Nguyễn Thu Trang

Đòi lại tài sản đứng tên mẹ đã mất và chia di sản thừa kế của bà

Những năm gần đây, tranh chấp đất đai thừa kế và tranh chấp đất đai khi đứng tên hộ xảy ra ngày một nhiều. Do đặc thù của lĩnh vực đất đai, nên những tranh chấp này kéo dài và qua nhiều giai đoạn xét xử: sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hay nhiều trường hợp tái thẩm gây lãng phí về công sức, tiền bạc và thời gian.

1. Luật sư tư vấn về việc đòi lại tài sản và chia thừa kế

Giữa những thành viên trong gia đình, việc để một thành viên thay mình đứng tên tài sản phải đăng ký sở hữu như đất đai, xe cộ,... diễn ra khá phổ biến. Mặc dù vậy, do yếu tố nhân thân nên việc nhờ đứng tên không có bất kì văn bản thỏa thuận nào dẫn đến không đảm bảo quyền lợi khi xảy ra tranh chấp, thậm chí có nhiều trường hợp không có chứng cứ để đòi lại.

Bên cạnh đó, thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người mất cho người khác, việc chuyển dịch tài sản này có thể bằng di chúc hoặc theo trình tự mà pháp luật dân sự quy định để chia di sản trong trường hợp không có di chúc. Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân, được ghi nhận trong Hiến pháp và trong Bộ luật Dân sự.Thực tế cho thấy, tranh chấp thừa kế là loại tranh chấp phổ biến, đặt ra vấn đề có di chúc hay không có di chúc? Di chúc có đáp ứng được điều kiện có hiệu lực hay không? Di sản có thuộc sở hữu của người mất không?

Nếu bạn đang có tranh chấp về vấn đề đất đai thừa kế, để được giải đáp cụ thể bằng văn bản, bạn hãy gửi câu hỏi tư vấn qua email lienhe@luatminhgia.vn hoặc gọi đến Tổng đài Luật sư tư vấn trực tuyến 1900.6169 để chúng tôi có thể giải đáp cho bạn một cách nhanh chóng, kịp thời.

2. Tư vấn trường hợp đòi lại tài sản và yêu cầu chia thừa kế của mẹ

Câu hỏi: Chào luật sư, Mong luật sư tư vấn cho em về việc thừa kế: Nội em (không có ông nôi) có 2 người con (gồm ba em và chú em, 2 người đều có gia đình riêng,  nội em ở với chú em) Khi nội em bệnh về thần kinh thì đưa về nhà em chăm sóc và mất tại nhà em và không biết có di chúc hay không. Sau đó toàn bộ tài sản của nội em đều được chuyển tên sang cho chú em, sau này mấy năm nhà em mới được biết  (trong đó có tài sản của ba em nhưng lúc trước ba em để nội em đứng tên, không chứng minh bằng chứng từ được đó là tài sản của ba em).Vậy cho em hỏi là nhà em có thể lấy lại được tài sản của ba em không ạ. Nhà em ở Đồng Nai. Mong luật sư giải đáp giúp em. Em cảm ơn ạ!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

- Bạn không nêu rõ tài sản của ba bạn là động sản hay bất động sản và có giấy tờ gì liên quan đến tài sản hay không ? Nếu còn có một số giấy tờ như: Các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản thì ba bạn có thể chứng minh tài sản đó thuộc quyền sở hữu/quyền sử dụng của ba bạn. Nếu ba bạn không có giấy tờ để chứng minh được đó là tài sản của ba bạn thì ba bạn không thể đòi lại được tài sản.

Nếu có giấy tờ chứng minh được tài sản đó thuộc về ba bạn thì ba bạn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án xác lập quyền sở hữu/quyền sử dụng cho ba bạn. Bạn có thể khởi kiện cùng với khởi kiện về chia thừa kế nếu còn thời hạn về thừa kế. Khoản 1 Điều 188 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về phạm vi khởi kiện như sau:

“ 1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án…”

Vì thế ba bạn có thể khởi kiện về quan hệ sở hữu và quan hệ thừa kế trong trường hợp trên vì nó có liên quan đến nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.

- Về chia di sản thừa kế mà bà nội bạn để lại: Không ai biết là bà nội bạn mất có để lại di chúc hay không nên di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Nếu chia theo pháp luật thì ba và chú bạn sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Vì thế, nếu chú bạn đã sang tên hết phần di sản mà bà để lại thì bạn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo pháp luật.

Thời hiệu để yêu cầu Tòa án chia thừa kế:

Căn cứ theo Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế thì:

“ 1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó…”

Do đó:

+ Đối với bất động sản bao gồm: Đất đai; Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; Tài sản khác theo quy định của pháp luật, thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 30 năm.

+ Đối với động sản: Bao gồm những tài sản không phải là bất động sản có thời hiệu thừa kế là 10 năm.

Thời hiệu tính từ thời điểm mở thừa kế, nghĩa là kể từ thời điểm bà bạn mất.

Vì thế, nếu còn thời hiệu khởi kiện thì bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về thừa kế. Đơn khởi kiện nộp tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. Thẩm quyền giải quyết theo loại việc:

+ Tòa án nhân dân cấp huyện nếu không có đương sự ở nước ngoài, không có tài sản ở nước ngoài hoặc không cần phải ủy thác tư pháp tới cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước nước ngoài.

 + Tòa án nhân dân cấp tỉnh nếu có đương sự ở nước ngoài hoặc có tài sản ở nước ngoài hoặc phải ủy thác tư pháp tới cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước nước ngoài.

Về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ: là Tòa án nơi cư trú của bị đơn nếu không có thỏa thuận bằng văn bản giữa các đương sự yêu cầu Toà án nguyên đơn giải quyết đối với tài sản là động sản; là Tòa án nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo