Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Đối thoại tại nơi làm việc là gì? Vi phạm bị phạt thế nào?

Đối thoại tại nơi làm việc là một việc vô cùng cần thiết đối với người lao động để trao đổi, chia sẻ thông tin với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, nhiều người hiện nay mặc dù là người lao động của một doanh nghiệp, tổ chức nhưng lại chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc đối thoại tại nơi làm việc. Do đó, Công ty luật Minh Gia sẽ giải đáp rõ hơn các nội dung liên quan đến đối thoại tại nơi làm việc thông qua bài viết dưới đây!

1. Đối thoại tại nơi làm việc là gì?

    Khoản 1 Điều 63 Bộ luật lao động 2019 định nghĩa về đối thoại tại nơi làm việc như sau:

“Điều 63. Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc

1. Đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.”

    Khoản 2 Điều 63 quy định về các trường hợp mà người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc như sau:

“2. Người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong trường hợp sau đây:

a) Định kỳ ít nhất 01 năm một lần;

b) Khi có yêu cầu của một hoặc các bên;

c) Khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật này.”

    Theo đó, các vụ việc được quy định tại điểm c khoản này bao gồm:

  • Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc;

  • Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

  • Phương án sử dụng lao động;

  • Xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động;

  • Thưởng;

  • Nội quy lao động;

  • Tạm đình chỉ công việc.

2. Vi phạm đối thoại tại nơi làm việc bị phạt như thế nào?

    Điều 15 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc như sau:

“Điều 15. Vi phạm quy định về đối thoại tại nơi làm việc

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

1. Không xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật.

2. Không tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; không thực hiện đối thoại khi có yêu cầu; không phối hợp tổ chức hội nghị người lao động theo quy định của pháp luật.

3. Không công khai nội dung chính của đối thoại hoặc quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật.

4. Không bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện vật chất cần thiết khác để tổ chức các cuộc đối thoại tại nơi làm việc.

5. Không cử hoặc cử không đúng thành phần đại diện bên người sử dụng lao động tham gia đối thoại tại nơi làm việc theo quy định.

6. Không báo cáo tình hình thực hiện đối thoại và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về lao động khi được yêu cầu.”

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo