Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tội làm lây lan dịch bệnh cho động vật, thực vật quy định thế nào?

Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật là các hành vi đưa vào hoặc mang ra khỏi hoặc cho phép đưa vào khu vực hạn chế lưu thông động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh.

I. Dấu hiệu pháp lý

1. Khách thể: Tội phạm này xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng đến nguồn lương thực, thực phẩm cung cấp cho người. Đối tượng tác động của tội phạm này là động, thực vật, sản phẩm từ động, thực vật hoặc các vật phẩm khác có mang mầm bệnh có thể làm lây lan bệnh nguy hiểm cho động, thực vật.

2. Khách quan: người phạm tội có một trong các hành vi, bao gồm:

+ Đưa vào hoặc mang ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh;

+ Đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định về kiểm dịch;

Đối tượng kiểm dịch gồm: động vật, thực vật, thức ăn chăn nuôi và môi trường chăn nuôi, các phương tiện giết mổ động vật, vật liệu, bao bì đóng gói, chứa đựng, vận chuyển động vật…Việc đưa vào Việt Nam có thể được thực hiện bằng nhiều hình thức, có thể bằng đường bộ, đường thủy, đường hàng không…mà không tuân theo các quy định về kiểm dịch.

+ Hành vi khác làm lây dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật có thể là những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật như không tổ chức kịp thời việc khoanh vùng, tẩy uế khu vực có dịch bệnh để cho dịch bệnh lây lan thêm...

“Khu vực hạn chế lưu thông” động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật…là những khu vực do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố là có dịch bệnh.

Hành vi chỉ cấu thành tội phạm khi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

3. Chủ quan: là lỗi cố ý (trực hoặc gián tiếp). Động cơ, mục đích phạm tội không là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

4. Chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định. Tuy nhiên đối với hành vi “cho phép đưa vào Việt Nam”… chỉ có thể là người có chức vụ, quyền hạn (chủ thể đặc biệt) trong việc phê duyệt, chấp nhận, cho phép đưa vào Việt Nam các động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật…Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không là chủ thể của tội phạm này vì đây là tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng.

II. Hình phạt

1. Người nào có một trong các hành vi sau đây làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

- Đưa vào hoặc mang ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh;

- Đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch;

- Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo