoản 7 Điều 3 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“7. Vận chuyển nội bộ là trường hợp lâm sản được vận chuyển giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc như: lâm trường, các công ty lâm nghiệp, nhà máy chế biến, các chi nhánh, cửa hàng ... trong một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và hạch toán độc lập; hoặc trường hợp lâm sản được vận chuyển từ doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và hạch toán độc lập đến các tổ chức hạch toán phụ thuộc và ngược lại.
Trường hợp vận chuyển lâm sản từ nơi khai thác đến nơi chế biến, kho hàng; vận chuyển lâm sản từ nơi chế biến, kho hàng đến nơi giao hàng giữa bên mua và bên bán theo hợp đồng kinh tế của lô hàng đó cũng là vận chuyển nội bộ”.
2. Khoản 1 Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Xác định khối lượng gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ đẽo hộp thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đối với gỗ gốc, rễ, gỗ có hình thù phức tạp, gỗ dạng cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ bao gồm cả rễ, thân, cành, lá, nếu không thể đo được đường kính, chiều dài để xác định khối lượng và gỗ rừng trồng tập trung không phân loại theo cấp đường kính thì cân trọng lượng theo đơn vị là ki-lô-gam (kg) và quy đổi cứ 1.000 kg bằng 1 m3 gỗ tròn hoặc đo, tính theo đơn vị ster và quy đổi cứ 1 ster bằng 0,7 m3 gỗ tròn”.
3. Điểm c Khoản 3 Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“c) Ghi tổng hợp chung số lượng, khối lượng hoặc trọng lượng đối với gỗ tròn, gỗ đẽo, gỗ xẻ rừng tự nhiên trong nước không đủ kích thước quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 5 của Thông tư này hoặc gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung không phân loại theo cấp đường kính.
Trường hợp lập bảng kê lâm sản tổng hợp chung trên đây, khi đưa lâm sản vào chế biến để sản xuất các sản phẩm khác nhau, thì chủ lâm sản phải lập bảng kê lâm sản sử dụng cho sản xuất từng loại sản phẩm và ghi rõ nguồn gốc được trích ra từ bảng kê lâm sản tổng hợp gốc đó”.
4. Điểm a và điểm c Khoản 1 Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Hạt Kiểm lâm cấp huyện, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở những địa phương không có Hạt Kiểm lâm cấp huyện xác nhận lâm sản trong các trường hợp sau:
Lâm sản chưa qua chế biến có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên trong nước của tổ chức xuất ra;
Lâm sản có nguồn gốc nhập khẩu chưa qua chế biến ở trong nước của tổ chức, cá nhân xuất ra;
Động vật rừng gây nuôi trong nước và bộ phận, dẫn xuất của chúng của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân xuất ra;
Lâm sản sau xử lý tịch thu chưa chế biến của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân xuất ra;
Lâm sản sau chế biến từ gỗ rừng tự nhiên trong nước, gỗ nhập khẩu, gỗ sau xử lý tịch thu của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân xuất ra;
Lâm sản vận chuyển nội bộ giữa các địa điểm không cùng trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
“c) Kiểm lâm địa bàn tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) xác nhận lâm sản chưa qua chế biến có nguồn gốc khai thác từ rừng tự nhiên trong nước của cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân xuất ra”.
5. Điểm b Khoản 1 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Đối với gỗ đủ tiêu chuẩn đóng búa kiểm lâm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm: biên bản xác nhận gỗ đóng dấu búa kiểm lâm kèm theo bảng kê lâm sản”.
6. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 13. Lâm sản chưa qua chế biến có nguồn gốc khai thác từ rừng trồng tập trung, vườn nhà, trang trại, cây trồng phân tán
1. Hồ sơ lâm sản có nguồn gốc khai thác từ rừng trồng tập trung, vườn nhà, trang trại, cây trồng phân tán của tổ chức xuất ra gồm: hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính tại thời điểm xuất bán lâm sản và bảng kê lâm sản.
2. Hồ sơ lâm sản do cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân xuất ra: bảng kê lâm sản”.
7. Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 14. Lâm sản nhập khẩu chưa qua chế biến ở trong nước
1. Hồ sơ một lô lâm sản nhập khẩu trực tiếp thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này.
2. Hồ sơ lâm sản có nguồn gốc nhập khẩu xuất ra
a) Hồ sơ lâm sản có nguồn gốc nhập khẩu của tổ chức xuất ra gồm: hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính tại thời điểm xuất bán lâm sản và bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại.
b) Hồ sơ lâm sản có nguồn gốc nhập khẩu của cá nhân xuất ra: bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại”.
8. Điểm a Khoản 2 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“a) Hồ sơ vận chuyển gỗ rừng tự nhiên trong nước, gỗ nhập khẩu, gỗ tịch thu chưa qua chế biến; động vật rừng, bộ phận, dẫn xuất của chúng gồm: phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ và bảng kê lâm sản có xác nhận của cơ quan kiểm lâm sở tại”.
9. Khoản 3 Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Mọi trường hợp kiểm tra lâm sản phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục kiểm tra theo quy định của pháp luật; phải lập biên bản theo mẫu số 03 hoặc 04 (đối với kiểm tra khai thác lâm sản) ban hành kèm theo Thông tư này”.
10. Thay thế cụm từ: “hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính” bằng cụm từ: “hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính tại thời điểm xuất bán lâm sản” tại điểm b Khoản 2 Điều 7, Điều 12, Điều 15, Điều 16 và Điều 17.
11. Thay thế cụm từ: “phiếu xuất kho nội bộ” bằng cụm từ: “phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ” tại Khoản 1 và điểm b Khoản 2 Điều 18.
12. Bổ sung Khoản 3 Điều 31 như sau:
“3. Đối với gỗ cao su và sản phẩm chế biến từ gỗ cao su, trường hợp cần làm hồ sơ xác định nguồn gốc hợp pháp thì chủ hàng lập bảng kê lâm sản theo quy định tại Thông tư này”.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 02 tháng 12 năm 2015
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 42/2012/TT-BNNPTNT ngày 21/8/2012 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2012/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết./.
Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Chính phủ; - Văn phòng TW và các Ban của Đảng; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng Quốc hội; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Tòa án Nhân dân tối cao; - Viện KSND tối cao; - Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Công báo; Cổng Thông tin điện tử CP; - Các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN&PTNT; - Lưu: VP (2), Vụ Pháp chế, TCLN (Cục KL). (250b) |
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG Hà Công Tuấn |
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất