Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính
Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 27/2007/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 02 NĂM 2007
VỀ GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ TRONG HOẠT ĐỘNG TÀI CHÍNH
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 27/2007/NĐ-CP NGÀY 23 THÁNG 02 NĂM 2007
VỀ GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ TRONG HOẠT ĐỘNG TÀI CHÍNH
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Chứng từ điện tử” là thông tin được tạo ra, gửi đi, nhận và lưu trữ bằng phương tiện điện tử trong hoạt động tài chính. Chứng từ điện tử là một hình thức của thông điệp dữ liệu, bao gồm: chứng từ kế toán điện tử; chứng từ thu, chi ngân sách điện tử; thông tin khai và thực hiện thủ tục hải quan điện tử; thông tin khai và thực hiện thủ tục thuế điện tử; chứng từ giao dịch chứng khoán điện tử; báo cáo tài chính điện tử; báo cáo quyết toán điện tử và các loại chứng từ điện tử khác phù hợp với từng loại giao dịch theo quy định của pháp luật.
2. “Cơ quan tài chính” là cơ quan quản lý nhà nước về tài chính.
3. Hủy chứng từ điện tử là làm cho chứng từ đó không có giá trị sử dụng.
4. Tiêu hủy chứng từ điện tử là làm cho chứng từ điện tử không thể truy cập và tham chiếu đến thông tin chứa trong nó.
5. Tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính là loại hình doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện và cung cấp dịch vụ làm tăng thêm giá trị sử dụng chứng từ điện tử của người sử dụng bằng cách hoàn thiện loại hình hoặc nội dung thông tin hoặc cung cấp khả năng lưu trữ, khôi phục thông tin đó.
Điều 4. Nguyên tắc giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính
1. Các bên tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải thực hiện đúng nguyên tắc quy định tại Điều 5 của Luật Giao dịch điện tử và các quy định khác của pháp luật về quản lý tài chính có liên quan. Đối với các giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ của nội bộ các cơ quan tài chính và giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính, các bên tham gia phải thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Luật Giao dịch điện tử.
2. Tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính có nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính thì phải tuân theo các quy định kỹ thuật nghiệp vụ do Bộ Tài chính ban hành.
Chương II
CHỨNG TỪ ĐIỆN TỬ
Điều 5. Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử
1. Hình thức thể hiện, việc gửi, nhận, lưu trữ và giá trị pháp lý của chứng từ điện tử được thực hiện theo Luật Giao dịch điện tử.
2. Chứng từ điện tử trong hoạt động tài chính phải đáp ứng đủ các yêu cầu về quản lý Nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật đối với các chuyên ngành về tài chính.
3. Chứng từ điện tử phải có đủ chữ ký điện tử của những người có trách nhiệm ký chứng từ điện tử.
4. Trường hợp chứng từ điện tử chỉ có chữ ký của người có thẩm quyền thì hệ thống thông tin phải có khả năng nhận biết và xác nhận việc đã xử lý của những người có trách nhiệm theo quy định của pháp luật trong quá trình luân chuyển chứng từ điện tử đến người ký cuối cùng.
Điều 6. Mã hóa chứng từ điện tử
Tổ chức, cá nhân được lựa chọn áp dụng hình thức, công cụ mã hóa chứng từ điện tử. Việc mã hóa chứng từ điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Chuyển từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy và ngược lại
1. Khi cần thiết, chứng từ điện tử có thể chuyển sang chứng từ giấy, nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Phản ánh toàn vẹn nội dung của chứng từ điện tử;
b) Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy;
c) Có chữ ký và họ tên của người thực hiện chuyển từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy.
2. Khi cần thiết, chứng từ giấy có thể chuyển sang chứng từ điện tử, nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Phản ánh toàn vẹn nội dung của chứng từ giấy;
b) Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử;
c) Có chữ ký và họ tên của người thực hiện chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử.
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá trị pháp lý của các chứng từ điện tử chuyển sang chứng từ giấy và ngược lại cho từng loại hoạt động tài chính được quy định tại Điều 11 Nghị định này.
Điều 8. Hủy và tiêu huỷ chứng từ điện tử
1. Chứng từ điện tử chỉ được hủy khi có sự đồng ý và xác nhận của các bên tham gia giao dịch, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác; việc huỷ chứng từ điện tử có hiệu lực theo đúng thời hạn do các bên tham gia đã thoả thuận. Chứng từ điện tử đã hủy phải được lưu trữ phục vụ việc tra cứu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Chứng từ điện tử đã hết thời hạn lưu trữ theo quy định, nếu không có quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được phép tiêu hủy. Việc tiêu hủy chứng từ điện tử không được làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của các chứng từ điện tử chưa tiêu hủy và phải bảo đảm sự hoạt động bình thường của hệ thống thông tin.
Điều 9. Niêm phong, tạm giữ, tịch thu chứng từ điện tử
1. Chứng từ điện tử bị niêm phong, tạm giữ, tịch thu phải theo đúng quy định của pháp luật.
2. Việc niêm phong, tạm giữ, tịch thu chứng từ điện tử phải bảo đảm:
a) Tính toàn vẹn của thông tin trong quá trình niêm phong, tạm giữ, tịch thu;
b) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống thông tin và sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân;
c) Có thể khôi phục toàn vẹn chứng từ điện tử bị niêm phong, tạm giữ, tịch thu tại hệ thống của tổ chức, cá nhân sau thời hạn niêm phong, tạm giữ, tịch thu;
d) Xác định được việc truy cập, thay đổi nội dung của chứng từ điện tử bị niêm phong, tạm giữ, tịch thu.
3. Sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và thực hiện các biện pháp niêm phong, tạm giữ, tịch thu chứng từ điện tử thì tổ chức, cá nhân không được phép khai thác, sử dụng, sửa đổi chứng từ điện tử này trong hệ thống thông tin của mình để giao dịch hoặc sử dụng cho mục đích khác.
4. Nghiêm cấm mọi hình thức thâm nhập, khai thác, sao chép, sửa chữa hoặc sử dụng chứng từ điện tử khi đã bị niêm phong, tạm giữ, tịch thu.
Điều 10. Sử dụng hệ thống thông tin tự động
1. Chứng từ điện tử được gửi, nhận và xử lý giữa cá nhân với hệ thống thông tin tự động hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau không bị phủ nhận giá trị pháp lý.
2. Tổ chức, cá nhân chịu toàn bộ trách nhiệm trong việc sử dụng hệ thống thông tin tự động trong các hoạt động tài chính của mình.
Chương III
GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ TRONG HOẠT ĐỘNG TÀI CHÍNH
Điều 11. Các giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính
1. Giao dịch điện tử trong các loại hoạt động nghiệp vụ: ngân sách nhà nước, thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, kế toán, kiểm toán.
2. Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính khác theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính.
Điều 12. Trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức, cá nhân
1. Tuân thủ các quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 48 của Luật Giao dịch điện tử.
2. Được quyền lựa chọn phương thức, phương tiện thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính theo quy định của Luật Giao dịch điện tử, tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Tổ chức, cá nhân có chứng từ điện tử bị niêm phong, tạm giữ, tịch thu phải thực hiện khai báo toàn bộ dữ liệu có liên quan với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định này.
4. Chịu sự quản lý Nhà nước, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Có trách nhiệm thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính theo quy định của pháp luật.
Điều 13. Trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng
1. Cung cấp dịch vụ truyền nhận và hoàn thiện hình thức thể hiện chứng từ điện tử phục vụ việc trao đổi thông tin giữa các bên tham gia giao dịch.
2. Thực hiện việc gửi, nhận và cung cấp đúng hạn, toàn vẹn chứng từ điện tử theo thoả thuận với các bên tham gia giao dịch.
3. Lưu giữ kết quả của các lần truyền, nhận và chứng từ điện tử trong thời gian giao dịch chưa hoàn thành.
4. Bảo đảm hạ tầng kết nối; các biện pháp kiểm soát, an ninh, an toàn, bảo mật, toàn vẹn thông tin và cung cấp các tiện ích khác cho các bên tham gia trao đổi chứng từ điện tử.
5. Cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu cho cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
6. Tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về viễn thông, Internet và các quy định kỹ thuật, nghiệp vụ do Bộ Tài chính ban hành.
7. Được thu phí để đảm bảo duy trì hoạt động.
8. Được quyền từ chối cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính đối với cơ quan tài chính, tổ chức và cá nhân không đủ điều kiện tham gia giao dịch hoặc vi phạm hợp đồng.
Điều 14. Sử dụng chữ ký số
1. Cơ quan tài chính và tổ chức, cá nhân có tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính với cơ quan tài chính phải sử dụng chữ ký số.
2. Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính phải sử dụng chữ ký số và chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cung cấp .
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể danh mục các giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính bắt buộc phải sử dụng chữ ký số.
Điều 15. Nội dung quản lý nhà nước
1. Xây dựng và ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
2. Hướng dẫn thi hành pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
3. Quy định kỹ thuật liên quan đến giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính trên cơ sở tuân thủ, thống nhất và đồng bộ với các quy định kỹ thuật quốc gia liên quan đến giao dịch điện tử.
4. Tổ chức và quản lý đối với hợp tác quốc tế về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
5. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm hành chính về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
Điều 16. Trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm và quyền hạn:
a) Chịu trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính thuộc phạm vi quản lý;
b) Căn cứ vào điều kiện cụ thể để xác định lộ trình hợp lý sử dụng giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính của các cơ quan tài chính, tổ chức, cá nhân;
c) Tổ chức đào tạo, hướng dẫn và thực hiện các hoạt động hỗ trợ ứng dụng về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;
d) Nghiên cứu, xây dựng, ban hành các quy định kỹ thuật và nghiệp vụ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;
đ) Thực hiện các biện pháp bảo mật, dự phòng cần thiết cho hệ thống thông tin, dữ liệu điện tử thuộc phạm vi quản lý;
e) Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thực hiện giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính cho các cơ quan tài chính và tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử với cơ quan tài chính;
g) Quyết định việc công nhận Tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính tham gia cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với cơ quan tài chính;
h) Quy định việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ cho các giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính của cơ quan tài chính trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính theo quy định của pháp luật.
Chương IV
GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO,
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM VỀ GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ
TRONG HOẠT ĐỘNG TÀI CHÍNH
Điều 17. Giải quyết tranh chấp
1. Nhà nước khuyến khích các bên có tranh chấp về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính giải quyết thông qua hoà giải.
2. Trong trường hợp các bên không hoà giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Điều 18. Khiếu nại, tố cáo
Việc khiếu nại các quyết định hành chính và hành vi hành chính đối với giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính và tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm liên quan đến giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Thanh tra, kiểm tra
1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
2. Tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Việc thanh tra đối với tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Xử lý vi phạm
1. Tổ chức khi tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị đình chỉ hoạt động giao dịch điện tử theo quy định của pháp luật.
2. Cá nhân khi tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác khi tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 22. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất