LS Hồng Nhung

Con dâu có được thừa kế tài sản cha mẹ chồng không?

Những ai là người được hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật? Hàng thừa kế được xác định như thế nào? Con dâu, con rể có được thừa kế tài sản của bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ hay không? … Luật Minh Gia giải đáp các vấn đề trên như sau:

1. Luật sư tư vấn về pháp luật thừa kế

Thừa kế là một quan hệ cơ bản của pháp luật dân sự, vấn đề thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật và hàng thừa kế. Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể, chi tiết về những người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được các quy định về thừa kế, người có quyền hưởng di sản theo quy định của pháp luật.

Nếu bạn đang có vướng mắc, cần giải đáp về thừa kế theo quy định của pháp luật, hãy liên hệ với Luật Minh Gia bằng cách gửi Email hoặc gọi Hotline: 1900.6169 để được các Luật sư, chuyên viên tư vấn hướng dẫn chi tiết.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống tư vấn dưới đây để có thêm thông tin pháp lý và đối chiếu với trường hợp của mình.

2. Hỏi về quyền thừa kế di sản theo quy định của pháp luật

Nội dung tư vấn: Chào Luật Minh Gia, Em muốn xin tư vấn về lập di chúc thừa kế. Hiện tại gia đình em gồm 3 người gồm bố mẹ và em là con trai duy nhất. Sắp tới em sẽ lập gia đình. Em có câu hỏi về việc lập di chúc. Hiện tại bố mẹ em đã cao tuổi và có một số tài sản sau: nhà đất, xe cộ và sổ tiết kiệm đều đứng tên của bố mẹ.

1, Vậy trong trường hợp em lập gia đình và em là con một thì có cần thiết lập di chúc để lại tài sản cho em không?

2, Trong trường hợp không làm di chúc mà sau đó bố mẹ em khuất núi thì tài sản em kể trên ra pháp luật thì em được thừa kế tất cả hay phải chia cho cả vợ em nữa?

Mong Luật Minh Gia tư vấn giúp em. Em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, liên quan đến vấn đề lập di chúc:

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Do đó, bố mẹ bạn có thể xem xét lập di chúc để định đoạt toàn bộ tài sản của bố mẹ bạn cho bạn. Việc lập di chúc có thể thực hiện trước hoặc sau khi bạn kết hôn.

Trường hợp bố mẹ bạn lập di chúc định đoạt phần tài sản cho bạn trước khi kết hôn thì sau này khi bố mẹ bạn mất đi di sản thừa kế sẽ được phân chia theo di chúc theo quy định tại Điều 659 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 659. Phân chia di sản theo di chúc

1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Khi đó, phần tài sản bạn được thừa kế sẽ được xác định là tài sản riêng của bạn theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Trường hợp bố mẹ bạn lập di chúc trong thời kỳ hôn nhân và trong nội dung di chúc thể hiện để lại tài sản cho vợ chồng bạn thì đây sẽ được xác định là tài sản chung của vợ chồng bạn theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

...”

Như vậy, nếu anh muốn xác định đây là tài sản riêng của anh thì anh có thể yêu cầu bố mẹ thể hiện rõ nội dung di chúc chỉ định anh là người thừa kế tài sản do cha mẹ để lại.

Thứ hai, vấn đề liên quan đến thừa kế theo pháp luật:

Trong trường hợp bố mẹ anh không lập di chúc để định đoạt tài sản thì khi bố mẹ anh chết di sản thừa kế của bố mẹ anh sẽ được phân chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ anh theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

…”

Như vậy, có thể thấy hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ anh chỉ có anh và ông bà nội ngoại (nếu ông bà nội ngoại còn sống). Do đó, trong trường hợp này vợ anh không thuộc các trường hợp được thừa kế di sản bố mẹ anh để lại.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo