LS Hồng Nhung

Xác định thời điểm nâng lương đối với viên chức bị kỷ luật?

Nếu viên chức bị kỷ luật và bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì bị kéo dài thời hạn nâng lương bao nhiêu lâu? Thời hạn ban hành quyết định kỷ luật kể từ thời điểm họp xử lý kỷ luật là bao nhiêu lâu? Đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của viên chức như thế nào? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Kính chào Luật sư! Tôi có một số vấn đề xin nhờ Luật sư tư vấn giúp:

Thứ nhất: Năm học 2016 - 2017 đến hạn thì đáng lẽ ngày 1 - 5 - 2017 tôi sẽ được nâng lương nhưng tháng 3 - 2017 tôi bị kỉ luật mức cảnh cáo, quyết định kí là vào ngày 1 - 6 - 2017, thời gian kỉ luật là 1 năm, và cuối năm vì lí đó mà lãnh đạo nhà trường xếp tôi loại viên chức không đạt yêu cầu.

Tôi xin Luật sư tư vấn trường hợp của tôi thì thời gian nâng lương sẽ bắt đầu vào thời điểm nào? Đợt nâng lương 6 tháng đầu năm nay lãnh đạo nhà trường cũng không xét, nói vì lí do còn đang trong quá trình kỉ luật, chờ đến 6 tháng cuối năm mới xét nâng lương cho tôi như vậy có đúng không?

Thứ hai: Xét công chức và thi đua năm nay cũng vì lí do tôi còn trong thời gian bị kỉ luật nên chỉ xét ở mức hoàn thành, cho dù trong năm tôi hoàn thành tốt tất cả các mặt, như vậy có đúng không?

Xin chân thành cảm ơn Luật sư! Kính chúc Luật sư sức khỏe, công tác tốt.   

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Đối với trường hợp kéo dài thời hạn nâng lương:

 

Căn cứ theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 08/2013/TT-BNV:

 

“3. Thời gian bị kéo dài xét nâng bậc lương thường xuyên:

 

Trong thời gian giữ bậc lương hiện giữ, nếu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm hoặc bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì bị kéo dài thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này như sau:

 

a) Kéo dài 12 tháng (một năm) đối với các trường hợp:

 

- Cán bộ bị kỷ luật cách chức;

 

- Công chức bị kỷ luật giáng chức hoặc cách chức;

 

- Viên chức và người lao động bị kỷ luật cách chức.

 

b) Kéo dài 06 (sáu) tháng đối với các trường hợp:

 

- Cán bộ, công chức bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo;

 

- Viên chức và người lao động bị kỷ luật cảnh cáo;

 

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không hoàn thành nhiệm vụ được giao hằng năm; trường hợp trong thời gian giữ bậc có 02 năm không liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao bị kéo dài 06 (sáu) tháng.

 

c) Kéo dài 03 (ba) tháng đối với viên chức và người lao động bị kỷ luật khiển trách.

 

d) Trường hợp vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa bị kỷ luật thì thời gian kéo dài nâng bậc lương thường xuyên là tổng các thời gian bị kéo dài quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này.

 

đ) Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động là đảng viên bị kỷ luật Đảng thì thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30 tháng 3 năm 2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Việc kéo dài thời gian nâng bậc lương thường xuyên được căn cứ vào hình thức xử lý kỷ luật do cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động quyết định theo quy định của pháp luật.”

 

Vậy, thời điểm nâng lương thường xuyên của bạn là 1/5/2017. Tuy nhiên trong năm 2017 bạn bị xử lý kỷ luật, do đó bạn sẽ bị kéo dài thời hạn nâng lương 6 tháng đến tháng 11/2017.Sau đó nếu đến tháng 12/2017 bạn lại cơ quan đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì  thời điểm nâng lương của bạn tiếp tục bị kéo dài thêm 6 tháng đến tháng 6/2018.

 

Bên cạnh đó, bạn cần phải xem xét lại quyết định xử lý kỷ luật của bạn ban hành vào 1 – 6 – 2017 trong khi cuộc họp tiến hành xử lý kỷ luật đã diễn ra vào thời điểm tháng 3 – 2017; mà theo quy định tại Điều 8, Điều 19 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP quy định:

 

Điều 8. Thời hạn xử lý kỷ luật

 

1. Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 02 tháng, kể từ ngày phát hiện viên chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

 

2. Trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc những tình tiết phức tạp khác cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để làm rõ thêm thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật, nhưng không quá 04 tháng.

 

Điều 19. Quyết định kỷ luật

 

1. Trình tự ra quyết định kỷ luật:

 

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp, Hội đồng kỷ luật phải có kiến nghị việc xử lý kỷ luật bằng văn bản (kèm theo biên bản họp Hội đồng kỷ luật và hồ sơ xử lý kỷ luật) gửi người có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 14 của Nghị định này;

 

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của Hội đồng kỷ luật, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận viên chức không vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;

 

c) Trường hợp vi phạm của viên chức có tình tiết phức tạp thì người có thẩm quyền xử lý kỷ luật quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình;

 

d) Trường hợp viên chức có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì người có thẩm quyền xử lý kỷ luật có trách nhiệm ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức vi phạm pháp luật.

 

2. Quyết định kỷ luật phải ghi rõ thời điểm có hiệu lực thi hành.

 

3. Sau 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực, nếu viên chức không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì đương nhiên chấm dứt hiệu lực của quyết định kỷ luật.

 

Trường hợp viên chức tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực.

 

4. Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ viên chức. Hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của viên chức.

 

Đối với vấn đề xét thi đua viên chức:

 

Việc đánh giá viên chức sẽ được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 41 Luật Viên chức 2010:

 

Điều 41. Nội dung đánh giá viên chức

 

1. Việc đánh giá viên chức được xem xét theo các nội dung sau:

 

a) Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng làm việc đã ký kết;

 

b) Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp;

 

c) Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và việc thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức;

 

d) Việc thực hiện các nghĩa vụ khác của viên chức.

 

2. Việc đánh giá viên chức quản lý được xem xét theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung sau:

 

a) Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ;

 

b) Kết quả hoạt động của đơn vị được giao quản lý, phụ trách.

 

3. Việc đánh giá viên chức được thực hiện hàng năm; khi kết thúc thời gian tập sự; trước khi ký tiếp hợp đồng làm việc; thay đổi vị trí việc làm; xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, đào tạo, bồi đường.

 

Trên cơ sở các nội dung quy định tại Điều 41, cơ quan nơi bạn đang công tác sẽ đưa ra cơ sở xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Đối với viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng thì mức độ hoàn thành nhiệm vụ có thể được xem xét trên cơ sở kết quả học tập của bạn.

 

Bạn có thể tham khảo về tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của viên chức tại Điều 25, 26, 27, 28 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cá bộ, công chức, viên chức.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: H.Nhung - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo