LS Hồng Nhung

Di chúc có được đặt ra điều kiện con đủ 18 tuổi mới có quyền nhận di sản thừa kế không?

Quy định hiện hành của pháp luật về di chúc có điều kiện như thế nào? Trường hợp người để lại di sản đặt ra điều kiện người thừa kế phải đủ 18 tuổi trở lên mới được nhận di sản thừa kế có được không? Thời điểm người thừa kế đáp ứng đủ điều kiện hưởng di sản thừa kế nhưng người đang quản lý di sản thừa kế không giao di sản đó thì phải làm thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Tôi xin nhờ luật sư giải đáp giúp trường hợp của gia đình tôi: chồng tôi mất năm 2012, có để lại di chúc, đã được công chứng bởi phòng công chứng luật. Theo bản di chúc, chồng tôi có một mảnh đất đã có sổ đỏ mang tên chồng tôi (tài sản thừa kế của bố mẹ chồng để lại), nay thừa kế lại cho con trai tôi, nhưng có điều kiện là khi con trai tôi đủ 18 tuổi mới được toàn quyền sử dụng mảnh đất này, còn trong thời gian hiện tại, khi con trai tôi chưa đủ tuổi, thì mảnh đất và giấy tờ sổ đỏ được giao cho bác ruột của con trai tôi (tức anh ruột của chồng tôi) được toàn quyền sử dụng và quản lý.

Điều tôi muốn hỏi liệu sau này khi con trai tôi đủ tuổi để sử dụng quyền thừa kế theo di chúc, mà người bác vì lý do cá nhân không tự giác trao trả lại cho con trai tôi, thì tôi phải làm gì để đòi lại được tài sản cho con mình? Xin trân trọng cảm ơn luật sư.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ thông tin bạn đã cung cấp, di sản thừa kế mà chồng bạn để lại là tài sản riêng của chồng bạn theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

 

“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

 

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.”

 

Do đó, chồng bạn (chủ sử dụng hợp pháp mảnh đất) có quyền định đoạt tài sản này thông qua di chúc theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”

 

Và Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.”

 

Đồng thời, bản di chúc này đã được công chứng tại tổ chức công chứng phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó, di chúc sẽ phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế. Mà theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 là thời điểm người có tài sản chết:

 

“Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

 

1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.”

 

Và theo quy định tại Điều 614 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế bắt đầu “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.”

 

Như vậy, kể từ thời điểm chồng bạn mất, bạn và con bạn đã phát sinh quyền thừa kế đối với di sản mà chồng bạn để lại. Tuy nhiên, ý chí của chồng bạn thể hiện trong di chúc chưa muốn con bạn tiếp nhận quyền thừa kế đối với mảnh đất thì về bản chất là phù hợp với quy định của pháp luật; bởi lẽ theo quy định của pháp luật dân sự, người dưới 18 tuổi là người chưa có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Do đó, con bạn sẽ không thể tiếp nhận và quản lý di sản thừa kế là bất động sản trong trường hợp này. Và bác của cháu có thể quản lý tài sản giúp cháu nếu bác là người giám hộ hợp pháp của cháu. Đến thời điểm cháu đủ 18 tuổi, bác cháu có nghĩa vụ chuyển giao tài sản cho cháu theo quy định tại Khoản 1 Điều 63 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“1. Trường hợp người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ thanh toán tài sản với người được giám hộ, chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự vì lợi ích của người được giám hộ cho người được giám hộ.”

 

Theo đó, nếu con bạn đủ 18 tuổi mà bác của cháu không giao lại tài sản cho cháu thì cháu có quyền khởi kiện yêu cầu bác giao tài sản cho cháu sử dụng và quản lý. Đơn khởi kiện sẽ được nộp tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi có mảnh đất theo quy định tại Điều 26, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

 

Kèm theo đơn khởi kiện, con trai bạn có nghĩa vụ cung cấp các bằng chứng chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ như: giấy chứng tử của chồng bạn, bản di chúc hợp pháp theo quy định của pháp luật, bản sao chứng thực giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chồng bạn...

 

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc như sau:

 

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

 

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

 

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

 

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”

 

Theo quy định này, nếu người để lại di sản còn vợ, cha, mẹ thì mặc dù di chúc không phân chia di sản cho những người này nhưng họ vẫn được hưởng một phần di sản thừa kế bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo