LS Hồng Nhung

NSDLĐ vi phạm quy định về BHXH, giữ tiền thai sản của NLĐ

Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và mức đóng BHXH bắt buộc. Nếu NSDLĐ đóng BHXH không đúng mức đóng thì phải làm như thế nào? NSDLĐ có thể giữ tiền thai sản của NLĐ hay không? Trường hợp NSDLĐ giữ tiền thai sản của NLĐ thì NLĐ cần phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình? NLĐ có thể khởi kiện trực tiếp ra Tòa án hay không? Thủ tục khởi kiện bao gồm những giấy tờ gì? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

Nội dung tư vấn: Luật sư giúp em đưa ra lý lẽ để em có thể ngồi nói chuyện trực tiếp với người ta để em lấy được tiền thai sản (công ty cố tình ko trả tiền cho em). Tiền thai sản của em về tháng 11/2017 nhưng đến nay công ty vẫn không trả cho em và đổ lỗi  taị em, luật sư cho em lời khuyên.

Hiện tại em đã nghỉ ở công ty đó được 1 năm rồi. Em đóng bảo hiểm từ tháng 11/2016 đến tháng 5/2017, tháng 7/2017 em sinh bé Nghĩa là em đóng được 7 tháng thì sinh.

Theo luật lao động em được hưởng tiền thai sản đúng không ạ? Vì em thực tế có đi làm tại công ty đó, có bảng lương có ký hợp đồng lao động, (riêng hợp đồng lao động thì ở công ty lưu thôi còn em làm mất rồi), trong HĐLĐ có ghi trích đóng BHXH theo luật lao động nhưng công ty không trích đóng. Em làm việc ở đó được gần 4 năm, 1 năm sau khi vào làm thì được đóng bảo hiểm nhưng công ty không làm đúng hợp đồng mà chỉ hỗ trợ phần ít còn lại mình phải chịu nên em không đóng và công ty không bắt buộc đóng, sau khi biết mình có thai em mới đóng bảo hiểm được 7 tháng thì sinh. Và giờ công ty đổ lỗi cho em là do em ko đóng bảo hiểm những năm trước đó nên bị thanh tra, và lỗi này của em, nên công ty k trả tiền. Theo em được biết, đúng luật công ty phải trích đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, chứ nhiều khi người lao động cũng chưa hiểu hết được. Mà công ty có bộ phân chuyên môn phải làm công việc đó cho người lao động có đúng không ạ?

Cho em xin lời khuyên để em có thể nói lại được người ta và cần thiết khi em muốn kiện thì thủ tục như thế nào? Kiện ở đâu được? Vì em không còn giữ hợp đồng lao động.

Em cám ơn rất nhiều!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của pháp luật BHXH hiện hành, điều kiện để được hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điều 31 Luật BHXH 2014 như sau:

 

“1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Lao động nữ mang thai;

 

b) Lao động nữ sinh con;

...

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

...”

Căn cứ theo quy định này, nếu bạn đóng đủ BHXH 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thì bạn sẽ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Và theo quy định của pháp luật, đây là quyền lợi của người lao động. Do vậy, nếu cơ quan BHXH đã giải quyết chế độ thai sản cho bạn nhưng công ty vẫn giữ lại tiền BHXH mà không trả cho bạn là không phù hợp với quy định của pháp luật. Do đó để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể khiếu nại hành vi của công ty. Và theo nguyên tắc của khiếu nại thì đơn khiếu nại ban đầu được gửi đến công ty để công ty tự xem xét, sửa chữa hành vi sai phạm của mình; hoặc khiếu nại trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi công ty đang tham gia bảo hiểm theo Khoản 1 Điều 118 Luật BHXH 2014:

 

“1. Người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và những người khác có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”

 

Nếu đơn khiếu nại của bạn không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, bạn có thể khởi kiện trực tiếp ra Tòa án theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động:

 

“1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

...

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

...”

Nếu bạn lựa chọn phương án giải quyết tranh chấp là khởi kiện ra Tòa án thì bạn cần phải chuẩn bị đơn khởi kiện và các bằng chứng chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình là đúng đắn như: bản sao sổ bảo hiểm xã hội, quyết định của cơ quan bảo hiểm về việc thanh toán chế độ thai sản cho bạn, chứng cứ có thể nghe được, nhìn thấy được về việc công ty không trả tiền thai sản cho bạn... Đơn khởi kiện của bạn sẽ được nộp tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi công ty có trụ sở theo quy định tại Điều 32, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

 

Đồng thời, hành vi của công ty khi không đóng BHXH cho bạn theo đúng quy định của pháp luật và cho rằng bạn có lỗi trong trường hợp công ty bị thanh tra lại thời gian tham gia BHXH cho người lao động sẽ được xác định như sau:

 

Thời điểm bạn tham gia quan hệ lao động và đóng bảo hiểm xã hội là năm 2016, do đó, sẽ áp dụng Quyết định 959/QĐ-BHXH để xác định trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và mức đóng BHXH.

 

Căn cứ Khoản 1 Điều 4 Quyết định 959/QĐ-BHXH:

 

“Điều 4. Đối tượng tham gia

 

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

 

1.1. Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

 

1.2. Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ 01/01/2018);”

 

Vậy, nếu tham gia quan hệ lao động có hợp đồng lao động là một trong các loại hợp đồng thuộc điểm a Khoản 1 quy định nêu trên thì bạn thuộc đối tượng bắt buộc phải đóng BHXH. Theo đó, mức đóng và trách nhiệm đóng BHXH sẽ căn cứ theo quy định tại Điều 5 Quyết định 959/QĐ-BHXH như sau:

 

“1. Mức đóng và trách nhiệm đóng của người lao động

 

1.1. Người lao động quy định tại Điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5, Khoản 1 Điều 4, hằng tháng đóng bằng 8% mức liền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

...

2. Mức đóng và trách nhiệm đóng của đơn vị

 

2.1. Đơn vị hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động quy định tại các Điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5 Khoản 1 Điều 4 như sau:

 

a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;

 

b) 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

 

c) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

...”

Vậy, nếu công ty không thực hiện đúng trách nhiệm đóng BHXH cho người lao động theo quy định nêu trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 88/2015/NĐ-CP:

 

“Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

 

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp hoặc tham gia không đúng mức quy định.

 

2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

 

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

 

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

 

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

 

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

 

Nếu công ty không thực hiện đúng trách nhiệm của mình và có hành vi vi phạm về BHXH thì bạn có thể khiếu nại hành vi của công ty theo nguyên tắc khiếu nại đã nêu trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo