Luật sư Vũ Đức Thịnh

Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ

Nghị định của Chính phủ ban hành ngày 03 tháng 11 năm 2015 Quy định về phát triển công nghiệp hỗ trợ

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/2015/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2015

 
NGHỊ ĐỊNH
VỀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 03 tháng 6 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Thuế giá trị gia tăng ngày 03 tháng 6 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
Chính phủ ban hành Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định các chính sách hỗ trợhợp , chính sách ưu đãi nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các tổ chức và cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
2. Dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ là dự án đầu tư tại Việt Nam để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
3. Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển là các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này, được điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ.
4. Hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm: Hoạt động trợ giúp của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân về công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hợp tác quốc tế, phát triển thị trường; đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; cung ứng dịch vụ phục vụ công nghiệp hỗ trợ.
5. Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ là tập hợp các nội dung, nhiệm vụ về hoạt động xúc tiến, trợ giúp phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm mục tiêu phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Chương II
CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ
Điều 4. Nghiên cứu và phát triển
1. Tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được ưu đãi, hỗ trợ như sau:
a) Được tài trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ từ các Quỹ, nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu, phát triển và đào tạo;
b) Được xem xét hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu và phát triển từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ có kết quả ứng dụng mang lại hiệu quả cao;
c) Được Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với Dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
2. Dự án xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và được hưởng các ưu đãi sử dụng đất theo quy định pháp luật về đất đai; được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Điều 5. Ứng dụng và chuyển giao
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hưởng ưu đãi của pháp luật về chuyển giao công nghệ và các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.
2. Hoạt động ứng dụng và chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ như sau:
a) Các dự án, đề án hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất và các đơn vị có công nghệ ứng dụng trong việc chuyển giao công nghệ được hỗ trợ một phần kinh phí;
b) Chi phí chế tạo thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ tối đa đến 50%.
3. Nhà nước hỗ trợ tối đa đến 75% chi phí chuyển giao công nghệ đối với Dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm của quá trình chế biến sâu khoáng sản trong nước bao gồm quặng kim loại, quặng phi kim loại và sản phẩm hóa dầu để phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Điều 6. Phát triển nguồn nhân lực
1. Đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp hỗ trợ:
a) Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cho đào tạo nguồn nhân lực;
b) Cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên đào tạo nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài theo các chương trình đào tạo của nhà nước.
2. Cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp hỗ trợ:
a) Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, liên doanh, liên kết để xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
b) Cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được tài trợ, hỗ trợ từ các Quỹ về khoa học và công nghệ, đào tạo và các Quỹ khác;
c) Nhà nước khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo hiện có tham gia vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Điều 7. Hợp tác quốc tế về công nghiệp hỗ trợ
1. Mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn kinh tế nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến nhằm thu hút đầu tư, tạo mối liên kết giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và nước ngoài.
2. Đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.
3. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nhân lực công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên hợp tác đào tạo sinh viên các ngành kỹ thuật công nghiệp hỗ trợ tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; thu hút, sử dụng có hiệu quả người có trình độ cao, lực lượng trẻ tài năng hợp tác nghiên cứu, giảng dạy công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Điều 8. Hỗ trợ phát triển thị trường
Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được:
1. Ưu tiên tham gia vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.
2. Hỗ trợ một phần chi phí đăng ký thương hiệu, kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước và ngoài nước, kinh phí tiếp cận thông tin thị trường và phí dịch vụ từ Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Điều 9. Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ
1. Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ được hình thành trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị hiện có của Bộ Công Thương để thực hiện một trong các nhiệm vụ sau:
a) Thực hiện các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ chế tạo thử nghiệm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;
b) Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản trị sản xuất phù hợp tiêu chuẩn quốc tế;
c) Đào tạo nâng cao nhân lực quản lý kỹ thuật phục vụ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
d) Xúc tiến thương mại; tổ chức hội chợ, triển lãm;
đ) Xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động công nghiệp hỗ trợ.
2. Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ được xây dựng có đủ các điều kiện sau:
a) Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị thí nghiệm - chế tạo thử nghiệm và đội ngũ quản lý chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của phát triển công nghiệp hỗ trợ;
b) Đội ngũ chuyên gia tư vấn về công nghệ, sở hữu trí tuệ và quản trị doanh nghiệp đối với công nghiệp hỗ trợ;
c) Có khả năng liên kết với các cơ sở sản xuất, nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài nước phục vụ hoạt động công nghiệp hỗ trợ.
Điều 10. Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ
1. Mục tiêu:
Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nâng cao năng lực trong hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ.
2. Nội dung:
a) Hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp: Quản trị doanh nghiệp; quản trị sản xuất; tạo liên kết và kết nối các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với khách hàng, trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn đa quốc gia và các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ khác ở trong và ngoài nước; xúc tiến, hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
b) Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
c) Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng và vật liệu;
d) Phổ biến nhận thức, cung cấp thông tin về các chính sách, thị trường và năng lực các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, thông qua các hình thức như: Tổ chức hội thảo, xuất bản các bản tin, ấn phẩm và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng khác;
đ) Hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ;
e) Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực;
g) Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước trên trang thông tin điện tử chuyên về công nghiệp hỗ trợ.
3. Kinh phí:
a) Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ:
- Nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ theo phân cấp ngân sách hiện hành;
- Kinh phí của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ;
- Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
b) Kế hoạch và Dự toán:
- Bộ Công Thương xây dựng, tổng hợp vào dự toán ngân sách chung hàng năm của Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan theo quy định;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của địa phương, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
4. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về việc xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Chương III
CÁC CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ
Điều 11. Đối tượng và thủ tục xác nhận ưu đãi
1. Đối tượng ưu đãi:
Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển: Bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.
2. Thủ tục xác nhận ưu đãi:
a) Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể nộp hồ sơ đề nghị xác nhận tại cơ quan có thẩm quyền của địa phương nơi đặt dự án hoặc Bộ Công Thương để được xác nhận. Cơ quan có thẩm quyền của địa phương gửi Quyết định xác nhận ưu đãi tới Bộ Công Thương;
b) Các đối tượng còn lại ngoài các đối tượng quy định ở mục trên, nộp hồ sơ đề nghị xác nhận tại Bộ Công Thương.
3. Thời gian xác nhận ưu đãi:
a) Căn cứ hồ sơ đề nghị xác nhận ưu đãi của doanh nghiệp; trong thời hạn 30 ngày làm việc, cơ quan xác nhận có trách nhiệm thông báo kết quả cho doanh nghiệp;
b) Trường hợp hồ sơ chưa đủ cơ sở để xác nhận đủ điều kiện ưu đãi, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan xác nhận phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân có liên quan để bổ sung hồ sơ; sau khi có đủ hồ sơ hợp lệ thì cơ quan xác nhận phải ra thông báo kết quả xét duyệt ưu đãi chậm nhất sau 30 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ bổ sung.
4. Hậu kiểm ưu đãi:
Dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển nhưng không đáp ứng đủ các điều kiện ưu đãi sẽ bị thu hồi và bồi thường các ưu đãi đã được hưởng.
5. Bộ Công Thương quy định cụ thể hồ sơ ưu đãi và thủ tục hậu kiểm ưu đãi.
Điều 12. Chính sách ưu đãi đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển
1. Ưu đãi chung:
a) Thuế thu nhập doanh nghiệp:
Được áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.
b) Thuế nhập khẩu:
Được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn thi hành.
c) Tín dụng:
- Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển được vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước;
- Được vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với mức lãi suất cho vay theo trần lãi suất cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại từng thời kỳ.
d) Thuế giá trị gia tăng:
Doanh thu của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được lựa chọn kê khai thuế giá trị gia tăng theo tháng, theo năm, khai tạm tính theo quý. Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết điểm này.
đ) Bảo vệ môi trường:
Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được vay với lãi suất ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam cho hạng mục xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường của Dự án.
2. Ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:
Ngoài các ưu đãi chung tại Khoản 1 của Điều này, doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển còn được hưởng các ưu đãi sau:
a) Tín dụng đầu tư:
Được vay tối đa 70% vốn đầu tư tại các tổ chức tín dụng trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi đã loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cho các khoản vay khác;
- Có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư, sau khi trừ số vốn chủ sở hữu thu xếp cho các dự án khác;
- Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác.
b) Tiền thuê đất, mặt nước:
- Được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Trường hợp Dự án có tính chất đặc biệt hoặc quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cần hỗ trợ cao hơn mức hỗ trợ quy định tại tiết trên thì Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
3. Dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài các ưu đãi chung tại Khoản 1 của Điều này còn được hưởng các ưu đãi đầu tư theo địa bàn.
Điều 13. Quản lý chính sách ưu đãi
1. Đối tượng được hưởng ưu đãi của Nghị định này nếu khai báo không trung thực và sử dụng các chính sách ưu đãi không đúng mục đích thì bị thu hồi các ưu đãi được hưởng.
2. Trường hợp đối tượng được hưởng nhiều ưu đãi cùng loại thì chỉ được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành.
3. Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, thẩm quyền của mình có trách nhiệm chỉ đạo việc kiểm tra, thanh tra và quyết định thu hồi các ưu đãi.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Trách nhiệm của các Bộ, ngành
1. Bộ Công Thương chủ trì thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ theo các nội dung sau:
a) Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
b) Chủ trì, xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ và tổng hợp dự toán ngân sách trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm của Bộ Công Thương;
c) Rà soát, cập nhật Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện thực tế từng thời kỳ, trình Chính phủ phê duyệt;
d) Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ;
đ) Phê duyệt Đề án sắp xếp lại các đơn hiện có của Bộ Công Thương để hình thành Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ;
e) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở về nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng; xây dựng và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia về nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế;
g) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương hướng dẫn, xử lý những vướng mắc liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ;
h) Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút vốn, thu hút đầu tư và các nguồn lực phục vụ cho hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ;
i) Hướng dẫn thực hiện việc xác nhận ưu đãi và thủ tục hậu kiểm ưu đãi;
k) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ;
l) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiểm tra, thanh tra và quyết định thu hồi các chính sách ưu đãi.
2. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
a) Chủ trì bố trí kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, hướng dẫn lập, quản lý sử dụng kinh phí Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ;
b) Bổ sung hướng dẫn chi tiết các chính sách ưu đãi về thuế đối với phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo thẩm quyền;
c) Hướng dẫn hoặc ban hành theo thẩm quyền quy trình cho các đối tượng thuộc diện vay vốn tín dụng đầu tư nhà nước đảm bảo thủ tục đơn giản, rõ ràng để Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện;
d) Phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ;
đ) Chủ trì hướng dẫn việc kê khai thuế giá trị gia tăng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 12 của Nghị định này.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các chính sách tín dụng quy định tại Điều 12 của Nghị định này, đảm bảo thủ tục nhanh gọn, đơn giản và an toàn nguồn vốn vay;
b) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn phát sinh và đề xuất các biện pháp tháo gỡ trong quá trình thực hiện.
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
a) Chủ trì bố trí vốn đầu tư thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, kêu gọi nguồn vốn ODA xây dựng các Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định của pháp luật;
b) Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành xây dựng chính sách nhằm khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sản xuất trong nước.
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu đề xuất bổ sung các chính sách ưu đãi về đất đai và môi trường đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển;
b) Bổ sung quy định hướng dẫn thực hiện cơ chế ưu đãi, hoàn trả đối với Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đầu tư trong khu công nghiệp thuê lại đất có hạ tầng của chủ đầu tư khu công nghiệp đã trả tiền thuê đất cho Nhà nước.
6. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, sửa đổi và bổ sung các quy định hiện hành về chuyên gia nước ngoài và lao động nước ngoài có trình độ cao trực tiếp tham gia hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp Giấy phép lao động;
b) Phối hợp với Bộ Công Thương trong việc đào tạo nâng cao trình độ người lao động trực tiếp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
7. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ theo quy định.
Điều 15. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ có trách nhiệm:
1. Xây dựng, sửa đổi và ban hành chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ và trợ giúp phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện của địa phương.
2. Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương.
3. Bảo đảm nguồn vốn từ ngân sách địa phương để tổ chức thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương.
4. Giao cơ quan có thẩm quyền tại địa phương tổ chức thực hiện việc xác nhận ưu đãi và định kỳ hàng năm báo cáo tổng hợp các dự án được xác nhận ưu đãi gửi Bộ Công Thương.
5. Xúc tiến, thu hút các nguồn vốn cho Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương.
6. Định kỳ hàng năm báo cáo các Bộ, ngành liên quan tình hình thực hiện phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Xử lý chuyển tiếp
Các dự án đang sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tiếp tục được hưởng các ưu đãi hiện có và được hưởng các ưu đãi mới theo quy định tại Nghị định này.
Điều 17. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 và bãi bỏ Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ và Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2011 về việc ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan.
Điều 18. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Nghị định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện và những vấn đề mới nảy sinh cần xử lý.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
 

 
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTN (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Ngu
yễn Tấn Dũng

 
PHỤ LỤC
DANH MỤC SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN
(Ban hành kèm theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ)
I. NGÀNH DỆT - MAY:
- Xơ thiên nhiên: Bông, đay, gai, tơ tằm;
- Xơ tổng hợp: PE, Viscose;
- Sợi dệt kim, sợi dệt thoi; sợi Polyester có độ bền cao, sợi Spandex, nylon có độ bền cao;
- Vải: Vải kỹ thuật, vải không dệt, vải dệt kim, vải dệt thoi;
- Chỉ may trong ngành dệt may;
- Hóa chất, chất trợ, thuốc nhuộm phục vụ ngành nhuộm hoàn tất vải;
- Phụ liệu ngành may: Cúc, mex, khóa kéo, băng chun.
II. NGÀNH DA - GIÀY:
- Da thuộc;
- Vải giả da;
- Đế giầy, mũi giày, dây giày;
- Hóa chất thuộc da;
- Da muối;
- Chỉ may giầy;
- Keo dán giày, Phụ liệu trang trí như khóa, khoen, móc...
III. NGÀNH ĐIỆN TỬ:
- Linh kiện điện tử - quang điện tử cơ bản: Transistor, mạch tích hợp, cảm biến, điện trở, tụ, điôt, ăngten, thyristor;
- Linh kiện thạch anh;
- Vi mạch điện tử;
- Vật liệu sản xuất linh kiện điện tử: Chất bán dẫn, vật liệu từ cứng, vật liệu từ mềm, chất cách điện tích cực;
- Linh kiện sản phẩm điện tử: Linh kiện nhựa, linh kiện cao su, chi tiết cơ - điện tử, linh kiện kính;
- Pin dùng cho máy vi tính xách tay, điện thoại di động;
- Dây và cáp điện, đèn led, tai nghe điện thoại và loa;
- Sạc pin điện thoại;
- Màn hình các loại.
IV. NGÀNH SẢN XUẤT LẮP RÁP Ô TÔ:
- Động cơ và chi tiết động cơ: Thân máy, piston, trục khuỷu, thanh truyền, bánh răng, cụm ống xả, xi lanh, cụm đầu xi lanh, trục cam, xéc-măng, van động cơ;
- Hệ thống bôi trơn: Bộ lọc dầu, bộ làm mát, bộ tản nhiệt, bơm dầu, các loại van;
- Hệ thống làm mát: Bộ tản nhiệt, két nước, quạt gió, van hằng nhiệt, bơm nước;
- Hệ thống cung cấp nhiên liệu: Thùng nhiên liệu, bộ lọc nhiên liệu, bộ lọc không khí, ống dẫn bơm nhiên liệu, bộ chế hòa khí, hệ thống phun nhiên liệu;
- Khung - thân vỏ - cửa xe: Các chi tiết dạng tấm đột dập, sắt xi, thùng xe tải, bậc lên xuống, cụm cửa xe;
- Hệ thống treo: Nhíp, lò xo đàn hồi, bộ giảm chấn;
- Bánh xe: Lốp xe, vành bánh xe bằng hợp kim nhôm;
- Hệ thống truyền lực: Ly hợp, hộp số, cầu xe, trục các đăng;
- Hệ thống lái;
- Hệ thống phanh;
- Linh kiện điện - điện tử:
+ Nguồn điện: Ắc quy, máy phát điện;
+ Thiết bị đánh lửa: Bugi, cao áp, biến áp;
+ Rơle khởi động, động cơ điện khởi động;
+ Dây điện, đầu nối, cầu chì, các loại cảm biến, thiết bị tự động điều khiển, bộ xử lý.
- Hệ thống chiếu sáng và tín hiệu: Đèn, còi, đồng hồ đo các loại;
- Hệ thống xử lý khí thải ô tô;
- Linh kiện nhựa cho ô tô;
- Linh kiện cao su, vật liệu giảm chấn;
- Kính chắn gió, cần gạt nước, ghế xe.
V. NGÀNH CƠ KHÍ CHẾ TẠO:
- Khuôn mẫu, đồ gá: Khuôn dập, khuôn đúc, đồ gá gia công, đồ gá kiểm tra;
- Dụng cụ - dao cắt: Dao tiện, dao phay, mũi khoan;
- Linh kiện và phụ tùng máy gia công cơ khí, máy hàn;
- Linh kiện và phụ tùng máy động lực, máy nông nghiệp, đóng tàu;
- Linh kiện và phụ tùng máy, thiết bị chế biến nông lâm thủy sản và muối;
- Dụng cụ đo lường, kiểm tra dùng trong cơ khí: Thước đo, máy đo 3 chiều, máy phân tích thành phần kim loại, máy siêu âm mối hàn;
- Chi tiết máy: Bu lông cường độ cao, ốc vít cường độ cao, ổ bi, bạc lót, bánh răng, van, khớp các loại, vỏ máy, chi tiết đột dập, hộp biến tốc, xi lanh thủy lực;
- Thép chế tạo.
VI. CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ CHO CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
- Các loại khuôn mẫu: Khuôn mẫu có độ chính xác cao, khuôn đúc nhựa có độ chính xác cao;
- Các loại chi tiết cơ khí tiêu chuẩn chất lượng cao: Các loại đai ốc, bu lông, ốc vít có độ chính xác cao dùng cho các thiết bị điện tử, cơ điện tử, điện tử y tế, rô bốt công nghiệp;
- Các loại linh kiện điện tử, mạch vi điện tử để phát triển các thiết bị: Thiết bị ngoại vi, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn, pin mặt trời; các loại chíp vi xử lý; các bộ điều khiển (Bộ điều khiển khả trình PLC, bộ điều khiển CNC, ...);
- Các cụm linh kiện, phụ tùng cho hệ thống thiết bị sản xuất điện năng từ năng lượng mới và năng lượng tái tạo;
- Các loại chi tiết nhựa chất lượng cao: Các bộ truyền động chính xác, các chi tiết có độ bền và tuổi thọ cao, chịu nhiệt và chịu mài mòn bằng nhựa;
- Cảm biến các loại: Cảm biến khí, cảm biến gia tốc, cảm biến từ trường; cảm biến sinh học, cảm biến nhiệt độ, cảm biến độ ẩm, cảm biến ánh sáng, cảm biến áp suất....;
- Các loại động cơ thế hệ mới: Động cơ điện, động cơ ổ từ, động cơ servo (động cơ bước), động cơ từ kháng, động cơ tuyến tính;
- Các cơ cấu chấp hành có độ chính xác cao./.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169