Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

Nghị định 88/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/2016/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2016

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ CHƯƠNG TRÌNH HƯU TRÍ BỔ SUNG TỰ NGUYỆN

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán ngày 24 tháng 11 năm 2010;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện thông qua việc hình thành quỹ hưu trí từ sự đóng góp tự nguyện của người tham gia quỹ và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản hưu trí cá nhân; việc quản lý, đầu tư, chi trả và giám sát quỹ hưu trí.

2. Nghị định này không điều chỉnh các hoạt động sau:

a) Hoạt động của các quỹ thuộc phạm vi quản lý của Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

b) Hoạt động cung cấp sản phẩm bảo hiểm hưu trí của các doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động và người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật lao động.

2. Cá nhân đủ 15 tuổi trở lên, không làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động.

3. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

4. Các tổ chức, cá nhân cung cấp các dịch vụ liên quan tới việc thiết lập, hoạt động, quản lý, giám sát quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện theo quy định tại Nghị định này.

5. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện.

Điều 3. Giải thích thuật ngữ

Trong Nghị định này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người tham gia quỹ là người lao động, cá nhân theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định này, có tài khoản hưu trí cá nhân tại quỹ hưu trí.

2. Chương trình hưu trí là tên viết tắt của chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung thu nhập cho người tham gia quỹ khi đến tuổi về hưu dưới hình thức tài khoản hưu trí cá nhân, được đầu tư và tích lũy theo quy định của pháp luật.

3. Quỹ hưu trí là tên viết tắt của quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, là quỹ tài chính để thực hiện chương trình hưu trí, được hình thành từ sự đóng góp của người tham gia quỹ và người sử dụng lao động.

4. Tài khoản hưu trí cá nhân là tài khoản được cấp cho người tham gia quỹ, được quản lý bởi các doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.

5. Tài sản quỹ hưu trí là tập hợp số dư của các tài khoản hưu trí cá nhân của người lao động tham gia cùng một chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, được hình thành từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động.

6. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí là doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.

7. Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh là tên rút gọn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện theo quy định tại Điều 37 Nghị định này.

8. Dịch vụ quản lý quỹ hưu trí là dịch vụ quản lý các tài khoản hưu trí cá nhân theo ủy quyền của người tham gia quỹ và người sử dụng lao động.

9. Tổ chức lưu ký là tổ chức được doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí lựa chọn để thực hiện lưu ký tài sản quỹ hưu trí theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.

10. Ngân hàng giám sát là tổ chức được doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí lựa chọn để thực hiện giám sát hoạt động quỹ hưu trí theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

11. Tuổi nghỉ hưu là độ tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại Bộ luật lao động.

Điều 4. Nguyên tắc của chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện

1. Việc tham gia chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện của người lao động và cá nhân, người sử dụng lao động (đóng góp cho người lao động) trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện.

2. Khoản đóng góp của người tham gia quỹ bao gồm cả khoản đóng góp của người sử dụng lao động (nếu có) được quản lý theo từng tài khoản hưu trí cá nhân.

3. Người tham gia quỹ có quyền sở hữu đối với tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định này. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí nhận ủy thác đầu tư tài sản quỹ hưu trí. Tài sản quỹ hưu trí phải được quản lý tách biệt với tài sản của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, tổ chức lưu ký, người sử dụng lao động và các tài sản quỹ hưu trí khác được quản lý bởi cùng một doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí.

4. Hoạt động quản lý quỹ hưu trí thực hiện theo nguyên tắc công khai và minh bạch.

5. Quỹ hưu trí phải đảm bảo đầu tư theo đúng quy định tại Nghị định này và điều lệ quỹ hưu trí.

6. Mức chi trả hưu trí được xác định trên cơ sở số dư tài khoản hưu trí cá nhân tại thời điểm chi trả theo quy định tại Điều 18 Nghị định này.

Điều 5. Chính sách của Nhà nước đối với chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện

1. Nhà nước khuyến khích phát triển chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện thông qua các chính sách ưu đãi quy định tại pháp luật về thuế.

2. Nhà nước quản lý, giám sát việc thực hiện chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, quản lý, giám sát hoạt động của quỹ hưu trí thông qua việc ban hành chính sách, chế độ đảm bảo quỹ hưu trí hoạt động công khai, minh bạch bảo vệ quyền và lợi ích của các đối tượng tham gia đóng góp quỹ.

3. Nhà nước không đảm bảo về kết quả đầu tư và mức chi trả của quỹ hưu trí.

Chương II

THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH HƯU TRÍ BỔ SUNG TỰ NGUYỆN, THIẾT LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ HƯU TRÍ

Mục 1. THAM GIA ĐÓNG GÓP CHƯƠNG TRÌNH HƯU TRÍ

Điều 6. Đối tượng tham gia đóng góp

1. Người sử dụng lao động đóng góp cho người lao động theo quy định của Bộ luật lao động.

2. Người lao động theo quy định của Bộ luật lao động.

3. Cá nhân đủ 15 tuổi trở lên, không làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động.

Điều 7. Phương thức tham gia đóng góp

1. Tham gia đóng góp chương trình hưu trí thông qua người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Người sử dụng lao động đóng góp vào quỹ hưu trí cho người lao động của doanh nghiệp mình trên cơ sở yêu cầu quản lý lao động và khả năng tài chính, không có sự đóng góp của người lao động;

b) Người sử dụng lao động và người lao động cùng đóng góp vào quỹ hưu trí theo văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

2. Tham gia đóng góp trực tiếp chương trình hưu trí, bao gồm:

a) Người lao động đóng góp hoàn toàn vào quỹ hưu trí, không có sự đóng góp của người sử dụng lao động;

b) Cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này đóng góp vào quỹ hưu trí.

Điều 8. Tham gia đóng góp thông qua người sử dụng lao động

1. Căn cứ vào yêu cầu quản lý lao động và khả năng tài chính, người sử dụng lao động có thể xây dựng chương trình hưu trí và thực hiện đóng góp vào quỹ hưu trí cho người lao động của doanh nghiệp mình theo phương thức quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này.

2. Quy trình tham gia đóng góp chương trình hưu trí thông qua người sử dụng lao động như sau:

a) Người sử dụng lao động thông báo cho người lao động về chương trình hưu trí.

b) Người sử dụng lao động ký thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Văn bản thỏa thuận về việc tham gia chương trình hưu trí bao gồm các nội dung cơ bản sau:

- Tên chương trình hưu trí người lao động lựa chọn tham gia;

- Nội dung cơ bản của chương trình hưu trí;

- Thời gian bắt đầu tham gia chương trình hưu trí;

- Mức đóng góp, tần suất và thời gian đóng góp của người sử dụng lao động;

- Mức đóng góp, tần suất, thời gian và phương thức đóng góp của người lao động (trong trường hợp người lao động cùng tham gia đóng góp với người sử dụng lao động);

- Quyền và nghĩa vụ của người lao động khi tham gia quỹ hưu trí, trong đó bao gồm điều kiện được hưởng khoản đóng góp của người sử dụng lao động và kết quả đầu tư từ khoản đóng góp này;

- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi tham gia đóng góp cho người lao động, trong đó bao gồm điều kiện người sử dụng lao động được nhận lại khoản đóng góp của mình cho người lao động và kết quả đầu tư từ khoản đóng góp này;

- Quy trình thay đổi các nội dung tại văn bản thỏa thuận (nếu có);

- Các trường hợp ngừng và tạm ngừng tham gia chương trình hưu trí.

c) Người sử dụng lao động ký hợp đồng tham gia chương trình hưu trí với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí. Nội dung hợp đồng tham gia quỹ hưu trí thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định này.

d) Căn cứ vào hợp đồng tham gia chương trình hưu trí và văn bản thỏa thuận với người lao động, người sử dụng lao động thực hiện chuyển tiền đóng góp vào quỹ hưu trí đối với phần trách nhiệm đóng góp của mình và phần người lao động ủy thác cho người sử dụng lao động đóng hộ (nếu có) đồng thời thông báo cho doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, tổ chức lưu ký và ngân hàng giám sát về số tiền đóng góp vào mỗi tài khoản hưu trí cá nhân.

3. Khoản tiền đóng góp vào mỗi tài khoản hưu trí cá nhân của người tham gia quỹ bao gồm:

a) Khoản tiền đóng góp của người sử dụng lao động cho người lao động theo văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động;

b) Khoản tiền đóng góp của người lao động (nếu có) theo văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động.

4. Việc ngừng hoặc tạm ngừng tham gia chương trình hưu trí của người lao động và người sử dụng lao động thực hiện theo văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động quy định tại điểm b khoản 2 Điều này và hợp đồng tham gia quỹ hưu trí quy định tại Điều 19 Nghị định này.

Điều 9. Tham gia đóng góp trực tiếp chương trình hưu trí

1. Người lao động, cá nhân tham gia đóng góp trực tiếp chương trình hưu trí theo phương thức quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này.

2. Người lao động, cá nhân tự lựa chọn chương trình hưu trí và phương thức đóng góp, thực hiện ký hợp đồng với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo mẫu hợp đồng quy định tại Điều 19 Nghị định này.

3. Người lao động, cá nhân thực hiện chuyển tiền đóng góp của mình vào quỹ hưu trí theo các điều khoản tại hợp đồng tham gia chương trình hưu trí.

4. Người lao động, cá nhân đối chiếu thông tin cập nhật do doanh nghiệp quản lý quỹ, tổ chức lưu ký và ngân hàng giám sát cung cấp định kỳ về giá trị tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại Điều 28 và Điều 29 Nghị định này.

5. Người lao động, cá nhân ngừng hoặc tạm ngừng tham gia chương trình hưu trí theo hợp đồng tham gia quỹ quy định tại Điều 19 Nghị định này.

Điều 10. Quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động

1. Quyền của người sử dụng lao động tham gia chương trình hưu trí:

a) Được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản đóng góp của người sử dụng lao động vào quỹ hưu trí cho người lao động theo quy định của pháp luật về thuế;

b) Quyết định mức và thời điểm đóng góp, điều chỉnh tăng, giảm, ngừng hoặc tạm ngừng đóng góp theo quy định tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí và hợp đồng tham gia chương trình hưu trí;

c) Lựa chọn, thay đổi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo điều khoản quy định tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí;

d) Được nhận lại phần đóng góp của mình cho người lao động và kết quả đầu tư từ phần đóng góp này sau khi trừ đi các chi phí liên quan trong trường hợp người lao động không đáp ứng các điều kiện tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.

2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động tham gia chương trình hưu trí:

a) Đóng góp vào quỹ hưu trí phần trách nhiệm đóng góp của mình theo đúng quy định tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí và hợp đồng tham gia chương trình hưu trí;

b) Đóng góp vào quỹ hưu trí phần người lao động ủy thác cho người sử dụng lao động đóng hộ theo thời hạn quy định tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí và hợp đồng tham gia chương trình hưu trí (nếu có);

c) Đảm bảo tách biệt phần trách nhiệm đóng góp của người sử dụng lao động và phần người lao động ủy thác cho người sử dụng lao động đóng hộ (nếu có);

d) Thực hiện quy trình thay đổi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo các điều khoản tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí;

đ) Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại văn bản thỏa thuận ký giữa người sử dụng lao động và người lao động về việc tham gia chương trình hưu trí, điều lệ quỹ và hợp đồng tham gia chương trình hưu trí theo quy định tại Nghị định này.

Điều 11. Quyền và trách nhiệm của người lao động

1. Quyền của người lao động tham gia chương trình hưu trí:

a) Được tham gia và hưởng toàn bộ quyền lợi từ chương trình hưu trí theo quy định của Nghị định này;

b) Được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế thu nhập cá nhân đối với khoản đóng góp vào quỹ hưu trí theo mức quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân;

c) Quyết định mức và thời điểm đóng góp, điều chỉnh tăng, giảm, ngừng hoặc tạm ngừng đóng góp theo quy định tại hợp đồng tham gia chương trình hưu trí;

d) Lựa chọn, thay đổi chương trình hưu trí được quản lý bởi cùng 01 doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí đối với người lao động tham gia chương trình hưu trí thông qua người sử dụng lao động hoặc lựa chọn, thay đổi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí đối với người lao động trực tiếp tham gia chương trình hưu trí;

đ) Được cấp tài khoản hưu trí cá nhân, được quyền truy cập thông tin về tài khoản hưu trí cá nhân của mình; được chuyển tài khoản hưu trí cá nhân sang doanh nghiệp quản lý quỹ khác khi thay đổi doanh nghiệp quản lý quỹ;

e) Nhận chi trả từ tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại Nghị định này;

g) Được bảo mật thông tin hưu trí cá nhân, thông tin về tài khoản hưu trí cá nhân;

h) Được chuyển từ hình thức tham gia quỹ hưu trí thông qua người sử dụng lao động sang hình thức trực tiếp tham gia quỹ hưu trí;

i) Trường hợp thay đổi việc làm:

- Được tiếp tục duy trì tài khoản hưu trí cá nhân tại doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí tại nơi làm việc cũ theo hình thức trực tiếp tham gia chương trình hưu trí; hoặc

- Chuyển tài khoản hưu trí cá nhân sang doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí tại nơi làm việc mới.

2. Trách nhiệm của người lao động tham gia chương trình hưu trí:

a) Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại điều lệ quỹ và hợp đồng tham gia chương trình hưu trí;

b) Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 12. Quyền và trách nhiệm của cá nhân tham gia chương trình hưu trí

1. Quyền của cá nhân tham gia chương trình hưu trí:

a) Các quyền như đối với người lao động tham gia chương trình hưu trí quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 1 Điều 11 Nghị định này;

b) Được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế thu nhập cá nhân đối với khoản đóng góp vào quỹ hưu trí theo mức quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân nếu đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả trường hợp đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội) theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội;

c) Được chuyển từ hình thức tham gia trực tiếp chương trình hưu trí sang hình thức tham gia thông qua người sử dụng lao động.

2. Cá nhân tham gia chương trình hưu trí có trách nhiệm như người lao động tham gia chương trình hưu trí quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này.

Mục 2. THIẾT LẬP VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ HƯU TRÍ

Điều 13. Thiết lập quỹ hưu trí

1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại Nghị định này được thiết lập quỹ hưu trí theo các quy định tại Nghị định này.

2. Căn cứ vào nhu cầu của người tham gia quỹ và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí tự quyết định về số lượng quỹ hưu trí và mục tiêu đầu tư quỹ hưu trí phù hợp với quy định tại Điều 20 Nghị định này.

3. Đối với mỗi quỹ được thành lập, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải:

a) Xây dựng và ban hành điều lệ quỹ hưu trí. Điều lệ quỹ hưu trí do doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí quyết định trên cơ sở đảm bảo các nội dung cơ bản quy định tại Điều 14 Nghị định này;

b) Lựa chọn và ký hợp đồng với 01 tổ chức lưu ký để thực hiện lưu ký tài sản quỹ hưu trí và các nghĩa vụ quy định tại Điều 15 Nghị định này;

c) Lựa chọn và ký hợp đồng với 01 ngân hàng giám sát để thực hiện giám sát hoạt động quản lý quỹ hưu trí và các nghĩa vụ quy định tại Điều 16 Nghị định này.

Điều 14. Điều lệ quỹ hưu trí

1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải ban hành điều lệ để thiết lập quỹ hưu trí bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Tên quỹ hưu trí;

b) Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;

c) Tổ chức lưu ký;

d) Ngân hàng giám sát;

đ) Các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan (nếu có);

e) Mục tiêu, chính sách đầu tư của quỹ hưu trí theo quy định tại Điều 20 Nghị định này và quy trình, thủ tục thay đổi chính sách đầu tư (nếu có);

g) Quyền và nghĩa vụ của người tham gia quỹ, người sử dụng lao động, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan (nếu có);

h) Điều khoản về chuyển tài khoản hưu trí cá nhân giữa các quỹ hưu trí được quản lý bởi cùng một doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;

i) Điều khoản về thay đổi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;

k) Lựa chọn và thay đổi tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan (nếu có);

l) Nguyên tắc phân bổ chi phí hoạt động của quỹ hưu trí cho từng tài khoản hưu trí cá nhân;

m) Phương pháp xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí và của mỗi tài khoản hưu trí cá nhân;

n) Quy chế giải quyết tranh chấp;

o) Các trường hợp đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ;

p) Chế độ thông tin báo cáo;

q) Giải thể quỹ hưu trí;

r) Cam kết của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát và các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan (nếu có) về việc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điều lệ quỹ;

s) Thể thức tiến hành sửa đổi, bổ sung điều lệ quỹ hưu trí.

2. Điều lệ quỹ hưu trí phải được trình bày rõ ràng, dễ hiểu và công bố trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí.

Điều 15. Tổ chức lưu ký

1. Tổ chức lưu ký tài sản quỹ hưu trí phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Là ngân hàng lưu ký theo quy định của Luật chứng khoán hoặc là Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam;

b) Không là người có liên quan với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí ký hợp đồng lưu ký tài sản mỗi quỹ hưu trí với 01 tổ chức lưu ký đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này. Hợp đồng giữa doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí với tổ chức lưu ký phải bao gồm những nội dung cơ bản sau:

a) Quyền và trách nhiệm của tổ chức lưu ký và doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;

b) Phí lưu ký;

c) Các trường hợp tổ chức lưu ký phải đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định này.

3. Tổ chức lưu ký được nhận phí lưu ký theo hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí với tổ chức lưu ký.

4. Tổ chức lưu ký có các nghĩa vụ theo quy định tại hợp đồng lưu ký tài sản quỹ hưu trí nhưng phải đảm bảo những nghĩa vụ cơ bản sau:

a) Thực hiện lưu ký tài sản quỹ hưu trí theo hợp đồng ký với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;

b) Thực hiện hoạt động thu, chi, thanh toán, chuyển giao tiền, chứng khoán theo yêu cầu của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;

c) Thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền sở hữu tài sản của quỹ, thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán thuế đối với quỹ;

d) Đảm bảo tách biệt tài sản của quỹ hưu trí với tài sản của người sử dụng lao động, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, tổ chức lưu ký, ngân hàng giám sát và các quỹ hưu trí khác được quản lý bởi cùng một doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;

đ) Cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác những thông tin cần thiết cho doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, ngân hàng giám sát, các tổ chức cung cấp dịch vụ (nếu có) để các tổ chức này thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ theo quy định tại Nghị định này và điều lệ quỹ.

5. Tài sản của quỹ hưu trí được lưu ký tại tổ chức lưu ký là tài sản thuộc sở hữu của người tham gia quỹ và người sử dụng lao động. Tổ chức lưu ký không được sử dụng tài sản của quỹ hưu trí để thanh toán, bảo lãnh thanh toán cho các khoản nợ của mình hoặc cho bên thứ ba.

Điều 16. Ngân hàng giám sát

1. Ngân hàng giám sát quỹ hưu trí phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam;

b) Có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng các nghĩa vụ của ngân hàng giám sát quy định tại khoản 4 Điều này;

c) Không là người có liên quan với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí ký hợp đồng giám sát quỹ hưu trí với 01 ngân hàng giám sát đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này. Hợp đồng giữa doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí với ngân hàng giám sát bao gồm những nội dung cơ bản sau:

a) Quyền và trách nhiệm của ngân hàng giám sát, doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, người tham gia quỹ, người sử dụng lao động;

b) Phí giám sát quỹ hưu trí của ngân hàng giám sát;

c) Các trường hợp ngân hàng giám sát phải đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định này.

3. Ngân hàng giám sát có các quyền theo quy định tại hợp đồng giám sát hoạt động quản lý quỹ hưu trí nhưng phải đảm bảo các quyền cơ bản sau:

a) Được nhận phí giám sát theo hợp đồng giám sát ký kết giữa doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí với ngân hàng giám sát;

b) Yêu cầu các tổ chức cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản quỹ hưu trí, kế toán quỹ hưu trí, quản trị tài khoản hưu trí cá nhân cung cấp thông tin và tài liệu để ngân hàng giám sát thực hiện nghĩa vụ giám sát theo quy định tại khoản 4 Điều này;

c) Kiểm tra doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, tổ chức cung cấp các dịch vụ kế toán quỹ hưu trí và quản trị tài khoản hưu trí cá nhân về việc tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định tại Nghị định này, điều lệ quỹ, hợp đồng tham gia quỹ hưu trí, hợp đồng cung cấp các dịch vụ về kế toán quỹ hưu trí và quản trị tài khoản hưu trí cá nhân.

4. Ngân hàng giám sát có các nghĩa vụ theo quy định tại hợp đồng giám sát hoạt động quản lý quỹ hưu trí nhưng phải đảm bảo các nghĩa vụ cơ bản sau:

a) Kiểm tra và giám sát doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và các tổ chức cung cấp dịch vụ về việc tuân thủ các nghĩa vụ theo quy định tại Nghị định này, điều lệ quỹ, hợp đồng tham gia quỹ hưu trí, hợp đồng cung cấp các dịch vụ liên quan;

b) Kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư, các giao dịch của quỹ hưu trí và tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại Nghị định này và điều lệ quỹ hưu trí;

c) Định kỳ 06 tháng rà soát quy trình, phương pháp xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí; kiểm tra, giám sát việc xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí;

d) Định kỳ 06 tháng rà soát quy trình, phương pháp phân bổ kết quả đầu tư, xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân; kiểm tra, giám sát việc xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân;

đ) Lập và lưu trữ trong thời gian 10 năm các hồ sơ, chứng từ dưới dạng văn bản và tệp dữ liệu điện tử nhằm xác nhận việc tuân thủ trong hoạt động của ngân hàng giám sát đối với hoạt động quản lý;

e) Không được cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản quỹ hưu trí, kế toán quỹ hưu trí, quản trị tài khoản hưu trí cá nhân cho quỹ hưu trí đang ký hợp đồng giám sát;

g) Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 33 Nghị định này.

Điều 17. Đại lý hưu trí

1. Đại lý hưu trí là tổ chức được doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí ủy quyền thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Giới thiệu về quỹ hưu trí;

b) Ký hợp đồng tham gia quỹ hưu trí với người tham gia quỹ và người sử dụng lao động.

2. Đại lý hưu trí là doanh nghiệp được phép hoạt động một trong các lĩnh vực sau: Ngân hàng, đại lý bảo hiểm, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.

Điều 18. Tài khoản hưu trí cá nhân

1. Mỗi cá nhân có thể có một hoặc nhiều tài khoản hưu trí cá nhân tại một thời điểm được quản lý bởi các doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí khác nhau.

2. Tài khoản hưu trí cá nhân được sử dụng để:

a) Tiếp nhận khoản đóng góp của người tham gia quỹ và của người sử dụng lao động (nếu có);

b) Tiếp nhận kết quả đầu tư sau khi trừ đi chi phí hoạt động của quỹ hưu trí và phân bổ cho từng tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại điều lệ quỹ;

c) Thanh toán các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định;

d) Chi trả cho người tham gia quỹ và người sử dụng lao động theo quy định tại Nghị định này.

3. Quyền sở hữu tài khoản hưu trí cá nhân:

a) Người tham gia quỹ được sở hữu khoản đóng góp của mình và kết quả đầu tư sau khi trừ đi chi phí hoạt động của quỹ hưu trí được phân bổ cho từng tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại điều lệ quỹ hưu trí;

b) Người lao động tham gia quỹ được sở hữu khoản đóng góp của người sử dụng lao động và kết quả đầu tư sau khi trừ đi các chi phí liên quan nếu đáp ứng được các điều kiện tại văn bản thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc tham gia quỹ hưu trí.

4. Tài khoản hưu trí cá nhân không được sử dụng để:

a) Chuyển nhượng;

b) Cầm cố;

c) Giải quyết thủ tục phá sản của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí, ngân hàng giám sát, tổ chức lưu ký.

5. Quy trình chuyển tài khoản hưu trí cá nhân giữa các quỹ hưu trí được thực hiện theo phương thức tất toán tài khoản hưu trí cá nhân thành tiền và chuyển toàn bộ khoản tiền này sang tài khoản hưu trí cá nhân tại quỹ hưu trí mới.

Điều 19. Hợp đồng tham gia quỹ hưu trí

1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí xây dựng 02 mẫu hợp đồng khung để quản lý tài khoản hưu trí cá nhân theo ủy quyền của người sử dụng lao động và người tham gia quỹ, trong đó có một mẫu hợp đồng khung ký với người trực tiếp tham gia quỹ hưu trí và một mẫu hợp đồng khung ký với người sử dụng lao động.

2. Mẫu hợp đồng khung tham gia quỹ hưu trí phải bao gồm những nội dung sau:

a) Tên, mục tiêu và chính sách đầu tư của các quỹ hưu trí;

b) Quyền và trách nhiệm của người tham gia quỹ, người sử dụng lao động và doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;

c) Quy trình đăng ký thay đổi thông tin đóng góp, lựa chọn quỹ hưu trí và doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;

d) Quy trình đăng ký chi trả từ tài khoản hưu trí cá nhân;

đ) Điều khoản về bảo mật thông tin tài khoản hưu trí cá nhân;

e) Nguyên tắc phân bổ chi phí hoạt động của quỹ hưu trí cho từng tài khoản hưu trí cá nhân;

g) Quy trình và điều kiện ngừng và tạm ngừng tham gia quỹ hưu trí.

Điều 20. Đầu tư quỹ hưu trí

1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải quy định cụ thể chính sách đầu tư (bao gồm cơ cấu và tiêu chuẩn các tài sản đầu tư) tại điều lệ quỹ theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.

2. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí quyết định việc đầu tư của quỹ hưu trí theo quy định tại điều lệ quỹ, chính sách đầu tư của quỹ và các quy định tại khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.

3. Các loại tài sản mà quỹ hưu trí được đầu tư bao gồm:

a) Tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đáp ứng đủ điều kiện quy định về chính sách đầu tư của quỹ tại điều lệ quỹ hưu trí;

b) Trái phiếu Chính phủ; trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; trái phiếu chính quyền địa phương;

c) Chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán theo điều kiện quy định về chính sách đầu tư của quỹ tại điều lệ quỹ hưu trí.

4. Tỷ trọng giá trị đầu tư trái phiếu Chính phủ (bao gồm cả khoản đầu tư trái phiếu Chính phủ thông qua chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán) tối thiểu bằng 50% trong tổng giá trị tài sản quỹ hưu trí.

5. Quỹ hưu trí không được gửi tiền tại doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí hoặc người có liên quan với doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật doanh nghiệp.

Điều 21. Kế toán quỹ hưu trí

1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải thực hiện kế toán quỹ hưu trí bao gồm:

a) Hạch toán toàn bộ hoạt động thu chi của quỹ hưu trí;

b) Xây dựng và cập nhật quy trình, phương pháp xác định giá trị tài sản ròng quỹ hưu trí;

c) Xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí;

d) Lập báo cáo tài chính quỹ.

2. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải chịu trách nhiệm đối với người tham gia quỹ về tính chính xác của việc hạch toán, kế toán quỹ hưu trí quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có thể tự thực hiện dịch vụ hoặc ký hợp đồng với tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán để thực hiện kế toán quỹ hưu trí theo quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Chi phí hoạt động của quỹ hưu trí bao gồm các khoản chi phí cơ bản sau:

a) Chi phí quản lý tài sản trả cho doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;

b) Chi phí lưu ký tài sản quỹ hưu trí trả cho tổ chức lưu ký;

c) Chi phí giám sát quỹ hưu trí trả cho ngân hàng giám sát;

d) Chi phí dịch vụ thuê ngoài (nếu có);

đ) Chi phí dự thảo, in ấn, gửi bản cáo bạch, bản cáo bạch tóm tắt, báo cáo tài chính, xác nhận giao dịch, sao kê tài khoản và các tài liệu khác cho người tham gia quỹ; chi phí công bố thông tin của quỹ hưu trí;

e) Chi phí liên quan đến thực hiện các giao dịch tài sản của quỹ.

Điều 22. Quản trị tài khoản hưu trí cá nhân

1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải thực hiện quản trị tài khoản hưu trí cá nhân bao gồm:

a) Hạch toán thu chi toàn bộ hoạt động của tài khoản hưu trí cá nhân bao gồm đóng góp, phân bổ kết quả đầu tư, chi phí hoạt động quỹ hưu trí; chi trả hưu trí;

b) Xây dựng và cập nhật quy trình, phương pháp phân bổ kết quả đầu tư và chi phí hoạt động quỹ hưu trí; xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân;

c) Xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân hàng tháng;

d) Lập và gửi ngươi tham gia quỹ báo cáo giá trị tài khoản hưu trí cá nhân hàng tháng theo quy định tại Điều 28 Nghị định này.

2. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí phải chịu trách nhiệm đối với người tham gia quỹ về tính chính xác của hoạt động cung cấp dịch vụ quản trị tài khoản hưu trí cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có thể ký hợp đồng với tổ chức cung cấp dịch vụ đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 4 Điều này để thực hiện quản trị tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Tổ chức cung cấp dịch vụ quản trị tài khoản hưu trí cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này phải là một trong các tổ chức sau:

a) Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam;

b) Là doanh nghiệp được phép hoạt động một trong các lĩnh vực ngân hàng, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, kế toán hoặc kiểm toán.

Điều 23. Đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ

1. Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ trong các trường hợp sau:

a) Thực hiện đầu tư không đúng với quy định tại Nghị định này hoặc chính sách đầu tư của quỹ hưu trí quy định tại điều lệ quỹ;

b) Xác định sai giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí;

c) Phân bổ kết quả đầu tư và xác định sai giá trị tài khoản hưu trí cá nhân.

2. Mức đền bù cho người tham gia quỹ được xác định trên cơ sở thiệt hại phát sinh cho người tham gia quỹ.

3. Quy trình đền bù cho người tham gia quỹ hưu trí:

a) Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí xác định thiệt hại phát sinh đối với người tham gia quỹ;

b) Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí thông báo cho ngân hàng giám sát về mức thiệt hại phát sinh đối với người tham gia quỹ;

c) Ngân hàng giám sát kiểm tra, xác nhận giá trị thiệt hại phát sinh trên cơ sở tính toán của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí;

d) Ngân hàng giám sát và doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí thống nhất về giá trị thiệt hại phát sinh đối với người tham gia quỹ hưu trí;

đ) Doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí thanh toán tiền đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ hưu trí.

4. Ngân hàng giám sát, tổ chức lưu ký, tổ chức cung cấp dịch vụ kế toán quỹ, tổ chức cung cấp dịch vụ quản trị tài khoản hưu trí cá nhân chịu trách nhiệm liên đới với d

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo