Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy chế tập sự hành nghề luật sư

Tập sự là nhằm rèn luyện, nắm bắt được những điểm cơ bản về kỹ năng hành nghề luật sư, về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư trong quá trình hành nghề

ĐOÀN LUẬT SƯ

TP. HÀ NỘI

**********

Số 585/ ĐLS QĐ

 

          CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

         Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

         ************

Hà Nội, ngày18 tháng 11 năm 2008

 

QUY CHẾ TẬP SỰ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ (Mẫu)

(Tạm thời)

-         Căn cứ Điều 14, Điều 61 Luật luật sư;

-         Xét đề nghị của Trưởng Ban học tập, bồi dưỡng;

QUY CHẾ TẬP SỰ HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH  PHỐ HÀ NỘI ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ SAU:

Điều 1: Mục đích, yêu cầu việc tập sự hành nghề luật sư (dưới đây gọi tắt là tập sự):

Tập sự là nhằm rèn luyện, nắm bắt được những điểm cơ bản về kỹ năng hành nghề luật sư, về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư trong quá trình hành nghề; tránh những việc bị nghiêm cấm quy định tại Điều 9 Luật luật sư; đạt được yêu cầu kiểm tra khi hết thời hạn tập sự.

Điều 2: Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn luật sư trong việc giám sát tập sự hành nghề luật sư:

2.1. Tiếp nhận, đăng ký, giám sát quá trình hoạt động của người tập sự;

2.2. Tổ chức bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng hành nghề về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp luật sư cho người tập sự;

2.3. Lập hồ sơ để người tập sự được dự các kỳ kiểm tra do Bộ Tư pháp tổ chức

2.4. Làm các thủ tục đề nghị Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho người đạt yêu cầu;

2.5. Được thu phí Đăng ký của người tập sự để lập hồ sơ, làm thủ tục cần thiết;

2.6. Trường hợp từ chối tiếp nhận tập sự, từ chối lập hồ sơ, làm thủ tục cho người tập sự phải có văn bản nêu rõ lý do theo quy định chung.

Điều 3: Nhiệm vụ, quyền hạnh của tổ chức hành nghề luật sư:

3.1. Tổ chức hành nghề luật sư có quyền tiếp nhận người tập sự do họ tự liên hệ hoặc do Ban chủ nhiệm giới thiệu về;

3.2. Phân công luật sư có kinh nghiệm, làm nhiệm vụ hướng dẫn cho người tập sự;

3.3. Theo dõi, giám sát quá trình tập sự nhằm đạt được mục đích, yêu cầu tại Điều 1 của Quy chế này.

3.4. Kiểm tra và xác nhận sự đánh giá kết quả tập sự của luật sư hướng dẫn để gửi về Đoàn;

3.5. Phí tập sự do tổ chức hành nghề và người tập sự thoả thuận.

Điều 4: Nhiệm vụ, quyền hạn của luật sư hướng dẫn:

4.1. Luật sư có trách nhiệm hướng dẫn người tập sự theo phân công của luật sư trưởng tổ chức hành nghề;

4.2. Luật sư hướng dẫn tận tình truyền đạt những quy định cơ bản về kỹ năng hành nghề và kinh nghiệm ứng xử nghề nghiệp trong các lĩnh vực hành nghề cho người tập sự;

4.3. Tạo điều kiện thuận lợi cho người tập sự tiếp cận với hồ sơ vụ án, với khách hàng (nếu được);

4.4. Nhắc nhở người tập sự khi vi phạm Quy chế tập sự, vi phạm những quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp. Trường hợp người tập sự không tiếp thu ý kiến của luật sư hướng dẫn, luật sư hướng dẫn được quyền từ chối hướng dẫn. Trường hợp người tập sự vi phạm nghiêm trọng, luật sư hướng dẫn báo cáo bằng văn bản lên Ban chủ nhiệm xem xét giải quyết.

Điều 5: Nhiệm vụ, quyền hạn của người tập sự:

5.1. Người có đủ điều kiện tập sự hành nghề luật sư được liên hệ trực tiếp với một tổ chức hành nghề để tập sự. Trường hợp không tự mình liên hệ được thì nhờ Ban chủ nhiệm Đoàn tạo điều kiện giúp đỡ để được tập sự;

5.2. Thời gian tập sự là 18 tháng kể từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư (khoản 1, Điều 14 Luật luật sư);

5.3. Người tập sự không được tự giới thiệu mình là luật sư, không được trực tiếp nhận thực hiện dịch vụ pháp lý cho khách hàng;

5.4. Người tập sự được luật sư hướng dẫn, tổ chức hành nghề luật sư đánh giá, xác nhận kết quả tập sự để làm thủ tục dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư;

5.5. Người tập sự ngoài việc thoả thuận với tổ chức hành nghề về phí tập sự, còn phải nộp phí đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư là 300.000 đồng/người. Khi dự các lớp học bồi dưỡng phải nộp phí học tập theo quy định;

5.6. Người tập sự được phản ánh và đề nghị Ban chủ nhiệm giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình tập sự với luật sư hướng dẫn, với tổ chức hành nghề luật sư . Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của Ban chủ nhiệm, người tập sự có quyền khiếu nại lên Liên đoàn luật sư Việt Nam;

5.7. Người tập sự có thể bị xoá tên, bị đình chỉ dự kiểm tra khi có một trong các trường hợp sau:

a. Tự nguyện không tập sự, không dự kiểm tra;

b. Qua hai lần kiểm tra không đạt yêu cầu;

c. Bị khiếu nại, tố cáo mà nội dung có liên quan đến đạo đức nghề nghiệp luật sư. Sau khi xác minh, việc khiếu nại tố cáo đó là có căn cứ;

d. Bị khởi tố hình sự, tạm đình chỉ để chờ có kết luận điều tra.

Điều 6: Trình tự đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư:

6.1. Người có đủ điều kiện tập sự hành nghề luật sư xuất trình giấy chứng nhận đào tạo  hoặc giấy chứng nhận giảm thời gian tập sự với một tổ chức để được tiếp nhận tập sự.

6.2. Xuất trình quyết định tiếp nhận tập sự của tổ chức hành nghề luật sư với Đoàn luật sư để đăng ký tập sự.

6.3. Khi đăng ký tập sự phải có các giấy tờ sau:

- Bản sao Chứng nhận đào tạo hoặc chứng nhận được giảm thời gian tập sự;

- Bản sao Bằng cử nhân luật;

- Quyết định tiếp nhận người tập sự của tổ chức hành nghề luật sư;

- Sơ yếu lý lịch tự thuật (có xác nhận của địa phương);

- Biên lai đã nộp phí đăng ký tập sự.

6.4. Đoàn luật sư cấp cho người tập sự một bản quy chế tập sự và Quyết định công nhận đã đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư. Nội dung Quyết định ghi rõ thời gian tập sự từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào;

6.5. Căn cứ vào danh sách đăng ký tập sự, Đoàn luật sư có trách nhiệm thông báo cho người tập sự biết mọi sinh hoạt, học tập, kiểm tra liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người tập sự;

Bản Quy chế tạm thời này đã được Ban chủ nhiệm thảo luận, thông qua và có hiệu lực kể từ ngày  ký cho đến khi có quy chế mới.

 

Nơi nhận:

-   Vụ Bổ trợ tư pháp (để b/c);

-   Sở Tư pháp (để biết);

-   Các thành viên BCN (để biết);

-   Các tổ chức hành nghề luật sư;

-   Lưu VP.

TM. BAN CHỦ NHIỆM

CHỦ NHIỆM

  

(Đã ký)

 

   

Luật sư Nguyễn Trọng Tỵ

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo