Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người lao động
Nội dung câu hỏi
Tôi nhân viên sale ngành gas. Đặc thù ngành gas, ngoài việc quản lý công nợ tiền hàng còn phải quản lý vỏ bình gas khách hàng nợ (việc giao gas cho mượn và thu hồi vỏ cho mượn do bộ phận khác quản lý). Tôi chỉ thực hiện quản lý con số trên phần mềm, và giao dịch với khách hàng.Trước đó tôi tiếp nhận công việc từ người khác (không ký nhận số lượng vỏ bàn giao của người trước, và không biết được thực tế khách hàng nợ bao nhiêu vỏ).Tôi đang dự định nghỉ công việc này. Và tôi phát hiện con số ghi nhận sự chênh lệch quá lớn lượng vỏ ghi nợ của công ty với lượng vỏ bình khách hàng nợ, giá trị hơn 100 triệu đồng tương đương 1 năm thu nhập của tôi.Và tôi đang nắm giữ chứng cớ, buộc bộ phận kho phải trả về cho công ty 38 vỏ bình 45 kg (tương đương gần 20 triệu đồng) và 18 vỏ bình loại 12 kg (tương đương 3 triệu đồng), do nhân viên kế toán nhập sai số liệu (khách hàng trả vỏ cho công ty mà không trừ công nợ). Đó là số liệu ghi nhận, đối chiếu lại từ lúc tôi tiếp quản công việc, mà tôi yêu cầu đc kiểm tra lại. Vậy luật sư cho hỏi lỗi này là "lỗi cả hệ thống quản lý của công ty" và tôi sẽ chịu trách nhiệm bao nhiều phần trăm? Trân Trọng!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Điều 130 Bộ luật lao động về vấn đề trách nhiệm vật chất, bồi thường thiệt hại của người lao động quy định như sau:
“1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc, thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường”
Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ giá trị tài sản đó. Tuy nhiên, việc buộc người lao động bồi thường thiệt hại phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục mà bộ luật lao động quy định. Theo đó, Điều 31 Bộ luật lao động quy định về nguyên tắc và trình tự, thủ tục xử lý bồi thường thiệt hại của người lao động quy định:
“1. Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.
2. Trình tự, thủ tục, thời hiệu xử lý việc bồi thường thiệt hại được áp dụng theo quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này.”
Theo đó, để có thể yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại thì “Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;” thì mới có thể xem xét buộc bồi thường thiệt hại đối với anh. Nếu công ty chứng minh được việc làm mất mát vỏ bình ga và các tài sản khác của công ty là do lỗi của bạn thì bạn sẽ phải bồi thường tài sản cho công ty.
Về mức bồi thường, nếu công ty đã chứng minh được anh có lỗi trong việc làm mất mát tài sản của công ty, công ty sẽ phải thực hiện thủ tục quy định tại điều 123 để xem xét việc bồi thường và mức bồi thường thiệt hại tài sản. Việc xem xét và quyết định mức bồi thường sẽ phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh gia đình bạn.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất