Cà Thị Phương

Người lao động phải làm gì khi bị ép nghỉ việc?

Công ty tôi đang làm là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, gần đây do giám đốc mới lên đã cho thuê đất của công ty cho các nhà đầu tư khác, vì thế đã ép nhân việc nghỉ việc. Luật sư cho tôi hỏi công ty làm như vậy có đúng không? Tôi phải làm gì đê đảm bảo quyền và lợi ích của mình?

 

Câu hỏi tư vấn: Chào luật sư! Tôi muốn hỏi hiện tại tôi đang làm cho một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Công ty chúng tôi được nhà nước đầu tư hoạt động trong lĩnh vực chính là đóng tàu và xây dựng, có một mảnh đất ở địa thế khá đẹp tuy nhiên thời gian gần đây có giám đốc mới lên. Ông ấy đã không tìm các công việc phù hợp với cơ sở vật chất đã được nhà nước đầu tư mà lại tìm cách cho thuê lại toàn bộ nhà xưởng và các phần đất bãi cho các công ty khai thác cát, sản xuất gỗ, thang máy, kho bãi..... Với một nguồn thu hàng tháng khác lớn vậy mà các lãnh đạo mới tìm đủ mọi cách để ép các nhân viên nghỉ việc. Xin hỏi luật sư, công ty tôi làm như vậy có đúng luật không, và nếu sai chúng tôi muốn khiếu nại thì khiếu nại với cơ quan nào. Xin nhờ luật sư giải đáp, chúng tôi là người lao động không hiểu biết nhiều nên nhờ luật sư tư vấn. ( hiện tại rất nhiều người lao động trong công ty tôi rất bức xúc vì lãnh đạo mới vừa không lo công ăn việc làm cho người lao động, lai muốn giảm số lượng người để lấy khoản tiền cho thuê lại đất của nhà nước chia cho một nhóm nhỏ người lợi ích trong công ty). Một lần nữa xin cảm ơn luật sư!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì Giám đốc công ty bạn đã cho thuê lại toàn bộ nhà xưởng và các phần đất bãi cho các công ty khai thác cát, sản xuất gỗ, thang máy, kho bãi.....và tìm mọi cách để ép nhận viên nghỉ việc. Bạn không nói rõ công ty ép bạn nghỉ việc bằng hình thức nào, nhưng nếu như bạn không muốn nghỉ việc thì có thể từ chối việc viết đơn xin nghỉ việc hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ. Khi đó, công ty chỉ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động 2012:


"1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:


a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;


b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.


Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;


c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;


d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này".


Hoặc chấm dứt HĐLĐ do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo quy định tại Điều 44 Bộ luật lao động 2012:

 

"1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.

 

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

 

2. Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này.

 

Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.

 

3. Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh".

 

Do đó, nếu công ty chấm dứt HĐLĐ với bạn mà không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đông lao động trái pháp luật. Khi đó, bạn có quyền yêu cầu Phòng lao động thương binh xã hội giải quyết hoặc khởi kiện ra Tòa án để đảm bảo quyền lợi của mình.

 

Bạn tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình! Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác Bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp.

 

Trân trọng!

Luật sư tư vấn lao động - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo