Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Tư vấn về cách tính BHXH 1 lần khi đóng bảo hiểm được 3 năm 7 tháng

Luật sư tư vấn về trường hợp chốt sổ BHXH khi công ty nợ tiền BHXH, cách tính BHXH 1 lần. Nội dung tư vấn cụ thể như sau:

Nội dung tư vấn: Luật sư cho em hỏi. Em muốn xin nghỉ việc công ty và muốn hưởng BHXH 1 lần. Nhưng em được biết là công ty vẫn đang nợ tiền bên BHXH chưa đóng hết thì khi nghỉ em có được giải quyết BHXH 1 lần hay không? Có phải BHXH đợi công ty thanh toán xong bên bảo hiểm thì em mới được thanh toán không?  Em đóng được 3 năm 7 tháng rồi thì số tiền mình nhận được là bao nhiêu ạ. Năm 2016 thì mức đóng là 2.300.000; năm 2017 là 2.700.000; năm 2018 đến nay là 3.300.000. Em xin cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về việc chốt sổ BHXH khi Công ty nợ tiền BHXH.

 

Khoản 3 Công văn 856/LĐTBXH-BHXH quy định: 

 

“3. Đối với các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội thì cho phép doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho những người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, người lao động thôi việc để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội và chốt sổ bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định.” 

 

Nếu công ty bạn thực sự gặp khó khăn dẫn đến nợ tiền BHXH, hiện tại, khi bạn nghỉ việc và muốn được được hưởng chế độ BHXH 1 lần, bạn cần yêu cầu doanh nghiệp làm văn bản đề nghị cơ quan BHXH được ưu tiên đóng tiền BHXH cho mình và chốt sổ để bạn hưởng chế độ này. Nếu được cơ quan BHXH chấp thuận, bạn có thể được chốt sổ khi công ty đang nợ tiền bảo hiểm.

 

Thứ hai, về việc hưởng BHXH 1 lần.

 

Khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định:

 

1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

 

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

 

c) Ra nước ngoài để định cư;

 

d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

 

Nếu bạn thuộc các trường hợp đặc biệt như đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH, ra nước ngoài định cư, bị mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định trên, sau khi công ty chốt sổ, bạn có thể nộp hồ sơ để hưởng BHXH 1 lần; tuy nhiên, nếu bạn không thuộc các trường hợp trên, bạn cần đảm bảo sau 01 năm nghỉ việc mà không tiếp tục tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng chế độ này.

 

Bạn đã tham gia được 3 năm 7 tháng: Năm 2016 với mức đóng là 2.300.000; năm 2017 là 2.700.000; năm 2018 đến nay là 3.300.000. Giả sử bạn tham gia BHXH từ tháng 01/2016, nghỉ việc vào tháng 07/2019, số tiền BHXH 1 lần của bạn được xác định như sau:

 

+ Mức bình quân tiền lương bình quân tháng đóng BHXH là:

 

(12 x 2.300.000 + 12 x 2.700.000 + 19 x 3.300.000) : 43 = 2.853.488 đồng

 

+ Bạn đã tham gia được 3 năm 7 tháng, được làm tròn là 04 năm nên mức hưởng BHXH 1 lần của bạn là 08 tháng bình quân tiền lương.

 

Do đó, số tiền BHXH 1 lần bạn được hưởng là: 2.853.488 x 8 = 22.827.904 đồng

 

Trân trọng

Phòng Luật sư tư vấn Lao động – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo