Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là bao nhiêu?

Câu hỏi: Chào A chị, Công ty em là công ty xây dựng, có ký hợp đồng với công nhân với mức lương ngày ( Làm ngày nào hưởng lương ngày ấy theo bảng chấm công công trường) vậy mức đóng BHXH bắt buộc với trường hợp này như thế nào ạ Trường hợp lao động không đủ ngày công, hoặc làm hạn chế thời gian( 10-15 ngày/tháng) với tổng thu nhập khoảng 2-3 triệu thì đóng như thế nào ạ Rất mong nhận được phản hồi của Anh chị Em cảm ơn!

Trả lời tư vấn:Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định:

 

"Điều 30. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

 

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được quy định như sau:

 

1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động (sau đây được viết là Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH).

Phụ cấp lương theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.

..."

 

Ngoài ra, Khoản 2 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định:

 

"Điều 6. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại Điều 89 Luật BHXHvà các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:

...

2. Tiền lương do đơn vị quyết định

...

2.6. Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Khoản này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng đối với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.

..."

 

Như vậy, mức tiền lương tham gia BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Do đó, cần xác định trụ sở công ty thuộc vùng nào để đối chiếu mức lương tối thiểu vùng tương ứng theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP.

 

----------------------

Câu hỏi thứ 2 - Thanh toán phụ cấp đi đường cho viên chức khi nghỉ hàng năm để thăm ba mẹ ốm?

 

Kính thưa Công ty Luật Minh Gia! Dạ con mới vào làm kế toán tại một trường học thì gặp trường hợp nghỉ phép năm thăm người thân. Vì mới vào con làm theo hồ sơ của chị kế toán trước và lỡ chuyển tiền cho cô Giáo viên A (trường con không thuộc diện vùng sâu, vùng xa, chỉ là trường công lập bình thường), nhưng sau khi xem lại thì thấy không hợp lý nên có nói chuyện với cô A nhưng cô A không chịu vì nói là đúng không sai, rồi mắng chửi lên, con không biết ai nên rất sợ. Nên con lấy hết can đảm xin hỏi công ty như sau: Bố của cô A vào viện ngày 3 tháng 2 năm 2017, ra viện ngày 13 tháng 02 năm 2017 ở Thanh Hóa nên cô đặt vé tháng 11/2016 rồi đi ra Thanh Hóa ngày 22/01/2017 rồi vé vào lại từ Thanh Hóa về nhà cô vào ngày 02/02/2017. Như vậy công ty cho con xin ý kiến là con đã sai hay cô A sai ạ. Xin cảm ơn công ty!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT thì thời gian nghỉ hè của giáo viên được thay cho nghỉ phép hằng năm là 02 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có). Căn cứ vào kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.

 

Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư 141/2011/TT-BTC quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập như sau:

 

- Được thanh toán tiền phương tiện đi lại; tiền phụ cấp đi đường khi đi nghỉ phép hàng năm.

 

- Thanh toán tiền lương hoặc tiền bồi dưỡng cho những ngày được nghỉ phép hàng năm theo pháp luật quy định nhưng chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hàng năm.

 

Đối với trường hợp của bạn thì viên chức nghỉ phép năm để thăm vợ hoặc chồng; con; cha, mẹ (cả bên chồng hoặc bên vợ) bị ốm đau thì sẽ được thanh toán tiền phương tiện đi lại; tiền phụ cấp đi đường khi đi nghỉ phép hàng năm.

 

Tại Điều 4 Thông tư 141/2011/TT-BTC quy định về chế độ thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền phụ cấp đi đường khi nghỉ phép hàng năm như sau:

 

a) Người đi nghỉ phép được thanh toán tiền phụ cấp đi đường (tương đương với mức phụ cấp lưu trú theo chế độ công tác phí hiện hành) và tiền phương tiện đi lại khi nghỉ phép năm.

 

b) Tiền phương tiện đi lại bao gồm: Tiền phương tiện vận tải (trừ phương tiện máy bay) của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật bao gồm: tiền phương tiện chiều đi và về từ nhà đến ga tàu, bến xe; vé tàu, xe vận chuyển đến nơi nghỉ phép và theo chiều ngược lại.

 

Mức thanh toán: Theo giá ghi trên vé, hoá đơn mua vé; giá vé không bao gồm các chi phí dịch vụ khác (Tham quan du lịch, các dịch vụ đặc biệt theo yêu cầu). Trường hợp cán bộ công chức đi nghỉ phép sử dụng phương tiện là máy bay khi có vé hợp pháp sẽ được thanh toán tối đa theo giá cước vận tải khách công cộng bằng phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy phù hợp với tuyến đường đi nghỉ phép.

 

Đối với những đoạn đường không có phương tiện vận tải của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật mà người đi nghỉ phép phải thuê phương tiện vận tải khác thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét quyết định cho thanh toán tiền thuê phương tiện mà người đi nghỉ phép đã thuê trên cơ sở hợp đồng thuê phương tiện hoặc giấy biên nhận thanh toán với chủ phương tiện theo số ki-lô-mét thực đi và đơn giá khoán được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.

 

Nếu người đi nghỉ phép năm tự túc bằng phương tiện cá nhân của mình thì được thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện theo số ki-lô-mét thực đi, tương ứng với mức giá vận tải phổ biến của loại phương tiện công cộng tại địa phương nhưng không vượt quá mức khoán tiền tự túc phương tiện khi đi công tác và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.

 

Trường hợp người đi nghỉ phép năm kết hợp giữa đi công tác và nghỉ phép thăm người thân thì chỉ thanh toán tiền phụ cấp đi đường và không được thanh toán tiền tàu xe đi phép do đã được thanh toán trong công tác phí.”.

 

Như vậy, viên chức khi nghỉ hàng năm để thăm bố mẹ ốm  sẽ được hưởng phụ cấp đi đường, tương đương với mức phụ cấp lưu trú theo chế độ công tác phí hiện hành là 200.000 đồng/ngày và tiền phương tiện đi lại. Do thông tin bạn cung cấp không rõ ràng nên bạn có thể căn cứ theo quy định trên và chi phí thực tế để thanh toán thanh toán tiền phương tiện đi lại, tiền phụ cấp đi đường cho viên chức khi nghỉ phép hàng năm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo