Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em

Vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em là sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục Nhà nước quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Tội danh này được quy định tại Điều 296 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Vậy tội phạm này được pháp luật quy định thế nào? Cấu thành tội phạm và hình phạt áp dụng ra sao? Trong bài viết dưới đây, Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan về vấn đề này, mời bạn đọc tham khảo:

1. Cơ sở pháp lý

Bộ luật hình sự năm 1999 quy định tại Điều 228 về Tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em, tuy nhiên Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 đã thay đổi điều luật này. Theo đó thay đổi "lao động trẻ em" thành "lao động dưới 16 tuổi". 

Bộ luật hình sự hiện hành quy định Tội vi phạm quy định về sử dụng lao động dưới 16 tuổi như sau:

Điều 296. Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi

1. Người nào sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Làm chết người;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

2. Cấu thành tội phạm

- Chủ thể:

Chủ thể của tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em tuy không phải là chủ thể đặc biệt, nhưng chỉ những người sử dụng lao động mới có thể là chủ thể của tội phạm này.

- Khách thể: 

Tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em xâm phạm đến quyền lao động của trẻ em đã được quy định tại Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam tham gia quy định .

- Mặt khách quan:

*Về hành vi khách quan:

Hành vi khách quan của tội vi phạm này được quy định là hành vi sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định. Theo đó, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là các công việc khi thực hiện sẽ có các yếu tố gây hại, tổn thương đến sức khỏe, tinh thần hoặc có nguy cơ cao. Hiện nay, tại Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH quy định danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 

Người phạm tội vi phạm quy định về sử dụng lao động dưới 16 tuổi thực hiện hành vi khách quan nêu trên được biểu hiện với các vi phạm cụ thể như: Sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc; Sử dụng trẻ em làm những công việc nguy hiểm; Sử dụng trẻ em làm những công việc độc hại. 

+ Sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc là sử dụng trẻ em làm những công việc như: Công việc tiếp xúc với dầu, mỡ; ảnh hưởng của môi trường nóng, ồn, rung và bụi than vượt tiêu chuẩn cho phép. (Sửa chữa cơ điện trong nhà máy sàng tuyển than. Thay mỡ, bơm dầu ổ trục các thiết bị nhà máy sàng tuyển than.)

+ Sử dụng trẻ em làm những công việc nguy hiểm là sử dụng trẻ em làm những công việc như: Thường xuyên làm việc trên cao, căng thẳng thần kinh tâm lý. (sửa chữa đường dây cao thế đang mang điện.)

+ Sử dụng trẻ em làm những công việc độc hại là sử dụng trẻ em làm những công việc như: làm việc trong môi trường hoá chất độc hại và tiếng ồn cao; chịu tác động trực tiếp của hơi dầu nóng và hơi nước. (Thu hồi, lọc dầu, tái sinh dầu bôi trơn).

*Về hậu quả:

Hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, nếu người sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục Nhà nước quy định chưa gây hậu quả nghiêm trọng và cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi này thì không bị coi là tội phạm. Theo đó, hậu quả của tội phạm được quy định là hậu quả thiệt hại về người (tối thiểu là thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỉ lệ tổn thương cơ thể của một người hoặc tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của nhiều người là từ 31% trở lên). Hậu quả thiệt hại về người phải có mối quan nhân quả với hành vi sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

Dấu hiệu hậu quả trên đây có thể được thay thế bằng dấu hiệu nhân thân của chủ thể “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc đã bị kết án” về hành vi này mà chưa được xóa án tích.

- Mặt chủ quan: 

Lỗi của người phạm tội trong trường hợp gây hậu quả thiệt hại về người được quy định là lỗi vô ý. Chủ thể không mong muốn hậu quả thiệt hại mà tin hậu quả đó không xảy ra hoặc không thấy trước hậu quả đó do cẩu thả. Trong trường hợp dấu hiệu nhân thân được thay thế cho dấu hiệu hậu quả thiệt hại về người, lỗi của chủ thể là lỗi cố ý đối với hành vi sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại.

3. Hình phạt

Điều 296 Bộ luật  hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi với 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung bao gồm:

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm và từ 05 năm đến 12 năm.

Các dấu hiệu khung hình phạt tăng nặng bao gồm chủ yếu là dấu hiệu thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản.

- Khung hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là hình phạt phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo