Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Xử phạt khi công ty yêu cầu NLĐ làm thêm giờ quá nhiều

Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp có hành vi vi phạm về thời giờ làm việc của người lao động, người lao động thường phải làm việc vượt quá số giờ làm việc bình thường mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người lao động, do đó người lao động cần nắm được các quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

1. Luật sư tư vấn về làm thêm giờ

Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động. Làm thêm giờ phải được người lao động đồng ý, tuy nhiên nhiều người lao động bị doanh nghiệp ép làm thêm giờ hoặc không trả lương làm thêm giờ theo đúng quy định pháp luật.

Khi gặp phải trường hợp này mà bạn chưa biết phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình thì bạn có thể liên hệ với Luật sư của Công ty Luật Minh Gia để được hỗ trợ tư vấn về các vấn đề:

- Thời gian làm thêm giờ;

- Tiền lương người lao động được hưởng khi làm thêm giờ;

- Cơ quan giải quyết tranh chấp khi doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định pháp luật.

Bạn có thể gửi yêu cầu tư vấn hoặc gọi: 1900.6169 để được giải đáp vướng mắc.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo trường hợp chúng tôi xử lý sau đây để có thêm kiến thức pháp lý trong lĩnh vực này.

2. Trách nhiệm pháp lý đối với doanh nghiệp khi vi phạm về thời giờ làm việc?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Kính chào luật sư. Cho em hỏi một số vấn đề như sau. Hiện em là nhân viên của một công ty tư nhân. Đã ký hợp đồng không thời hạn với công ty này. Trong hợp đồng lao động có mục thời gian lao động là 8 tiếng trong một ngày nhưng thời gian thực là 15  đến 16 tiếng. Do là làm nhân viên theo xe du lịch di chuyển khoảng 600km trên một ngày.

Trong hợp đồng không có đề cập đến vấn đề trừ tiền khi vi phạm nội quy làm việc. Nhưng thực tế bị trừ tiền tùy theo từng nội quy. Ký biên bản là phạt từ 200.000vnđ trở lên. Và không được hưởng chế độ nghĩ phép. Vậy công ty đó làm vậy đúng hay sai. Công ty đó có bị phạt không. Em cần làm gì để hưởng quyền lợi của người lao động như không bị công ty trừ tiền. Được nghĩ phép. Em xin cảm ơn.

Trả lời tư vấn:

Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về thời giờ làm việc.

Bộ luật lao động 2012 quy định như sau:

Điều 104. Thời giờ làm việc bình thường

"1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

...."

Điều 106. Làm thêm giờ

"1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm;

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ."

Căn cứ theo những quy định trên, trường hợp công ty yêu cầu a/c làm thêm giờ khi có công việc phát sinh ngoài thời giờ làm việc bình thường thì công ty có trách nhiệm thanh toán tiền lương làm thêm giờ cho khoảng thời gian này.

Như thông tin a/c cung cấp thì mỗi ngày a/c phải làm việc từ 14-16h, nên số giờ làm thêm đã vượt quá số giờ tối đa mà pháp luật cho phép theo quy định trên. Đồng thời công ty không thực hiện chế độ nghỉ phép hàng năm cho người lao động. Với những sai phạm này, công ty có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định sau:

Điều 14. Vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi - Nghị định 95/2013/NĐ-CP :

"1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định.

2. Phạt tiền người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định về nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết theo các mức sau đây:

a) Từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

.....

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật lao động;

b) Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật lao động.

4. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật lao động hoặc quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này."

Thứ hai, về việc phạt tiền khi người lao động vi phạm nội quy.

Điều 128. Những quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động - Bộ luật lao động 2012:

"1. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.

2. Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động."

Như vậy, khi a/c có hành vi vi phạm nội quy lao động thì công ty xem xét để xử lý kỷ luật với hình thức tương ứng: khiển trách, khéo dài thời hạn nâng lương; cách chức hoặc sa thải. Việc dùng hình thức phạt tiền thay cho việc xử lý kỷ luật là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, a/c có thể gửi đơn kiến nghị đến Lãnh đạo công ty hoặc gửi đơn đến ban chấp hành công đoàn cơ sở để được giải quyết. Trong trường hợp công ty không tự nguyện khắc phục những sai phạm, a/c có thể gửi đơn khiếu nại đến Phòng lao động-thương binh xã hội nơi công ty đặt trụ sở.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo