Hoàng Thị Kim Lý

Thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động với Giám đốc công ty thế nào?

Luật sư tư vấn về thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động với Giám đốc công ty cổ phần. Ai là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động với Giám đốc? Nội dung hợp đồng lao động với Giám đốc có khác gì so với hợp đồng lao động với nhân viên không? Để tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này, bạn có thể tham khảo nội dung tư vấn dưới đây:

1. Tư vấn về thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động

Trong công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật, nhưng theo Luật Doanh nghiệp, Tổng Giám đốc là người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và có quyền tuyển dụng lao động. Vậy, ai là người trực tiếp ký kết hợp đồng lao động với Giám đốc công ty cổ phần? Ai là người trực tiếp ký kết hợp đồng lao động với người lao động? Nếu bạn chưa tìm hiểu quy định về vấn đề này, bạn hãy liên hệ tới Luật Minh Gia, luật sư sẽ tư vấn cho bạn những nội dung sau:

+ Thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động với nhân viên trong công ty cổ phần;

+ Thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động với Giám đốc công ty cổ phần;

+ Nội dung hợp đồng lao động ký kết với nhân viên;

+ Nội dung hợp đồng lao động ký kết với Giám đốc;

Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi yêu cầu cho chúng tôi, ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm tình huống mà Luật Minh Gia tư vấn dưới đây:

2. Thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động với Giám đốc công ty cổ phần

Câu hỏi:

Nếu muốn kí hợp đồng lao động cho giám đốc thì có giống như kí hợp đồng cho nhân viên không, người đại diện bên người sử dụng lao động thì phó giám đốc là người có cổ đông trong công ty kí được không? Quy định thế nào?

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, Công ty xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, việc kí kết hợp đồng lao động giữa giám đốc và vơi nhân viên khác trong công ty là khác nhau.

Về thẩm quyền ký kết:

Theo thông tin của bạn thì công ty của bạn hiện tại là công ty cổ phần. Đối với công ty cổ phần, căn cứ khoản 1 điều 157 Luật Doanh nghiệp 2014 "Hội đồng quản trị (HĐQT) bổ nhiệm một người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ".

Nếu Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (TGĐ) công ty được bổ nhiệm từ một trong thành viên của HĐQT công ty thì không cần ký hợp đồng lao động. Chỉ cần có quyết định bổ nhiệm của HĐQT.

Trường hợp thuê người lao động làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty thì phải kí hợp đồng lao động. Theo điểm i khoản 2 Điều 149 Luật doanh nghiệp 2014 thì HĐQT có nghĩa vụ: “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý quan trọng khác do Điều lệ công ty quy định…”.  Như vậy, hợp đồng lao động đối với Giám đốc hoặc TGĐ công ty là do HĐQT ký.

Đối với các nhân viên là người lao động khác trong công ty thì hợp đồng lao động là do người đại diện theo pháp luật của công ty  ký kết. Căn cứ Điều 14 Thông tư 30/2013/TT-BLĐTBXH Hướng dẫn thi hành một số điều của nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động thì  “Người sử dụng lao động có thẩm quyền ký kết hợp đồng lao động bao gồm: Người đại diện theo pháp luật quy định tại Điều lệ của doanh nghiệp hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền đối với doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp;…”.

Như vậy, việc kí kết của công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền. Người đại diện theo pháp luật của công ty là do Điều lệ công ty quyết định, có thể là chủ tịch HĐQT, Giám Đốc hoặc TGĐ… Như vây, về người kí kết hợp đồng lao động giữa Giám đốc hoặc TGĐ vơi nhân viên khác trong công ty là khác nhau.

Về nội dung:

Nội dung của hợp đồng lao động giữa các nhân viên khác và Giám đốc hoặc TGĐ cũng có sự khác biệt do tính đặc thù của công việc Giám đốc. Ngoài những nội dung cơ bản theo pháp luật của hợp đồng lao động thông thường thì hợp đồng với Giám đốc phải chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật hơn.

Thứ hai,  Phó giám đốc là cổ đông trong công ty có được kí kết không?

Như phân tích ở trên, hợp đồng lao động với Giám đốc là do Hội đồng quản trị kí kết. Phó giám đốc công ty không được  quyền kí kết.

----

3. Lao động thử việc nghỉ lễ tết có được hưởng nguyên lương?

Câu hỏi:

Xin chào Luật sư Luật sư cho tôi hỏi: Khi tôi phỏng vấn ở Công ty X, giữa tôi và Công ty thỏa thuận thử việc 1 tháng. Lương thử việc là 5.000.000đ. Lương chính thức là 6.000.000đ. Giữa tôi và Công ty không có ký kết hợp đồng lao động thử việc lẫn chính thức. Tôi vào làm ngày 27/3/2017 đến ngày 26/4/2017 Công ty X trả lương cho tôi đến ngày 29/4/2017 và nói tháng sau ngày 8 hằng tháng mới phát lương. Trong thời gian làm việc Công ty bắt tôi tăng ca mà không trả lương tăng ca cho tôi. Ngày 8/5/2017 tôi đột ngột bệnh nên xin nghỉ nửa buổi và ngày hôm sau. Do bệnh tình nên ngày 10/5/2017 tôi có báo trước với Công ty là tôi sẽ làm hết ngày 13/05/2017 sẽ thôi việc nhưng khi tôi làm hết đến ngày 12/05/2017 thì đêm 11g cùng ngày, Công ty nói tôi không cần đi làm. Đến chủ nhật tuần sau thì đến Công ty thanh toán lương do giám đốc đi công tác. Công ty nói do tôi chưa làm hết tháng 5 nên vẫn tính là thử việc với mức lương: (5.000.000/26)*8 ngày = 1.540.000đ. Tôi có hỏi tại sao 2 ngày lễ 30/4 và 1/5 Công ty không trả lương thì Công ty nói do chưa làm đủ 1 năm và chỉ mới là thử việc nên không tính.Trước khi nghỉ việc tôi cũng đã bàn giao các tài khoản lẫn mật khẩu cho người mới và có viết rõ ràng ra giấy dán gửi Công ty. Nay Công ty yêu cầu tôi gửi lại nhưng tôi đã gửi lại qua tin nhắn và có nói rõ người mới đã đăng nhập qua. Nay Công ty vu khống tôi xóa hết dữ liệu và không đưa mật khẩu. Công ty nói nếu vậy thì 2 tháng sau mới trả lương . Luật sư cho tôi hỏi Công ty làm vậy đúng hay sai? Nếu Công ty không trả lương thì tôi sẽ làm gì để đòi được lương? Xin luật sư hướng dẫn.  Xin cảm ơn.

Trả lời:

Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn trường hợp tương tự cụ thể sau đây: 

>> Hỏi về việc không trả lương ngày nghỉ lễ, tết cho người lao động?

Theo thông tin anh/chị cung cấp thì thời gian làm việc tại công ty từ 23/3/2017 - 13/5/2017. Theo Điều 27 Bộ luật lao động 2012:

"Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác".

Như vậy, đối với công việc có chức danh cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ thì thời gian thử việc tối đa là 30 ngày, đối với công việc cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên thì thời gian thử việc có thể không quá 60 ngày. Vì khi làm việc tại công ty, hai bên không ký kết hợp đồng thử việc hay hợp đồng lao động, nên rất khó để chứng minh việc thỏa thuận thời gian thử việc là 1 tháng hay 2 tháng. Trường hợp không chứng minh được thỏa thuận ban đầu chỉ là thử việc 1 tháng thì nếu như công việc của anh/chị cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên thì công ty có thể thử việc 2 tháng. Trường hợp này, anh/chị cần chứng minh được thỏa thuận ban đầu là thử việc 1 tháng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Về tiền lương trong ngày lễ 30/4 và 1/5, căn cứ theo quy định tại Điểm d, e Khoản 1 Điều 115 Bộ luật lao động 2012 thì:

"1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);"

Như vậy, dù đang trong thời gian thử việc, người lao động vẫn được nghỉ lễ, tết và được hưởng nguyên lương.

Ngoài ra, theo Khoản 2 Điều 47 Bộ luật lao động 2012: "Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày."

Trường hợp công ty không thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động thì anh/chị có thể khiếu nại lên Phòng lao động thương binh - xã hội hoặc khởi kiện ra Tòa án nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo