Cà Thị Phương

Tai nạn lao động khi không được đóng Bảo hiểm tai nạn lao đông thì có được bồi thường không?

Luật sư tư vấn vấn đề người lao động bị tại mà người sử dụng lao động không đóng BHXH thì người lao động có được bồi thường không? Nội dung tư vấn như sau:

Chào Luật sư, em trai tôi đang làm cán bộ kỹ thuật tại 1 công ty xây dựng trên địa bàn Hà Nội. Ngày 3/3/2019 có xảy ra tai nạn lao động trên công trường. Em trai tôi đã công tác ở công ty đó được hơn 6 tháng nhưng chưa được công ty đóng BHXH. Xảy ra sự cố BCH Công trường đưa đi cấp cứu và được chuẩn đoán bị chấn thương sọ não vỡ lún xương thái dương, tụ máu màng ngoài. BCH công trường giấu sự việc 1 tuần sau đó mà không thông báo lên công ty. Gia đình tôi 1 tuần sau đó đã lên công ty trình bày sự việc và mong muốn công ty đưa ra hướng giải quyết. Sau đó họ đã đến và đưa được cho gia đình chúng tôi 10.000.000 đ. Lần 1 là BCH công trường đưa đến ngày 6/3/2019: 5.000.000. Lần 2 là đại diện công ty đưa đến: 5.000.000. Từ đó đến nay công ty hoàn toàn chối bỏ trách nhiệm không giải quyết thêm được gì mặc dù gia đình đã nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu công ty đưa ra hướng giải quyết.Vậy xin hỏi Luật sư với những tình tiết như trên gia đình tôi phải làm gì để đòi lại quyền và lợi ích cho em trai tôi.Cám ơn Luật sư!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất về vấn đề Người sử dụng lao động không đóng BHXH cho người lao động.

 

Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014 thì người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

 

“ a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

 

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng;…”

 

Như vậy, theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội thì người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo thông tin anh cung cấp thì em trai anh đã làm việc tại công ty được 6 tháng, đã có quan hệ lao động. Do đó, em trai anh thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và công ty có trách nhiệm buộc phải tham gia BHXH cho em trai anh. Vì vậy, em trai anh có quyền yêu cầu Công ty đóng BHXH cho mình và truy thu những tháng trước đó mà em trai anh chưa được đóng.

 

Thứ hai về vấn đề trách nhiệm của Người sử dụng lao động khi không đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động mà người lao động bị tai nạn.

 

Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 có qui định về trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

 

“1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

 

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

 

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

 

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

 

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; 

 

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

 

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

 

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

 

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

 

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

 

6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

 

7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

 

8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

 

9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;

 

10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.”

 

Đồng thời, tại Khoản 4 Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi người lao động bị tai nạn lao động như sau:

 

4. Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 38 của Luật này, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động.”

 

Vì vậy, căn cứ vào các qui định trên, em trai của anh có quyền yêu cầu công ty chi trả và bồi thường trợ cấp theo đúng qui định của pháp luật. Trong trường hợp công ty vẫn cố tình không thực hiện thì em trai anh có thể gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để được hòa giải về vấn đề này. Nếu như không hòa giải thành thì em trai anh có thể gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền để xem xét giải quyết.

 

Trân trọng!

P. Tư vấn Lao động - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo