Nghị định 16/2014/NĐ-CP về quản lý cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.
CHÍNH PHỦ ------- Số: 16/2014/NĐ-CP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 03 tháng 3 năm 2014 |
NGHỊ ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật thống kê ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối ngày 18 tháng 3 năm 2013;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định việc cung cấp, nhận thông tin, lập, theo dõi, dự báo và phân tích cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước).
2. Các Bộ:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
b) Bộ Tài chính;
c) Bộ Công Thương;
d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Các cá nhân và tổ chức khác cung cấp thông tin phục vụ việc lập, phân tích và dự báo cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người cư trú và người không cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là người cư trú và người không cư trú) được xác định theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTV ngày 13 tháng 12 năm 2005 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối số 06/2013/UBTVQH13 ngày 18 tháng 3 năm 2013.
2. Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam (sau đây gọi tắt là cán cân thanh toán) là báo cáo thống kê tổng hợp các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú trong một thời kỳ nhất định.
3. Giá trị hàng hóa tính theo giá F.O.B (free on board) là giá trị hàng hóa không bao gồm bảo hiểm và cước vận chuyển hàng hóa.
4. Tài sản phi tài chính, phi sản xuất bao gồm các hợp đồng, hợp đồng cho thuê, giấy phép của các nhãn hiệu, thương hiệu, biểu tượng, tên miền, quyền sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giấy phép hoạt động và quyền độc quyền mua một hàng hóa hay một dịch vụ.
5. Thay đổi dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức là sự tăng hoặc giảm dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức do giao dịch tạo ra trong kỳ báo cáo.
6. Điều chỉnh số liệu cán cân thanh toán là việc sửa đổi số liệu đã công bố trước đó trên cơ sở rà soát, đối chiếu, so sánh các nguồn số liệu nhằm đảm bảo tính chính xác, tuân thủ đúng nguyên tắc, phạm vi thống kê cán cân thanh toán.
Điều 4. Đơn vị cung cấp và nhận thông tin lập cán cân thanh toán
1. Đơn vị cung cấp thông tin: Các đối tượng quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 2 Nghị định này.
2. Đơn vị nhận thông tin: Ngân hàng Nhà nước.
Điều 5. Nguyên tắc cung cấp và nhận thông tin
1. Bảo đảm tính trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn quy định.
2. Thống nhất về mẫu biểu báo cáo, phương pháp tính, đơn vị đo lường, thời hạn và phương thức cung cấp.
3. Không trùng lặp, chồng chéo giữa các chỉ tiêu cung cấp.
Điều 6. Loại thông tin cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước
1. Loại thông tin do các Bộ cung cấp, bao gồm:
a) Chủ trương, chính sách, kế hoạch, chiến lược phát triển - kinh tế xã hội của Việt Nam trong từng thời kỳ liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, lao động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ra nước ngoài, vay trả nợ nước ngoài ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch, chiến lược đó;
b) Các thông tin theo mẫu biểu báo cáo quy định tại Phụ lục II, Phụ lục III, Phụ lục IV Nghị định này;
c) Các thông tin khác theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước để phục vụ việc lập, phân tích và dự báo cán cân thanh toán.
2. Loại thông tin do các cá nhân, tổ chức khác cung cấp theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và theo quy định tại các cuộc điều tra thống kê định kỳ hoặc đột xuất phục vụ việc lập, phân tích, dự báo cán cân thanh toán.
Điều 7. Phương thức cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước
1. Đối với những thông tin không thuộc danh mục bảo vệ bí mật Nhà nước, các tổ chức, cá nhân cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước theo phương thức sau:
a) Bằng văn bản, fax có chữ ký và xác nhận của cấp có thẩm quyền;
b) Các phương thức khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong từng trường hợp cụ thể.
2. Đối với những thông tin thuộc danh mục bảo vệ bí mật Nhà nước: Các tổ chức, cá nhân cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Chương 2.
LẬP, THEO DÕI, PHÂN TÍCH VÀ DỰ BÁO CÁN CÂN THANH TOÁN
Điều 8. Nguyên tắc lập cán cân thanh toán
1. Phù hợp với thông lệ quốc tế về thống kê cán cân thanh toán và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
2. Đơn vị tiền tệ lập cán cân thanh toán là đồng đôla Mỹ (USD).
3. Tỷ giá quy đổi đồng Việt Nam (VND) sang USD là tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cuối kỳ báo cáo.
4. Quy đổi các ngoại tệ không phải USD sang USD được thực hiện như sau:
a) Quy đổi ngoại tệ sang VND theo tỷ giá tính chéo của VND so với loại ngoại tệ đó do Ngân hàng Nhà nước công bố để tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu áp dụng trong kỳ báo cáo;
b) Sau khi quy đổi sang VND, việc quy đổi sang USD được thực hiện theo tỷ giá quy định tại Khoản 3 Điều này.
5. Thời điểm thống kê các giao dịch là thời điểm thay đổi quyền sở hữu giữa người cư trú và người không cư trú.
6. Giá trị của giao dịch được xác định theo nguyên tắc thị trường tại thời điểm giao dịch.
Điều 9. Định kỳ, thời hạn lập và phân tích cán cân thanh toán
1. Cán cân thanh toán được lập và phân tích theo định kỳ quý, năm.
2. Thời hạn báo cáo cán cân thanh toán:
a) Cán cân thanh toán quý được lập và phân tích trong thời gian 45 ngày kể từ khi kết thúc quý báo cáo;
b) Cán cân thanh toán năm được lập và phân tích trong thời gian 60 ngày kể từ khi kết thúc năm báo cáo.
Điều 10. Điều chỉnh số liệu cán cân thanh toán
Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều chỉnh số liệu cán cân thanh toán như sau:
1. Số liệu cán cân thanh toán quý trước được điều chỉnh trong các kỳ báo cáo quý tiếp theo.
2. Số liệu cán cân thanh toán năm trước được điều chỉnh trong các kỳ báo cáo tiếp theo.
Điều 11. Dự báo cán cân thanh toán
1. Định kỳ vào tháng 9 hàng năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định này để lập dự báo các hạng mục chính của cán cân thanh toán năm tiếp theo, bao gồm dự báo của cả năm và dự báo của các quý trong năm, phục vụ công tác điều hành chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
2. Định kỳ hàng quý, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định này xem xét, điều chỉnh dự báo cán cân thanh toán phù hợp với xu hướng diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước.
Điều 12. Thời hạn cung cấp thông tin, số liệu cho Ngân hàng Nhà nước
1. Thời hạn cung cấp thông tin, số liệu lập, phân tích cán cân thanh toán:
a) Thông tin, số liệu lập, phân tích cán cân thanh toán quý và số liệu điều chỉnh của các kỳ báo cáo trước (nếu có) được cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước chậm nhất vào ngày 30 tháng đầu quý tiếp theo ngay sau quý báo cáo;
b) Thông tin, số liệu lập, phân tích cán cân thanh toán năm và số liệu điều chỉnh của các kỳ báo cáo trước (nếu có) được cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 năm tiếp theo ngay sau năm báo cáo.
2. Thời hạn cung cấp thông tin, số liệu dự báo cán cân thanh toán:
Thông tin, số liệu phục vụ việc dự báo cán cân thanh toán năm được cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước chậm nhất vào ngày 10 tháng 9 của năm trước liền kề.
Điều 13. Cơ cấu, nội dung chủ yếu của cán cân thanh toán
1. Cán cân thanh toán bao gồm các hạng mục chính như sau:
a) Cán cân vãng lai bao gồm toàn bộ các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú về hàng hóa, dịch vụ, thu nhập của người lao động, thu nhập từ đầu tư, chuyển giao vãng lai được quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 của Nghị định này;
b) Cán cân vốn bao gồm toàn bộ các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú về chuyển giao vốn được quy định tại Điều 18 của Nghị định này và mua, bán các tài sản phi tài chính, phi sản xuất của khu vực Chính phủ và khu vực tư nhân;
c) Cán cân tài chính bao gồm toàn bộ các giao dịch giữa người cư trú và người không cư trú về đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, giao dịch phái sinh tài chính, vay, trả nợ nước ngoài, tín dụng thương mại, tiền và tiền gửi được quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Điều 23, Điều 24 của Nghị định này;
d) Lỗi và sai sót là phần chênh lệch giữa tổng của cán cân vãng lai, cán cân vốn, cán cân tài chính với cán cân thanh toán tổng thể;
đ) Cán cân thanh toán tổng thể được xác định bằng thay đổi dự trữ ngoại hối Nhà nước chính thức do giao dịch tạo ra trong kỳ báo cáo.
2. Nội dung chi tiết của các hạng mục thuộc cán cân thanh toán được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 14. Hàng hóa
1. Hàng hóa được thống kê trong cán cân thanh toán bao gồm tất cả các loại hàng hóa có sự thay đổi về quyền sở hữu giữa người cư trú và người không cư trú.
2. Giao dịch về hàng hóa bao gồm xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. Giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu được định giá theo giá FOB tại cửa khẩu của nước xuất khẩu.
3. Các trường hợp không được thống kê trong hạng mục hàng hóa gồm:
a) Hàng hóa chuyển qua biên giới nhưng không có sự thay đổi về quyền sở hữu giữa người cư trú và người không cư trú;
b) Vàng do Ngân hàng Nhà nước xuất, nhập khẩu phục vụ cho mục đích quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước;
c) Hàng hóa do khách du lịch, người lao động là người không cư trú chi tiêu tại Việt Nam và khách du lịch, người lao động là người cư trú chi tiêu tại nước ngoài;
d) Hàng hóa bị tổn thất và bị trả lại;
đ) Hàng hóa do các đại sứ quán, lãnh sự quán, cơ quan quân sự nước ngoài tại Việt Nam nhập khẩu từ nước nguyên xứ để phục vụ cho hoạt động của các cơ quan đó;
e) Sách báo và tạp chí gửi định kỳ giữa người cư trú và người không cư trú.
Điều 15. Dịch vụ
Dịch vụ được thống kê trong cán cân thanh toán bao gồm toàn bộ các giao dịch mua, bán, trao đổi giữa người cư trú và người không cư trú về các sản phẩm do hoạt động dịch vụ tạo ra trong lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch, thông tin liên lạc, xây dựng, bảo hiểm, tài chính, máy tính và thông tin, quyền sử dụng giấy phép, quyền sử dụng thương hiệu và bản quyền, dịch vụ cá nhân, văn hóa, giải trí, dịch vụ Chính phủ và dịch vụ logistic.
Điều 16. Thu nhập
1. Thu nhập được thống kê trong cán cân thanh toán bao gồm toàn bộ các khoản thu nhập phát sinh từ yếu tố lao động và vốn hay các tài sản tài chính do người cư trú trả cho người không cư trú và người không cư trú trả cho người cư trú.
2. Thu nhập từ yếu tố lao động bao gồm các khoản thu nhập phát sinh từ các giao dịch chi trả lương, thưởng, thu nhập khác giữa người cư trú và người không cư trú.
3. Thu nhập từ vốn hay từ các tài sản tài chính bao gồm các khoản thu nhập phát sinh từ giao dịch về tiền lãi đối với các khoản vay nợ hoặc cho vay nước ngoài, các khoản tiền gửi, lợi nhuận, cổ tức đối với vốn đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp giữa người cư trú và người không cư trú.
Điều 17. Chuyển giao vãng lai
1. Chuyển giao vãng lai bao gồm các giao dịch bằng tiền hoặc bằng tài sản khác giữa người cư trú và người không cư trú và không làm phát sinh các nghĩa vụ trả nợ.
2. Chuyển giao vãng lai được phân loại như sau:
a) Chuyển giao vãng lai của khu vực Chính phủ bao gồm các giao dịch bằng tiền hoặc bằng tài sản khác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế dưới các hình thức trợ cấp, viện trợ không hoàn lại cho mục đích tiêu dùng;
b) Chuyển giao vãng lai của khu vực tư nhân bao gồm các giao dịch bằng tiền hoặc bằng tài sản khác giữa người cư trú và người không cư trú, không phụ thuộc vào nguồn gốc thu nhập của người gửi và mối quan hệ giữa người gửi và người nhận.
Điều 18. Chuyển giao vốn
1. Chuyển giao vốn của khu vực Chính phủ bao gồm:
a) Các khoản xóa nợ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế;
b) Tiếp nhận và cung cấp các khoản viện trợ bằng tiền và bằng tài sản giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế nhằm mục đích đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
2. Chuyển giao vốn của khu vực tư nhân bao gồm:
a) Các khoản xóa nợ giữa người cư trú và người không cư trú;
b) Giá trị tài sản của người cư trú được chuyển ra nước ngoài khi người cư trú đó chuyển sang định cư tại nước ngoài và giá trị tài sản của người không cư trú chuyển vào Việt Nam khi người không cư trú đó chuyển sang định cư tại Việt Nam.
Điều 19. Đầu tư trực tiếp
1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là việc người không cư trú bỏ vốn đầu tư và trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Vốn đầu tư bao gồm vốn bằng tiền, các tài sản hợp pháp khác do người không cư trú đưa vào Việt Nam, lợi nhuận của người không cư trú được giữ lại để tiến hành hoạt động đầu tư tai Việt Nam.
2. Đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài là việc người cư trú bỏ vốn đầu tư và trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư tại nước ngoài. Vốn đầu tư bao gồm vốn bằng tiền, các tài sản hợp pháp khác do người cư trú chuyển ra nước ngoài, lợi nhuận của người cư trú được giữ lại để tiến hành hoạt động đầu tư tại nước ngoài.
Điều 20. Đầu tư gián tiếp
1. Đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam là việc người không cư trú đầu tư vào Việt Nam thông qua việc mua bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác, góp vốn, mua cổ phần với người cư trú và thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác theo quy định của pháp luật mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
2. Đầu tư gián tiếp của Việt Nam ra nước ngoài là việc người cư trú chuyển vốn ra nước ngoài theo quy định của pháp luật để đầu tư dưới hình thức mua bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác do người không cư trú phát hành, góp vốn, mua cổ phần của người không cư trú mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư tại nước ngoài.
Điều 21. Giao dịch phái sinh tài chính
Giao dịch phái sinh tài chính được thống kê trong cán cân thanh toán bao gồm các khoản thu, chi giữa người cư trú và người không cư trú phát sinh từ việc thực hiện các giao dịch phái sinh tài chính.
Điều 22. Vay, trả nợ nước ngoài
Vay, trả nợ nước ngoài được thống kê trong cán cân thanh toán bao gồm các giao dịch vay và trả nợ gốc giữa người cư trú và người không cư trú.
Điều 23. Tín dụng thương mại
Tín dụng thương mại được thống kê trong cán cân thanh toán bao gồm các khoản tín dụng giữa người cư trú và người không cư trú là nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa với khách hàng của họ.
Điều 24. Tiền và tiền gửi
Tiền và tiền gửi được thống kê trong cán cân thanh toán gồm:
1. Tiền mặt bằng đồng Việt Nam của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do người không cư trú nắm giữ.
2. Ngoại tệ do người cư trú nắm giữ.
3. Các khoản tiền gửi của người cư trú tại các tổ chức nhận tiền gửi là người không cư trú (trừ tiên gửi tại các Ngân hàng Trung ương), các khoản tiền gửi tại Việt Nam (trừ tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước) của người không cư trú.
Chương 3.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN
TRONG QUẢN LÝ CÁN CÂN THANH TOÁN
Điều 25. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước
1. Chủ trì, phối hợp với các Bộ quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định này:
a) Thu thập thông tin, số liệu lập và phân tích cán cân thanh toán định kỳ;
b) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cung cấp cho các Bộ liên quan báo cáo cán cân thanh toán theo định kỳ và thời hạn quy định tại Điều 9 Nghị định này.
2. Tổ chức thu nhận thông tin, số liệu và dự báo các hạng mục sau đây:
a) Chuyển giao vãng lai bằng tiền của khu vực tư nhân;
b) Vay, trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh;
c) Đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam thông qua tài khoản vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài bằng VND mở tại tổ chức tín dụng được cấp giấy phép hoạt động ngoại hối;
d) Đầu tư gián tiếp của Việt Nam ra nước ngoài;
đ) Các loại tiền và tiền gửi quy định tại Điều 24 Nghị định này;
e) Dự trữ ngoại hối nhà nước.
3. Rà soát, đối chiếu, so sánh số liệu từ các nguồn khác nhau để điều chỉnh số liệu do các Bộ, các cá nhân, tổ chức khác cung cấp nhằm đảm bảo tuân thủ đúng nguyên tắc, phạm vi thống kê cán cân thanh toán.
4. Chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra và báo cáo Chính phủ việc thực hiện cung cấp thông tin của các tổ chức theo quy định của Nghị định này.
5. Sử dụng, lưu trữ, cung cấp và công bố thông tin cán cân thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước, pháp luật thống kê và pháp luật khác có liên quan.
6. Chủ trì phổ biến thông tin, số liệu cán cân thanh toán cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Điều 26. Trách nhiệm của các Bộ liên quan
Các Bộ quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định này có trách nhiệm cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước các thông tin sau đây:
1. Các thông tin quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình.
2. Các giải pháp ổn định cán cân thanh toán liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình.
3. Ngoài cung cấp các thông tin quy định tại Khoản 1, 2 Điều này:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cung cấp các thông tin quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; phân tích diễn biến và dự báo hoạt động xuất, nhập khẩu dịch vụ, đầu tư trực tiếp nước ngoài;
b) Bộ Tài chính có trách nhiệm cung cấp các thông tin quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này; phân tích diễn biến và dự báo hoạt động chuyển giao vãng lai của khu vực Chính phủ, vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, đầu tư gián tiếp nước ngoài;
c) Bộ Công Thương có trách nhiệm cung cấp thông tin phân tích diễn biến và dự báo hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa;
d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cung cấp các thông tin quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này; đánh giá về tình hình người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Điều 27. Trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khác
Các cá nhân, tổ chức khác có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và theo quy định trong các cuộc điều tra thống kê phục vụ việc lập, phân tích và dự báo cán cân thanh toán.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 28. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21 tháng 4 năm 2014 và thay thế Nghị định số 164/1999/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ về quản lý cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.
Điều 29. Trách nhiệm thi hành
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người đứng đầu các tổ chức khác và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: - Ban Bí thư Trung ương Đảng; - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; - Văn phòng Tổng Bí thư; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; - Văn phòng Quốc hội; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Kiểm toán Nhà nước; - Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; - Ngân hàng Chính sách xã hội; - Ngân hàng Phát triển Việt Nam; - UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; - Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; - VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; - Lưu: Văn thư, KTTH (3b). |
TM. CHÍNH PHỦ THỦ TƯỚNG Nguyễn Tấn Dũng |
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất