Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Trách nhiệm cấp dưỡng cho con của người chết do tai nạn giao thông quy thế nào?

Chào luật Sư. Xin luật sư tư vấn trường hợp của anh A về cấp dưỡng cho người thân của bị hại bị tai nạn giao thông. 1/ Anh A bị xe khách X tông ngang xe, làm anh A chết. Trong trường của anh A thì khởi kiện như thế nào? 2/ Luật sư tư vấn giúp các luật để đòi lại công bằng cho anh A, hiện nay anh A có 4 người con đang tuổi đi học. (cháu lớn nhất 15 tuổi) Vợ anh thất nghiêp ở nhà.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ tại Điều 260 như sau:

 

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

 

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

 

a) Làm chết người;

 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

 

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

 

Theo đó, người có hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt: phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Ngoài ra, người này còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 591 - Bộ luật Dân sự 2015:

 

Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

 

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

 

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định

 

Như vậy, trong các khoản bồi thường của người có lỗi dẫn đến hậu quả chết người bao gồm cả tiền cấp dưỡng cho những người mà người chết có nghĩa vụ cấp dưỡng. Do bốn người con của anh trai bạn đều chưa đến tuổi thành niên nên đều thuộc trường hợp mà anh trai bạn (bố các cháu) có nghĩa vụ cấp dưỡng. Theo đó, người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm cấp dưỡng cho bốn cháu này tương ứng với phần nghĩa vụ mà khi còn sống bố cháu phải thực hiện. Mức cấp dưỡng này được xác định dựa trên các yếu tố như: hoàn cảnh sống của người bị thiệt hại, thu nhập của người gây thiệt hại, nhu cầu đời sống của những đối tượng phải cấp dưỡng,... Các bên có thể thỏa thuận nhận tiền cấp dưỡng theo tháng hoặc một lần.

 

Thông tin anh cung cấp chưa đủ để chúng tôi xác định người có lỗi trong hành vi gây thiệt hại tính mạng cho anh trai bạn là ai, là tài xế xe khách, tài xế xe tải hay cả hai người này cũng có lỗi vi phạm hỗn hợp, nên chưa thể xác định chắc chắn trách nhiệm bồi thường thuộc về ai. Gia đình cần làm việc lại với những người có liên quan trong vụ án hoặc đợi kết luận của cơ quan điều tra để làm cơ sở đòi bồi thường thiệt hại. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo