Vũ Thanh Thủy

Chế độ thai sản khi sinh từ con thứ 2 quy định thế nào?

Câu hỏi: Xin chào luật sư, xin luật sư giải đáp giúp tôi những vấn đề sau : 1, Số bảo hiểm xã hội bị sai ( về thời gian nghỉ thai sản, hệ số lương chưa đúng) có sửa được không , nếu sai có ảnh hưởng gì không? 2, Sinh con lần 2 hoặc lần 3 có được hưởng trợ cấp 1 lần sinh bằng 2 tháng lương cơ bản không và cách tính tiền thai sản như thế nào ạ ?

Tôi là giáo viên, hiện hệ số lương là 3,33; phụ cấp thâm niên nghề trước tháng 9/2017 là 9%, từ tháng 9/2017 là 10%. Tôi xin nghỉ chế độ từ 1/12/2017 và sinh mổ vào 2/1/2018. Moi giấy tờ để thanh toán chế độ thai sản tôi đã nộp đầy đủ từ 1 /2018 , vậy khi nào tôi mới được thanh toán. Xin cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, về vấn đề sổ bảo hiểm xã hội bị sai:

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 27 Quyết định 595/QĐ- BHXH ngày 01 tháng 07 năm 2017 quy định về cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội như sau:

“Điều 27. Cấp lại, đổi, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH, thẻ BHYT

2. Cấp lại sổ BHXH do thay đổi họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; điều chỉnh nội dung đã ghi trên sổ BHXH

2.1. Thành phần hồ sơ

a) Người tham gia

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

- Hồ sơ kèm theo (Mục 3,4 Phụ lục 01).

b) Đơn vị: Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).

2.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.”.

Như vậy nếu sổ BHXH bị sai về thời gian nghỉ thai sản và hệ số lương thì bạn phải tiến hành thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội. Việc sai những thông tin trên có thể ảnh hưởng đễn việc xin hưởng các chế độ của bạn sau này, kéo dài quá trình giải quyết hồ sơ , do đó, bạn cần phải tiến hành điều chỉnh lại thông tin BHXH của bạn sớm nhất để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bạn.

>> Tư vấn quy định về hưởng chế độ thai sản, gọi: 1900.6169

Thứ hai, trợ cấp một lần khi sinh con:

Căn cứ vào Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

"Điều 38. Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi

Lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

Theo như quy định trên thì đối với trường hợp lao động nữ sinh con dưới 6 tháng tuổi thì sẽ được trợ cấp một lần cho mỗi con, do đó việc bạn sinh con thứ 2, thứ 3 đều vẫn được hưởng chế độ này.

Về mức hưởng chế độ thai sản được quy định tại điều 39 Luât Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

"Điều 39. Mức hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 32, 33, 34, 35, 36 và 37 của Luật này thì mức hưởng chế độ thai sản được tính như sau:

a) Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 32, Điều 33, các khoản 2, 4, 5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội;

b) Mức hưởng một ngày đối với trường hợp quy định tại Điều 32 và khoản 2 Điều 34 của Luật này được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày;

c) Mức hưởng chế độ khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính theo mức trợ cấp tháng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 của Luật này thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp theo tháng chia cho 30 ngày.

2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Thứ ba, Thời gian để giải quyết hồ sơ hưởng thai sản:

Căn cứ theo quy định tại Điều 102  Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về thời gian giải quyết chế độ thai sản:

“Điều 102. Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản

1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.

Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

3. Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội:

a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.”

Như vậy, hồ sơ giải quyết chế độ thai sản phải nộp trong thời gian 45 ngày kể từ ngày bạn trở lại làm việc, cụ thể:

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bạn nộp đủ hồ sơ thì phía cơ quan có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định thì cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết và chi trả bảo hiểm cho bạn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo