Luật sư Vũ Đức Thịnh

Thủ tục thay đổi họ tên đệm trong giấy khai sinh

Không phải trong trường hợp nào, cá nhân cũng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi tên của mình, việc thay đổi hộ tịch đó cần phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp cá nhân không thích tên gọi của mình thì có thể thực hiện thủ tục thay đổi tên trên giấy khai sinh hay không? Luật Minh Gia xin được tư vấn qua một số câu hỏi dưới đây

1. Thủ tục thay đổi họ tên cho người trên 18 tuổi thế nào?

Câu hỏi:

Kính thưa luật sư, tôi năm nay 22 tuổi, tôi muốn thay đổi tên của tôi vì tên tôi giống con gái, không biết tôi trình bày lý do như vậy có thỏa đáng hay không: “Tôi là con trai nhưng có vấn đề về mặt tâm lý giới tính (hay nói cách khác là tôi đồng tính). Điều này đã làm tôi vô cùng mặc cảm với bản thân và xã hội, khiến tôi luôn có cảm giác bị kỳ thị, xa lánh. Đã vậy, việc sử dụng tên của tôi giống con gái khiến tôi rất mặc cảm, rụt rè, lo ngại khi bước ra xã hội làm việc, học tập; khiến tôi hay bị người khác trêu chọc gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, tình cảm của tôi; khiến tôi gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống như giao tiếp, công việc, học tập,…”. Cơ quan có thẩm quyền nào có thể thay đổi tên giúp tôi? Rất mong nhận được sự trả lời từ luật sư.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

- Quyền thay đổi tên của cá nhân theo quy định của pháp luật

Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 về Quyền thay đổi tên như sau:

Điều 28. Quyền thay đổi tên

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

...

Do đó, căn cứ các quy định nêu, nếu như bạn chứng minh được trường hợp tên của bạn gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến danh dự, quyền, lợi ích của bạn, khiến bạn gặp bất tiện trong công việc, cuộc sống thì bạn có quyền được xem xét thay đổi tên của mình.

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi tên theo quy định

Thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch được quy định tại điều 27, khoản 3 điều 46 của Luật Hộ tịch năm 2014: 

''Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước.

 Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc.''

Như vậy, trường hợp của bạn thì bạn đã 22 tuổi, thuộc trường hợp là người đã thành niên thì bạn đến UBND cấp quận/ huyện nơi bạn đã được đăng ký khai sinh trước đây để tiến hành thay đổi tên của mình.

---

2. Thay đổi họ tên cần giấy tờ gì?

Câu hỏi:

Xin chào luật Minh Gia, tôi đang có ý muốn thay đổi tên đệm và tên của mình do cảm thấy không thoải mái với tên hiện tại. Lý do là vì tên này tôi bị bạn bè và người khác trêu trọc từ khi còn đi học đến khi đi làm, hơn nữa nó lại khá dài. Do đó tôi cảm thấy tâm lý rất không thoải mái và khó chịu với tên hiện tại, với lý do này có lẽ rất khó để được thay đổi đệm và tên nhưng tôi vẫn mong nhận được lời khuyên từ phía luật sư.

Nếu làm thủ tục thì cần những giấy tờ gì và nên lấy lý do gì để được thông qua dễ dàng? Trong trường hợp tôi được thay đổi tên, các giấy tờ như giấy khai sinh, tên trong sổ hộ khẩu, bằng cấp, giấy tờ các loại có sử dụng tên cũ thì có cần đến cơ quan có thẩm quyền để thay đổi tất cả hay không? Xin luật sư cho ý kiến về vấn đề này, tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn, đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Bạn có thể tham khảo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền thay đổi tên đã trích dẫn ở câu hỏi thứ nhất. Với trường hợp của bạn, nếu như bạn chứng minh được căn cứ bằng việc bạn xin xác nhận từ phía gia đình, bạn bè, đồng nghiệp  về việc sử dụng tên đệm và tên hiện nay khó đọc, khó nghe và gây cảm giác thiếu tự tin, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của bạn khi tham gia vào các quan hệ xã hội thì bạn có thể yêu cầu đổi tên đệm và tên.  

Hồ sơ thay đổi tên theo quy định:

- Tờ khai đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc theo mẫu;

- Bản chính Giấy khai sinh đã được cấp làm căn cứ thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch;

- Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch;

- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch.

Các giấy tờ có phải thay đổi khi thay đổi tên trong giấy khai sinh không?

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP năm 2015 quy định về Giá trị pháp lý của giấy khai sinh như sau:

1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

Như vậy, trong trường hợp bạn thay đổi được tên thì bạn phải thực hiện thủ tục điều chỉnh thông tin của các giấy tờ khác như: tên trong sổ hộ khẩu, bằng cấp và các giấy tờ khác sao cho đúng nội dung trong Giấy khai sinh mới để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo