LS Hồng Nhung

Truy thu bảo hiểm xã hội trong trường hợp nào?

Trong trường hợp chậm báo tăng bảo hiểm xã hội thì công ty phải thực hiện đóng bù bảo hiểm xã hội như thế nào? Có phải tính lãi suất do chậm đóng bảo hiểm xã hội hay không?

 

1. Luật sư tư vấn Luật Bảo hiểm xã hội

 

Liên quan đến các thủ tục hành chính như báo tăng, báo giảm, thực hiện đóng bảo hiểm xã hội hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa được thống nhất giữa các địa phương. Do đó, doanh nghiệp thường gặp lúng túng khi thực hiện thủ tục hành chính dẫn đến việc không bảo đảm được quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động.

 

Nếu gặp các vấn đề nêu trên, doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định của pháp luật về quy trình thực hiện thủ tục bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc tham khảo ý kiến luật sư tư vấn. Nếu không có thời gian tìm hiểu hoặc chưa có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để luật sư của chúng tôi giải đáp và đưa ra cho bạn hướng giải quyết phù hợp.

 

Để được hỗ trợ, tư vấn về pháp luật bảo hiểm xã hội bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169.

 

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

 

2. Tư vấn trường hợp truy thu bảo hiểm xã hội

 

Câu hỏi: Luật sư tư vấn về việc truy thu bảo hiểm xã hội như sau: Xin chào luật sư! Xin nhờ luật sư tư vấn giúp em: Công ty em đóng BHXH bắt đầu từ tháng 6/2019 nhưng do sơ xuất nên giữa tháng 7 em mới nộp hồ sơ báo tăng mới của tháng 6 lên BHXH (đã đóng tiền BHXH Tháng 6). Tháng 12/2019 bên em có 1 công nhân nghỉ việc nên chốt sổ BHXH thì phát hiện thời gian bảo lưu bắt đầu đóng là tháng 7. Khi phát hiện ra em có gọi điện hỏi BHXH thì họ báo là phải làm mẫu 601 - Truy thu đóng BH (TH vi phạm quy định về pháp luật về đóng BH).

Như vậy trường hợp này bên em:

1. Có bị phạt tiền không (Nếu có sẽ bị phạt bao nhiêu?)

2. Lãi suất tính lãi chậm trong trường hợp này tính như thế nào?

3. Nếu có người bên BH xuống kiểm tra thì em cần chuẩn bị những giấy tờ gì?

Trong thời gian chờ đợi sự phản hồi của luật sư em chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, liên quan đến vấn đề xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội:

 

Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định:

 

“Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

 

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

 

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

 

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

…”

Như vậy, việc xử phạt vi phạm hành chính áp dụng đối với trường hợp công ty chậm đóng hoặc không đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đối chiếu thông tin bạn cung cấp, công ty đã thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động từ tháng 6/2019 nhưng khi người lao động nghỉ việc, trên hệ thống bảo hiểm xã hội ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động từ tháng 7/2019. Theo đó, để không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chậm đóng hoặc không đóng bảo hiểm xã hội thì công ty bạn phải chứng minh được về việc đã đóng tiền bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội (Chứng minh thông qua tờ khai báo tăng bảo hiểm xã hội, biên lai nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội,...)

 

Thứ hai, lãi suất chậm đóng bảo hiểm:

 

Trong trường hợp có căn cứ để xác định công ty chậm đóng bảo hiểm thì khi thực hiện truy thu bảo hiểm xã hội, công ty bạn sẽ phải đóng thêm số tiền lãi tính trên số tiền bảo hiểm mà công ty phải nộp theo quy định tại Điều 37 Quyết định 595/QĐ-BHXH:

 

“Điều 37. Tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN

 

1. Đơn vị chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN chưa đóng.

 

2. Phương thức tính lãi: ngày đầu hằng tháng.

 

3. Công thức tính lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN:

 

Lcđi = Pcđi x k (đồng)            (1)

 

Trong đó:

 

* Lcđi: tiền lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN tính tại tháng i (đồng).

 

* Pcđi: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN chậm đóng quá thời hạn phải tính lãi tại tháng i (đồng), được xác định như sau:

 

Pcđi = Plki - Spsi (đồng)              (2)

 

Trong đó:

 

Plki: tổng số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng lũy kế đến hết tháng trước liền kề tháng tính lãi i (không bao gồm số tiền lãi chậm đóng, lãi truy thu các kỳ trước còn nợ nếu có).

 

Spsi: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh chưa quá hạn phải nộp, xác định như sau:

 

+ Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức hằng tháng: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh bằng số tiền phát sinh của tháng trước liền kề tháng tính lãi;

 

+ Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức 03 tháng, 06 tháng một lần: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh bằng tổng số tiền phải đóng phát sinh của các tháng trước liền kề tháng tính lãi chưa đến hạn phải đóng.

 

* k: lãi suất tính lãi chậm đóng tại thời điểm tính lãi (%), xác định như sau:

 

- Đối với BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ, BNN, k tính bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân năm trước liền kề theo tháng do BHXH Việt Nam công bố.

 

- Đối với BHYT, k tính bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng tính theo tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng nhà nước Việt Nam của năm trước liền kề. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.”

 

Thứ ba, liên quan đến vấn đề thanh tra, kiểm tra của cơ quan bảo hiểm xã hội:

 

Điều 93 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về Cơ quan bảo hiểm xã hội như sau:

 

1. Cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước có chức năng thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này.

 

2. Chính phủ quy định cụ thể tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan bảo hiểm xã hội.”

 

Từ quy định nêu trên, có thể thấy cơ quan bảo hiểm xã hội có thể thực hiện thanh tra việc đóng bảo hiểm của công ty. Tuy nhiên, pháp luật không có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện thanh tra mà việc thanh tra đó có thể thực hiện đột xuất, thực hiện theo định kỳ, thực hiện khi trực tiếp phát hiện hành vi sai phạm, thực hiện theo tin báo hành vi sai phạm hoặc thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo