Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tư vấn về tội đưa hối lộ

Tham nhũng là nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, đến sự thụ hưởng các quyền và lợi ích của con người, đó cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự gia tăng bất công trong xã hội, làm xói mòn niềm tin của người dân đối với Nhà nước. Tham nhũng xảy ra hầu như trong tất cả các lĩnh vực, các hành vi tham nhũng được quy định cụ thể trong Luật phòng chống tam nhũng 2018 trong đó có hành vi đưa hối lộ. Các tội phạm tham nhũng được quy định tại chương XXIII Bộ luật hình sự 2015, trong đó có tội đưa hối lộ. Hối lộ đã trở thành một vấn đề vô cùng nhức nhối trong xã hội bao năm nay. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có rất nhiều chế tài để xử lý hành vi đưa hối lộ nhưng đến thời điểm hiện tại vấn nạn này vẫn chưa được khắc phục.

 

1. Đưa hối lộ là gì?

Đưa hối lộ là hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc bất kì lợi ích phi vật chất nào cho người có chức vụ, quyền hạn để người này làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Hành vi khách quan của tội đưa hối lộ là người đưa hối lộ đã có hành vi đưa của hối lộ cho người có chức vụ, quyền hạn. Hành vi đưa của hối lộ có thể được thực hiện một cách trực tiếp (người đưa trực tiếp đưa cho người nhận hối lộ) hoặc có thể gián tiếp qua trung gian (người môi giới hối lộ).

 

2. Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định như thế nào về Tội đưa hối lộ

Tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:

“Điều 364. Tội đưa hối lộ

1. Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Người nào đưa hoặc sẽ đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công, người có chức vụ trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước cũng bị xử lý theo quy định tại Điều này.

7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”.

 

Như vậy, có thể thấy rằng hành vi đưa hối lộ là hành vi dùng tiền hoặc tài sản khác trực tiếp hoặc qua trung gian đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc gì đó vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Đối với tội danh này, tùy tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm và đặc biệt là tùy vào giá trị của tài sản đưa hối lộ mà có mức xử lý hình sự khác nhau. Người đưa hối lộ có thể bị xử phạt tù lên đến 20 năm. Tuy nhiên, nếu người đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Quy định này nhằm khuyến khích những người đã có hành vi đưa hối lộ dám đứng lên tố cáo hành vi nhận hối lộ của quan chức nhà nước. Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều người sau khi thực hiện xong hành vi đưa hối lộ cho các quan chức nhà nước nhưng mục đích và lợi ích của họ cuối cùng không đạt thì thường quay sang tố cáo hành vi nhận hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn. Điều này cũng đã góp phần giúp tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước sớm phát hiện ra những sai phạm của cán bộ, công chức từ đó các biện pháp xử lý để loại bỏ những người này ra khỏi bộ máy công quyền.

 

3. Các dấu hiệu pháp lý của Tội đưa hối lộ

Các yếu tố cấu thành tội đưa hối lộ có những dấu hiệu sau:

  • Khách thể của tội phạm:

Hành vi phạm tội xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế nhà nước.

  • Mặt khách quan của tội phạm:

Là hành vi đưa của hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn.

Việc đưa hối lộ có thể do người phạm tội chủ động đưa cho người có chức vụ, quyền hạn nhưng cũng có thể đưa hối lộ theo gợi ý, đòi hỏi của người có chức vụ, quyền hạn. Việc đưa hối lộ có thể thực hiện một cách trực tiếp, nhưng cũng có thể thực hiện một cách gián tiếp thông qua người môi giới. Của hối lộ phải có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng việc đưa hối lộ đó phải gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

  • Mặt chủ quan của tội phạm:

Người phạm tội đưa hối lộ thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Nếu người đưa hối lộ đưa nhầm cho người không có chức vụ quyền hạn thì vẫn cấu thành tội đưa hối lộ. Còn nếu người nhận biết đưa nhầm mình là người có chức vụ quyền hạn mà vẫn nhận của hối lộ thì người nhận sẽ bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

  • Chủ thể của tội phạm:

Bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm chịu trách nhiệm hình sự và đến một độ tuổi theo quy định của Bộ luật hình sự thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của công ty Luật Minh Gia liên quan đến Tội đưa hối lộ. Nếu còn vướng mắc hoặc có bổ sung thêm thông tin cần tư vấn, anh/chị vui lòng liên hệ tới công ty Luật Minh Gia để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng./.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo