Vũ Thanh Thủy

Mức bồi dưỡng khi làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại

Xin chào luật sư LUẬT MINH GIA, hiện nay tôi đang là công nhân vận hành trong 1 công ty và nhiệm vụ chính là vận hành lò hơi đốt than để cấp nhiệt cho công ty vận hành sản xuất, luật sư cho tôi hỏi - Tôi vào công ty từ tháng 5 và có được công ty cho đi học 1 khóa đào tạo an toàn lao động 1 tháng.

 

Sau khi học xong công ty nhận lại công nhân và có ký hợp đồng thử việc 3 tháng đến hết 8/8/2018 nhưng do thời gian đó công ty đang bảo trì thiết bị nên chúng tôi chỉ được công ty giao nhiệm vụ vệ sinh công ty. Hết thử việc 3 tháng công ty có giao tôi cho bộ phận quản lý và thực hiện lao động theo bộ phận quản lý và khi về bộ phận thì công ty vẫn đang bảo trì khi đó chúng tôi ăn lương bảo trì như lao động đã làm ở đó từ trước. Đến tháng 10 khi công ty vào vận hành thử và hoạt động trở lại chúng tôi vẫn đi làm bình thường và không có bất kỳ điều nào hay văn bản nào nói lại về lương và hệ số lương đối với công nhân mới nhưng đến khi cuối tháng chốt lương công ty có giảm số tiền lương so với công nhân vận hành cũ. Vậy xin nhờ luật sư giải đáp thắc mắc của tôi công ty làm như vậy có đúng không. Chúng tôi cũng đã khiếu nại lên phòng tổ chức hành chính nhưng chỉ được nói là công nhân mới phải học vận hành nên chỉ được hưởng lương có như vậy- Điều nữa tôi xin hỏi luật sư. Tôi làm việc trong môi trường nồi hơi đốt than có nhiệt độ cao và khí CO2 nhiều vậy có được trợ cấp gì không và nếu được thì phải làm như nào.Lần cuối tôi xin cám ơn luật minh gia đã đọc thư. Mong sớm được hồi âm.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

 

Căn cứ theo Điều 96 Bộ luật lao động 2012 quy định về nguyên tắc trả lương, cụ thể:

 

“Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

 

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”

 

Bên cạnh đó, tại Điều 21 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định  như sau:

 

“Tiền lương theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 90 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

 

1. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định, bao gồm:

 

a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động. Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

 

b) Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh;

 

c) Các khoản bổ sung khác là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của người sử dụng lao động không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

 

2. Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện.”

 

 

Trường hợp, trong hợp đồng lao động hai bên có thỏa thuận cụ thể mức lương tại ví trí làm việc của bạn, không có thỏa thuận khác thì theo nguyên tắc trên người sử dụng lao động có trách nhiệm phải thanh toán tiền lương đầy đủ cho bạn. Do đó, nếu công ty tự ý giảm tiền lương của bạn mà không có thỏa thuận là không có căn cứ.

 

Ngược lại, nếu các bên không có thỏa thuận về vấn đề tiền lương thì khi trả lương cho bạn, có thể căn cứ vào thang bảng lương hoặc quy chế của công ty, nếu không có các căn cứ trên thì dựa vào năng suất, khối lượng và chất lượng công việc mà bạn đã thực hiện để tính.

 

Do đó, nếu bạn có bằng chứng chứng minh việc công ty thanh toán lương không đầy đủ cho bạn theo đúng quy định của pháp luật, bạn có quyền làm đơn gửi đến phòng lao động thương binh xã hội hoặc Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết.

 

Về vấn đề bồi dưỡng khi người lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, theo đó, người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

 

Tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 25/2013/TT-BLĐTBXH quy định về chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật lao động đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại:

 

“2. Mức bồi dưỡng:

 

a) Bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng theo các mức sau:

 

- Mức 1: 10.000 đồng;

 

- Mức 2: 15.000 đồng;

 

- Mức 3: 20.000 đồng;

 

- Mức 4: 25.000 đồng.

 

b) Việc xác định mức bồi dưỡng bằng hiện vật cụ thể theo điều kiện lao động và chỉ tiêu môi trường lao động được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.”

 

Do đó, để được hưởng khoản bồi dưỡng trên thì bạn phải đáp ứng được 2 điều kiện sau, cụ thể:

 

- Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;

 

- Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc trực tiếp tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.

 

Do bạn không cung cấp rõ về nội dung công việc bạn đang làm việc nên chúng tôi không thể xác định cụ thể cho bạn. Trường hợp này bạn có thể đối chiếu công việc bạn đang làm có thuộc danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định tại Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH để xem xét mình có được hưởng mức bồi dưỡng bên trên.

 

Nếu bạn làm việc trông các điều kiện trên thì mức lương của bạn sẽ được tính như sau: “Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.” ( điểm c Khoản 3 Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP).

 

Như vậy theo quy định trên thì tiền lương làm công việc nặng nhọc trong trường hợp của bạn phải cao hơn ít nhất 5% hoặc 7% nếu làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm so với mức lương công việc trong điều kiện bình thường.

 

 

Trân trọng.

P.luật sư tư vấn về lao động– Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo