Hoàng Thị Kim Lý

Tư vấn trách nhiệm bồi thường tai nạn giao thông liên hoàn.

Nhờ tư vấn giúp tôi về trách nhiệm bồi thường khi gây tai nạn giao thông liên hoàn như thế nào, cụ thể: Khi tham gia giao thông trên đường tôi có thấy 1 người đi bộ đi dưới lòng đường sát vỉa hè. Tôi chủ động tránh người đi bộ đó nhưng có 1 xe bus đi từ sau với tốc độ cao hơn xe tôi có phóng lên và quệt vào tay lái khiến xe tôi đổ.

 

Trong quá trình đổ thì xe của tôi có bị xe bus kéo lê theo và quệt vào người đi bộ dẫn đến người đi bộ bị ngã trấn thương sọ não nhưng hiện giờ đã qua cơn nguy kịch Hiện tại tôi muốn hỏi theo tình huống như trên thì trách nhiệm thuộc về ai và sẽ bị xử lý như thế nào. Mong luật sư tư vấn quy định pháp luật liên quan, tôi xin cảm ơn.

 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

 

Trường hợp cá nhân khi tham gia giao thông có hành vi xâm phạm đến sức khỏe của người khác thì tùy vào mức độ lỗi thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Do đó xem xét các khả năng sau:

 

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại


 Căn cứ theo quy định tại điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 . Cụ thể:

 

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.


Đồng thời theo khoản 1 Mục 1 nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:

+  Phải có thiệt hại xảy ra.

+  Phải có hành vi trái pháp luật.

+  Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

+ Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

Như vậy, để xác định rõ trách nhiệm trong trường hợp của bạn thì phải phải xác định được yếu tố lỗi của các bên.

+ Người lái xe bus đi trên đường có đúng tốc độ hay không? Có đi đúng phần đường, có thực hiện đúng các quy định về giao thông đường bộ hay không?

+ Bạn có chấp hành đúng các quy định của pháp luật giao thông hay không? Trong việc va quệt, bạn có lỗi gì không? Lỗi ở đây có thể là lỗi cố ý hoặc vô ý về làn đường, về quan sát…

+ Người đi bộ đi có đúng phần đường dành cho người đi bộ hay không?

Tùy vào yếu tố lỗi của các bên mà trách nhiệm bồi thường của các bên sẽ khác nhau. Do bạn không đưa ra các thông tin cụ thể nên chưa thể khẳng định được hoàn toàn là bên nào có lỗi và trách nhiệm cụ thể ra sao. Với việc truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra có nghĩa vụ xác định rõ vấn đề này để xác định xem có hành vi phạm tội hay không. Còn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bạn và bên lái xe kia có thể căn cứ vào mức độ lỗi của các bên trên thực tế, thỏa thuận với nhau về mức bồi thường cụ thể dựa trên các khoản bồi thường pháp luật quy định tại nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP:

Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm được bồi thường bao gồm:

1.1. Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại bao gồm: tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí; tiền mua thuốc bổ, tiếp đạm, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ cho người bị thiệt hại theo chỉ định của bác sỹ; các chi phí thực tế, cần thiết khác cho người bị thiệt hại (nếu có) và các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mắt giả, mua xe lăn, xe đẩy, nạng chống và khắc phục thẩm mỹ... để hỗ trợ hoặc thay thế một phần chức năng của cơ thể bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có).

1.2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại. Nếu trước khi sức khoẻ bị xâm phạm người bị thiệt hại có thu nhập thực tế, nhưng do sức khoẻ bị xâm phạm họ phải đi điều trị và do đó khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.

1.3. Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị.

1.4. Trong trường hợp sau khi điều trị, người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên) thì phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

1.5. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khoẻ bị xâm phạm. Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

 

2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

 

Căn cứ theo quy định tại điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:

 

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ 

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: 

a) Làm chết người; 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. 

 

Như vậy cần căn cứ vào mức độ lỗi của từng đối tượng tham gia giao thông theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền để xác định có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không. Trường hợp người nào có hành vi vi phạm quy định luật an toàn giao thông đường bộ và hành vi vi phạm này là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả thì căn cứ vào hậu quả để xác định khung hình phạt theo quy định trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Tư vấn trách nhiệm bồi thường tai nạn giao thông liên hoàn.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV: Thùy Dương - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo