LS Hồng Nhung

Ủy quyền cho con nhận di sản thừa kế

Con có thể đại diện cho mẹ nhận di sản thừa kế hay không? Phạm vi đại diện theo ủy quyền như thế nào? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

1. Luật sư tư vấn về thừa kế

Trong bất kỳ quốc gia nào thì vấn đề thừa kế cũng có vị trí quan trọng trong các chế định pháp luật, là hình thức pháp lý chủ yếu để bảo vệ quyền của công dân. Tại nước ta thì thừa kế là một quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận trong Hiến pháp từ rất sớm và tại Bộ luật dân sự dã có một chế định riêng để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thừa kế. Tuy nhiên, do sự tiếp cận của người dân với quy định pháp luật còn hạn chế, những quy định đôi khi mang tính chất định khung, chưa rõ ràng nên gây khó khăn cho những người muốn tìm hiểu quy định pháp luật dẫn đến số lượng các tranh chấp liên quan đến phân chia di sản thừa kế không hề nhỏ. Để tránh các tranh chấp không đáng có như trên thì bạn và gia đình bạn phải tìm hiểu thật kỹ Bộ luật dân sự và và các bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.   

2. Uỷ quyền cho con nhận di sản thừa kế được không?

Nội dung tư vấn: Kính chào luật sư! Tôi có một vấn đề kính mong luật sư giải đáp giúp tôi. Ông bà ngoại tôi đã mất và có 6 người con trong đó có mẹ tôi, ông bà có để lại một mảnh đất nhưng chưa ủy quyền thừa kế cho bất kỳ ai. Theo luật thì mảnh đất đó sẽ chia cho 6 người con. Mẹ của tôi đang sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại bác và cậu của tôi xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất và muốn mẹ tôi phải về Hà Nội để giải quyết. Nhưng vì lý do sức khỏe mẹ tôi không về Hà Nôi giải quyết được.

Vậy mẹ tôi  muốn ủy quyền lại cho tôi có được không? Kính mong luật sư giải đáp giúp tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn! 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo như những gì bạn trình bày, nếu ông bà ngoại bạn mất mà không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Việc phân chia di sản thừa kế có thể tiến hành theo thỏa thuận của những người đồng thừa kế hoặc khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu phân chia di sản thừa kế.

Về nguyên tắc, bất kì người nào đều có thể ủy quyền cho người khác nhân danh mình thực hiện một hoặc nhiều giao dịch dân sự (trừ một số trường hợp đại diện theo ủy quyền thực hiện các vấn đề liên quan đến quan hệ nhân thân của người được đại diện như ủy quyền thực hiện ly hôn, ủy quyền thực hiện quyền thay đổi họ tên...); do vậy, nếu mẹ bạn không thể về Hà Nội để tiến hành thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hay có mặt tại Tòa án theo sự triệu tập của Tòa án thì có thể ủy quyền cho bạn đại diện thực hiện thay các hoạt động này theo Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015:

1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, bạn chỉ có thể đại diện thay mẹ bạn nhận thừa kế trong phạm vi văn bản ủy quyền đã xác lập theo điểm a Khoản 1 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015:

1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:

...

c) Nội dung ủy quyền;

...”

Nếu bạn thực hiện các hoạt động vượt quá phạm vi đại diện của mình theo thỏa thuận thì hoạt động vượt quá phạm vi thỏa thuận đó sẽ không phát sinh hiệu lực theo Điều 143 Bộ luật Dân sự 2015:

1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:

a) Người được đại diện đồng ý;

b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;

c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.

2. Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.

3. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

4. Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo