Hoàng Tuấn Anh

Đủ điều kiện nghỉ hưu năm 1990 nhưng vẫn làm thêm 5 năm được hưởng lương hưu thế nào

Luật sư tư vấn về trường hợp đủ điều kiện nghỉ hưu vào năm 1990 với mức hưởng tối đa tại thời điểm nghỉ hưu là 95% theo quy định tại Nghị định 236-HĐBT nhưng không nghỉ hưu mà tiếp tục làm việc thêm 5 năm đến năm 1995 mới nghỉ hưu thì áp dụng theo quy định nào để tính mức hưởng lương hưu hàng tháng.

Nội dung câu hỏi tư vấn: Kính gửi các anh chị văn phòng Luật Minh Gia, tôi có một số thắc mắc về chế độ hưu trí của bố tôi và mong được luật sư cho ý kiến. Bố tôi sinh ngày 30/12/1930. Là cán bộ 70 năm tuổi đảng, là cán bộ kháng chiến qua 2 thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, đã trải qua tù đày trong thời gian hoạt động cách mạng. Theo đúng qui định của nhà nước đến năm 1990 là bố tôi được nghỉ hưu. Nhưng vì lúc đó tỉnh thiếu cán bộ nên động viên bố tôi ở lại làm việc tiếp, đến 30/12/1995 thì bố tôi có quyết định về hưu. Lúc đó thời gian công tác của bố tôi được tính là 49 năm và mức lương hưu là 75%.Nhưng theo tôi được biết, những người bạn của bố tôi nghỉ hưu trước khi Nghị định 12/CP ban hành ngày 26/1/1995 được hưởng mức lương hưu là 95% (bao gồm chế độ hưu và các khoản phụ cấp cho cán bộ qua 2 thời kỳ kháng chiến). Vấn đề tôi muốn nói là việc kéo dài thời gian làm việc của bố tôi là do công tác tổ chức cán bộ của tỉnh, và khi về hưu tính như vậy thì thiệt thòi cho bố tôi, ông đã phải làm việc thêm gần 5 năm, lẽ ra ông đã được nghỉ từ năm 1990 và hưởng mức lương hưu 95%. Do vậy nên mấy chục năm qua bố tôi cảm thấy buồn bã vì cách đối xử của nhà nước với những cán bộ như ông. Nay ông đã gần đất xa trời nên tôi muốn tìm hiểu xem trường hợp của bố tôi có thể đề nghị nhà nước xem xét lại được không? Chế độ hưu trí mà bảo hiểm xã hội tỉnh tính cho bố tôi như vậy có đúng hay không? Tôi rất mong nhận được sự giúp đỡ của các anh chị, tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn trình bày thì bố của bạn đủ điều kiện nghỉ hưu vào năm 1990. Nếu nghỉ hưu vào thời điểm này, mức hưởng lương hưu sẽ được áp dụng theo quy định tại Nghị định 236/HĐBT của Hội đồng bộ trưởng ngày 18/09/1985. Cụ thể, Điều 3 Nghị đình này quy định: Lương hưu hàng tháng đối với nam có đủ 30 năm công tác, đối với nữ có đủ 25 năm công tác, được tính bằng 75% lương chính và phụ cấp thâm niên (nếu có); ngoài ra thêm mỗi năm công tác được thêm 1%, tối đa không quá 95% lương chính và phụ cấp thâm niên.

 
Tuy nhiên, tại thời điểm năm 1990, bố bạn không nghỉ hưu mà tiếp tục làm việc thêm 5 năm do tỉnh thiếu cán bộ và được động viên ở lại làm việc.
 
Đến năm 1995, bố của bạn nghỉ hưởng chế độ hưu trí, nhưng tại thời điểm nghỉ hưu thì Nghị định 236/HĐBT đã không còn phù hợp để tính lương hưu mà sẽ áp dụng Nghị định số 12/CP của Chính Phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/1995 quy định về Điều lệ bảo hiểm xã hội.

 

Điều 27 Nghị định 12/CP quy định về cách lương hưu như sau:

 

" Lương hưu hàng tháng tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm tính bằng 45% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội tính thêm 2% Mức lương hưu hàng tháng tối đa bằng 75% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

b) Đối với người lao động hưởng chế độ hưu trí hàng tháng với mức lương hưu thấp hơn theo quy định tại Điều 26 thì cách tính lương hưu như quy định tại điểm a Điều này, nhưng cứ mỗi năm nghỉ việc hưởng lương hưu trước tuổi so với quy định tại khoản 1, 2 Điều 25 Điều lệ này thì giảm đi 2% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Mức lương hưu thấp nhất cũng bằng mức tiền lương tối thiểu.

2/ Ngoài lương hưu hàng tháng, đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 30 năm khi nghỉ hưu được trợ cấp một lần theo cách tính như sau: từ năm thứ 31 trở lên mỗi năm (12 tháng) đóng bảo hiểm xã hội được nhận bằng một nửa tháng mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, nhưng tối đa không quá 5 tháng.

3/ Người lao động hưởng lương hưu hàng tháng, được bảo hiểm y tế do quy bảo hiểm xã hội trả.

4/ Người lao động hưởng lương hưu hàng tháng khi chết, gia đình được hưởng chế độ tử tuất quy định tại mục V Điều lệ này."

 

Điều 51 Nghị định 12/CP quy định: Điều lệ này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1995. Những quy định trước đây về bảo hiểm xã hội trái với Điều lệ này đều bãi bỏ. 

 

Điều lưu ý là tại Điều 52 Nghị định 12/CP chỉ quy định đối với những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc tiền tuất hàng tháng trước ngày thi hành Điều lệ này thì vẫn hưởng các chế độ theo quy định trước đây và được điều chỉnh mức hưởng theo quy định của Chính phủ. Nghị định 12/CP không có quy định nào về việc áp dụng Nghị định 236/HĐBT cho những đối tượng đủ điều kiện nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 nhưng chưa nghỉ. 

 

Như vậy, bố của bạn nghỉ hưu vào năm 1995, do vậy các chế độ về hưu trí sẽ được tính theo quy định tại thời điểm nghỉ hưu, tức là tính theo quy định của Nghị định số 12CP.đã được hưởng mức lương hưu tối đa theo quy định tại điều trên, bảo hiểm xã hội đã tính đúng cho bố của bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo