Triệu Lan Thảo

Tai nạn giao thông mà không có lỗi có phải bồi thường không?

Luật sư tư vấn trường hợp điều khiển xe máy, có người lao ra và đâm vào thì có phải bồi thường cho người đó theo quy định của pháp luật hiện hành không?

Nội dung tư vấn: Chào Luật Minh Gia,Tôi xin được tư vấn về trường hợp va chạm giao thông như sau:Tôi điều khiển xe máy trên đường thẳng đến ngã ba thì có một người điều khiển xe máy với tốc độ cao lao ra nhìn thấy tôi nhưng do người đó thắng gấp & đường ướt do trời mưa nên đã quăng xe & ngã xuống đường, lúc này xe tôi đang đi tới & va chạm với người đó. Lúc đó không có người chứng kiến. Sau đó người đó bị thương nặng đã đc cấp cứu & đang điều trị nội trú.Bên CSGT đã có nhận định ban đầu là người đó chuyển hướng là nguyên nhân chính gây ra va chạm giao thông nhưng chưa tiến hành giải quyết do sức khỏe người đó còn yếu. Vậy tôi muốn hỏi là trong trường hợp này có khả năng tôi phải bồi thường cho người đó hay không, nếu có thì hình thức % tỉ lệ bồi thường là như thế nào.Tôi muốn hỏi thêm là người đó có tham gia BHYT vậy có được BHYT chi trả viện phí hay không (chi phí mổ, giường nằm, thuốc). Nếu người đó điều trị dài hạn có giấy chứng nhận nghỉ chế độ BHXH thì được hưởng bao nhiêu % lương. Xin cảm ơn. Best regards

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về trách nhiệm bồi thường:  Trường hợp của bạn căn cứ theo Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

 

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

 

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

 

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

 

Điều 587. Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra

Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

 

Do đó, để phát sinh trách nhiệm bồi thường cần có đầy đủ 4 yếu tố:

 

+ Có thiệt hại thực tế xảy ra.

 

+ Có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại.

 

+ Có lỗi của người có hành vi. Trừ trường hợp gây ô nhiễm môi trường hoặc lỗi do nguồn nguy hiểm cao độ (xe máy, ô tô bị mất phanh, hỏng hóc gây tai nạn....) thì chủ phương tiện không có lỗi vẫn phải bồi thường.

 

+ Có mỗi quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và hậu quả xảy ra.

 

Như vậy, trong trường hợp của anh, nếu anh có căn cứ chứng minh được anh đi đúng làn đường, tuân thủ đúng quy định pháp luật về giao thông, không có lỗi trong việc gây tai nạn, tai nạn xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị hại thì anh không phải bồi thường. Trường hợp theo kết luận của cơ quan điều tra xác định lỗi trong vụ tai nạn giao thông là lỗi hỗn hợp (cả hai bên đều có lỗi) thì trách nhiệm bồi thường sẽ tương ứng với mức độ lỗi của từng người. Theo đó, mức bồi thường được quy định như sau:

 

Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

 

1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

 

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

 

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

 

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

 

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

 

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

 

Thứ hai, về việc chi trả bảo hiểm y tế:

 

Căn cứ khoản 2 Điều 20 Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn bảo hiểm y tế:

 

“2. Đối với người tham gia BHYT bị tai nạn giao thông:

 

a) Các trường hợp vào viện điều trị trước ngày 01/01/2015 nhưng ra viện kể từ ngày 01/01/2015 và trường hợp bị tai nạn giao thông vào viện điều trị kể từ ngày 01/01/2015 được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi mức hưởng theo chế độ quy định;

 

b) Trường hợp bị tai nạn giao thông là do hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của người đó gây ra, đã được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ quy định và ra viện trước ngày 01/01/2015 thì không phải hoàn trả các khoản chi này cho quỹ BHYT“.

 

Như vậy, trường hợp bị tai nạn giao thông vào viện điều trị kể từ ngày 01/01/2015 được bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi mức hưởng theo chế độ quy định.

 

Hơn nữa, căn cứ theo quy định tại Điều 11 thông tư 40/20115/YY-BYT quy định các trường hợp được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế:

 

“Điều 11. Các trường hợp được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

4. Trường hợp cấp cứu:

 

a) Người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào. Bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án.

 

b) Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã tiếp nhận cấp cứu người bệnh hoặc được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu sau khi đã điều trị ổn định.

…”

 

Do đó, trường hợp cấp cứu được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh và trường hợp này mức quyền lợi cao nhất lợi cao nhất của người đó là 80% chi phí khám, chữa bệnh đối với những thuốc và dịch vụ nằm trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả theo Điểm đ khoản 1 Điều 22 Luật y tế sửa đổi năm 2014).

 

Thứ ba, về việc hưởng lương:

 

Căn cứ theo Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau:

 

“Điều 25. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

 

1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

…”

 

Do đó, người đó cần có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Về mức hưởng:

 

“Điều 28. Mức hưởng chế độ ốm đau

 

1. Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

 

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.”

 

Theo đó, mức hưởng cho mỗi ngày nghỉ ốm của người đó  được tính bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của một ngày trong tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

 

Về thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau được quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

 

“1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

 

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

 

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.”

 

Vì bạn không nói rõ thời gian người đó đóng bảo hiểm là bao lâu nên không xác định được số ngày nghỉ tối đa mà người đó được nghỉ là bao nhiêu. Để được hưởng chế độ ốm đau thì người đó nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho người sử dụng lao động để người sử dụng lao động thực hiện các thủ tục và chi trả chế độ ốm đau cho người đó.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo