LS Hồng Nhung

Cháu dâu có được hưởng thừa kế của ông ngoại chồng không?

Trường hợp người thừa kế không phân chia di sản thừa kế theo di chúc có được không? Cháu dâu không được chỉ định hưởng di sản theo di chúc có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế không? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Nội dung yêu cầu tư vấn: Chào luật sư! Vợ chồng em vừa cưới tháng 8/2018. Hiện tại đã đăng kí kết hôn vào tháng 8. Hiện tại bên gia đình ông ngoại chồng em có 8.000 đất và có 3 đứa con 2 nữ 1 nam. Hiện giờ ông ngoại mất và chỉ con bà ngoại. Lúc đó ông ngoai lam chủ hộ. Lúc ông ngoại mất có để lại cho 1 tờ di chúc. Để lại miếng đất đó cho 3 người cháu 2 nam 1 nữ (2 người nam là anh chồng và chồng em, còn 1 người cháu là con của cậu (con Úc của ngoại). Nhưng anh chồng em đã qua đời trước lúc ông ngoại mất. Ông ngoại nói là chồng em sẽ được lấy 2 phần thay cho ông anh chồng. Miếng đất đó là do ông ngoại của chồng em tự gầy dựng. Và lúc làm tờ di chúc có 2, 3 người bà con làm chứng trước khi mất Cho đến bây giờ. Miếng đất được làm ra 2 cuốn sổ hộ khẩu. 1 cuốn là cho mẹ chồng tôi và đứa con sau của mẹ. 1 cuốn là gồm bà ngoại, chồng tôi, cậu, và 2 đứa cháu. Cô con gái thứ 3 của ông ngoại đã cắt 700 công đất và làm sổ riêng.

Vậy cho tôi hỏi luật sư:

Nếu muốn chia và tách sổ chồng tôi thì sao. Nếu tính theo di chúc thì nên chia lại từ đầu.

Theo luật có cần lấy lại đất của cô con gái thứ 3 hay không.

Và nếu làm theo di chúc thì có chia đất cho mẹ chồng tôi không (mẹ chồng đã làm sổ hộ khẩu). Và tôi là vợ có quyết định được hay không.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ thông tin bạn cung cấp mảnh đất của ông ngoại chồng bạn được nhà nước cấp cho hộ gia đình, do đó cần xem xét thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ gia đình của ông ngoại chồng bạn gồm những ai. Bởi lẽ theo quy định tại Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: “29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.”

 

Như vậy, những người là thành viên hộ gia đình theo hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được xác định là người sử dụng đất (theo khoản 4 mục III giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC) và họ đều có phần quyền đối với mảnh đất và di chúc của ông ngoại sẽ chỉ có hiệu lực đối với phần tài sản của ông.

 

Đồng thời, đối với vấn đề khi cô con gái thứ ba của ngoại cắt 700m2 đất để làm sổ riêng thì cần phải xem xét cô lấy đất đó lúc ông còn sống hay ông đã mất. Nếu cô tách lấy đất ở thời điểm ông vẫn còn thì trong trường hợp này có thể ông đã tặng quyền sử dụng đất cho cô. Nhưng nếu cô tự ý tách đất sau khi ông đã mất thì không có căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cô (trừ trường hợp có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế), và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thể bị thu hồi theo quy định tại Khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013:

 

“2. Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:

 

a) Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;

 

b) Cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp;

 

c) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

 

d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.

 

Theo đó, khi tiến hành phân chia di sản thừa kế thì phần di sản thừa kế mà ông ngoại để lại sẽ được phân chia theo di chúc (nếu di chúc hợp pháp). Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, di chúc định đoạt một phần tài sản cho người anh chồng bạn nhưng anh ấy đã mất. Vì vậy, bản di chúc đó sẽ không có hiệu lực một phần theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“Điều 643. Hiệu lực của di chúc

 

1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế.

 

2. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

 

a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;”

 

Trường hợp theo thông tin bạn cung cấp, ông ngoại chồng bạn có định đoạt phần đất của người anh đã mất cho chồng bạn nhưng bạn không nói rõ ông có thể hiện ý chí trong di chúc hay chỉ nói miệng mà không thỏa mãn điều kiện di chúc miệng theo quy định của pháp luật. Nếu ông thể hiện trong di chúc thì phần di sản đó sẽ được thực hiện theo di chúc. Nhưng nếu ông chỉ nói miệng thì phần di sản này sẽ được chia thừa kế theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông ngoại chồng bạn theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

...

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Mặt khác, khi phân chia di sản thừa kế, gia đình chồng bạn cần đảm bảo bà ngoại phải được hưởng suất thừa kế ít nhất bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật; bởi lẽ bà ngoại của chồng bạn là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định tại Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015:

 

“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

 

1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

 

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

 

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

 

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này.”

 

Và theo quy định của pháp luật, bạn không thuộc trường hợp thừa kế theo di chúc, cũng không thuộc trường hợp thừa kế theo pháp luật của ông ngoại chồng bạn. Do đó, bạn không thể quyết định các vấn đề liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế, trừ trường hợp chồng bạn ủy quyền cho bạn thực hiện các vấn đề liên quan đến việc chia thừa kế.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo