Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật

Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, Bộ luật hình sự năm 2015 thay thế thuật ngữ “nhân viên tư pháp” trong tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái pháp luật của Bộ luật hình sự năm 1999 bằng thuật ngữ “người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp”. Theo đó, tại Điều 372 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về tội này? Cấu thành tội phạm và hình phạt áp dụng ra sao? Để giúp bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về tội này, trong bài viết dưới đây Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan.

1. Cơ sở pháp lý:

Điều 372 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật như sau:

Điều 372. Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án làm trái pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Dẫn đến ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật;

c) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn nguy hiểm, xảo quyệt khác;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội

b) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2. Cấu thành tội phạm:

- Chủ thể: 

Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn nên có quyền uy nhất định đối với người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án.

Họ có thể là cán bộ trong bộ máy nhà nước hoặc trong các tổ chức xã hội. Người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án được hiểu là những người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án. Họ có thể là điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, thư kí tòa án, chấp hành viên, giám thị trại giam,...

- Khách thể:

Hành vi phạm tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án và cơ quan thi hành án. Ngoài ra còn xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

- Mặt khách quan:

Về hành vi:

Hành vi khách quan của tội phạm này được quy định là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án làm trái pháp luật. Hành vi ép buộc ở đây có thể là hành vi sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để gây sức ép về tâm lý (như dọa kỷ luật, dọa sẽ cách chức hoặc dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác,… Hành vi ép buộc nêu trên có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản.

Để thỏa mãn dấu hiệu này đòi hỏi chủ thể có hành vi ép buộc bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Đó là sử dụng quyền uy, đe dọa hoặc hứa hẹn để khống chế người bị ép buộc làm theo ý muốn chủ quan của mình. Trong đó, ý muốn chủ quan của chủ thể là muốn người bị ép buộc “làm trái pháp luật” trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án. Đó là làm sai trong điều tra, truy tố, xét xử hoặc trong thi hành án thuộc lĩnh vực hình sự, lĩnh vực dân sự hoặc lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án.

Về hậu quả: Hậu quả của tội phạm này cũng là dấu hiệu bắt buộc.

Hành vi ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đó là những thiệt hại vật chất và thiệt hại phi vật chất cho xã hội trong đó có những thiệt hại đối với người tham gia tố tụng và những người khác.

Theo đó, hậu quả của tội phạm được quy định có thể là:

+ Thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

+ Thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đồng trở lên.

Mức độ nghiêm trọng của hậu quả phụ thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng do hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp gây ra cho xã hội.

- Mặt chủ quan:

Lỗi của người phạm tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật là lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi mà mình ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp phải thực hiện là hành vi trái pháp luật. Họ cũng biết thủ đoạn ép buộc của mình là lợi dụng của chức vụ, quyền hạn,...

3. Hình phạt

Điều 372 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung quy định Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật với 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung:

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 05 năm và từ 05 năm đến 10 năm.

Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định là dấu hiệu về số lần phạm tội; dấu hiệu về tính chất nguy hiểm của thủ đoạn phạm tội (dùng vũ lực, đe doạn dùng vũ lực hoặc thủ đoạn nguy hiểm, xảo quyệt khác) và dấu hiệu về hậu quả của tội phạm (hậu quả ra bản án hoặc quyết định trái pháp luật, hậu quả gây thiệt hại về tài sản, hậu quả ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hậu quả người vô tội bị kết án oan hoặc tội phạm, người phạm tội bị bỏ lọt).

- Khung hình phạt bổ sung bắt buộc được quy định là cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo