Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (phạm tội nhiều lần)

Tình tiết ‘Phạm tội nhiều lần’ trong Luật Hình sự Việt Nam được quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc tình tiết định khung hình phạt trong rất nhiều tội phạm quy định tại các điều của các chương khác nhau mà trong một số điều luật thì tình tiết này có sự thể hiện nội dung và ý nghĩa khác nhau.


tinh-tiet-tang-nang-pham-toi-nhieu-lan-jpg-21052014093418-U1.jpg

Quy định về Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (phạm tội nhiều lần) theo quy định luật hình sự

 

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (phạm tội nhiều lần)

 

Cụ thể: Trong BLHS năm 1999, tình tiết "Phạm tội nhiều lần" là tình tiết định khung hình phạt quy định tại các tội phạm sau:

 

(1) Điểm c khoản 1 Điều 104 về tội "Cố ý gây thương tích...";

(2) Điểm d khoản 2 Điều 111 về tội "Hiếp dâm";

(3) Điểm c khoản 3 Điều 112 về tội "Hiếp dâm trẻ em";

(4) Điểm b khoản 2 Điều 113 về tội "Cưỡng dâm";

(5) Điểm b khoản 3 Điều 114 về tội "Cưỡng dâm trẻ em";

(6) Điểm a khoản 3 Điều 115 về tội "Giao cấu với trẻ em";

(7) Điểm a khoản 2 Điều 116 về tội "Dâm ô đối với trẻ em";

(8) Điểm b khoản 2 Điều 121 về tội "Làm nhục người khác";

(9) Điểm d khoản 2 Điều 123 về tội "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật";

(10) Điểm c khoản 2 Điều 125 về tội "Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác";

(11) Điểm b khoản 2 Điều 131 về tội "Xâm phạm quyền tác giả";

(12) Điểm b khoản 2 Điều 169 về tội "Cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ";

(13) Điểm b khoản 2 Điều 170 về tội "Vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp";

(14) Điểm b khoản 2 Điều 171 về tội "Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp";

(15) Điểm b khoản 2 Điều 173 về tội "Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai";

(16) Điểm b khoản 2 Điều 176 về tội "Vi phạm các quy định về quản lý rừng".

(17) Điểm b khoản 2 Điều 193 về tội "Sản xuất trái phép chất ma tuý";

(18) Điểm b khoản 2 Điều 194 về tội "Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý”;

(19) Điểm b khoản 2 Điều 195 về tội "Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý";

(20) Điểm b khoản 2 Điều 196 về tội "Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý";

(21) Điểm a khoản 2 Điều 197 về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy";

(22) Điểm b khoản 2 Điều 198 về tội "Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý";

(23) Điểm b khoản 2 Điều 200 về tội "Cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý";

(24) Điểm b khoản 2 Điều 201 về tội "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma tuý khác";

(25) Điểm a khoản 2 Điều 228 về tội "Vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em";

(26) Điểm c khoản 2 Điều 251 về tội "Hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có";

 

(27) Điểm c khoản 2 Điều 254 về tội "Chứa mại dâm";

(28) Điểm d khoản 2 Điều 255 về tội "Môi giới mại dâm";

(29) Điểm a khoản 2 Điều 256 về tội "Mua dâm người chưa thành niên";

(30) Điểm a khoản 3 Điều 256 về tội "Mua dâm người chưa thành niên";

(31) Điểm b khoản 2 Điều 257 về tội "Chống người thi hành công vụ";

(32) Điểm b khoản 2 Điều 266 về tội "Sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức";

(33) Điểm b khoản 2 Điều 267 về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức";

(34) Khoản 2 Điều 275 về tội "Tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép";

(35) Điểm c khoản 2 Điều 278 về tội "Tham ô tài sản";

(36) Điểm c khoản 2 Điều 279 về tội "Nhận hối lộ";

(37) Điểm c khoản 2 Điều 280 về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản";

(38) Điểm b khoản 2 Điều 281 về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ";

(39) Điểm b khoản 2 Điều 282 về tội "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ";

(40) Điểm b khoản 2 Điều 283 về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi";

(41) Điểm c khoản 2 Điều 284 về tội "Giả mạo trong công tác";

(42) Điểm d khoản 2 Điều 289 về tội "Đưa hối lộ";

(43) Điểm d khoản 2 Điều 290 về tội "Làm môi giới hối lộ";

(44) Điểm a khoản 2 Điều 291 về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi".

 

Nếu điều luật không quy định là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt thì tình tiết "Phạm tội nhiều lần" là tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.

 

Trong Luật Hình sự Việt Nam, nhà làm luật chưa đưa ra khái niệm chính thức thế nào là tình tiết “Phạm tội nhiều lần". Nhưng từ thực tiễn xét xử và một số quan điểm của các nhà luật học thì tình tiết này được luận giải như sau:

 

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2-1-1998 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS thì: "... tình tiết "Phạm tội nhiều lần" quy định tại khoản 2 Điều 133, khoản 2 Điều 134a... (đối với một số tội phạm có tính chất tham nhũng và tội phạm liên quan đến tình dục) được hiểu là đã có tất cả từ hai lần phạm tội đó trở lên (hai lần phạm tội tham ô trở lên, hai lần phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN trở lên...) mà mỗi lần phạm tội có đầy đủ yếu tố cấu thành quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cũng chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại, nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản" [1].

 

Theo tác giả Đinh Văn Quế thì "Phạm tội nhiều lần là phạm tội từ hai lần trở lên như hai lần trộm cắp, hai lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ba lần chứa mại dâm, bốn lần tham ô... và mỗi lần thực hiện hành vi đã cấu thành một tội phạm độc lập nhưng tất cả các tội phạm đó đều bị xét xử trong cùng một bản án...; Phạm tội nhiều lần là người phạm tội có nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội, nhưng hành vi đó chỉ cấu thành một tội, xâm phạm đến cùng một khách thể trực tiếp và chưa đưa ra truy tố, xét xử..." [2].

 

Theo tác giả Lê Văn Cảm thì "Phạm tội nhiều lần là phạm từ hai tội trở lên mà những tội ấy được quy định tại cùng một điều luật (hoặc tại cùng một khoản của điều luật) tương ứng trong phần riêng BLHS, đồng thời đối với những tội ấy vẫn còn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và người phạm tội vẫn chưa bị xét xử" [3].

 

Tổng hợp các quan điểm trên và từ thực tiễn xét xử, theo chúng tôi tình tiết "phạm tội nhiều lần" được hiểu như sau:

 

Thứ nhất, Phạm tội nhiều lần là người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau, xâm phạm đến cùng một khách thể trực tiếp, mà mỗi hành vi ấy đã có đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập, và được quy định tại cùng một điều luật trong phần riêng BLHS (cùng là hành vi trộm cắp, hiếp dâm, lừa đảo...).

 

Thứ hai, Khi xét xử, các hành vi đó chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và người phạm tội vẫn chưa bị xét xử hoặc bị xử lý bằng các hình thức khác (đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra...).

 

Thứ ba, Nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại.

 

Qua khái niệm trên, chúng ta có thể thấy, tình tiết "Phạm tội nhiều lần" bao gồm năm nội dung sau:

 

(1) Phạm tội nhiều lần là người phạm tội đã thực hiện từ hai hành vi phạm tội trở lên, tác động đến cùng một đối tượng hoặc nhiều đối tượng khác nhau (ví dụ: phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối đối với nhiều người - điểm c khoản 1 Điều 104 BLHS, nhiều lần trộm cắp, nhiều lần hiếp dâm...).

 

(2) Nếu tách ra từng hành vi phạm tội riêng lẽ thì mỗi hành vi ấy đã đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập.

 

(3) Tất cả các hành vi phạm tội đó đều được quy định tại một điều luật cụ thể trong phần riêng BLHS (cùng là tội trộm cắp, hiếp dâm...), có thể cùng một khoản, có thể phạm tội ở các khoản khác nhau của cùng một điều luật.

 

(4) Các hành vi phạm tội đó chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chưa bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (như đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án...) và cùng bị đưa ra xét xử một lần trong cùng một vụ án (được tuyên trong một bản án).

 

(5) Nếu điều luật có quy định về giá trị tài sản hoặc thiệt hại về tài sản thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng giá trị tài sản của các lần phạm tội cộng lại.

 

Cần lưu ý, khái niệm "Phạm tội nhiều lần" và khái niệm "Tội liên tục" là hoàn toàn khác nhau. Tội liên tục là tội phạm được hình thành từ một loạt hành vi nguy hiểm cho xã hội cùng loại, xảy ra kế tiếp nhau và có tính liên tục, mà các hành vi đó có cùng một mục đích chung, thống nhất, cùng xâm hại đến một khách thể và trong sự tổng hợp của những hành vi đó thì cấu thành một tội phạm độc lập (ví dụ: tội hành hạ hoặc ngược đãi cha mẹ, vợ chồng, con cái; tội bức tử...). Trong "Tội liên tục", người phạm tội đã thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội giống nhau, nhưng nếu tách riêng từng hành vi nguy hiểm cho xã hội đó thì có hành vi đã đủ yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập, cũng có hành vi không đủ yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập được quy định tại điều luật tương ứng, nhưng nó là tội phạm thống nhất và khi tổng hợp các hành vi nguy hiểm cho xã hội đó cũng chỉ cấu thành một tội phạm độc lập (gọi là Tội liên tục) quy định trong phần các tội phạm của BLHS (như đã ví dụ: tội hành hạ hoặc ngược đãi cha mẹ, vợ chồng, con cái; tội bức tử....).

 

Tuy nhiên, việc áp dụng tình tiết "Phạm tội nhiều lần" vào các trường hợp cụ thể không phải đều giống nhau mà tùy theo các tội phạm khác nhau thì nội dung, ý nghĩa của tình tiết này có thể khác nhau. Cụ thể:

 

Theo quy định tại điểm 3.3, khoản 2 Mục I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS thì, "Đối với nhiều lần làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì cần phải lấy tổng số lượng tiền giả của tất cả các lần phạm tội cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ; nếu trong các lần phạm tội đó có trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không xem xét trách nhiệm hình sự đối với trường hợp đó (không cộng số lượng tiền giả của lần phạm tội đó); nếu có hai lần phạm tội làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả trở lên thì ngoài việc cộng số lượng tiền giả của các lần phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ, còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS.

 

Về tình tiết "Phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 BLHS:

 

Điểm c khoản 1 Điều 104 BLHS quy định "phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" là một tình tiết cấu thành tội phạm ở khoản 1 hoặc tình tiết định khung tăng nặng hình phạt theo khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 104 BLHS về tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác". Như vậy, điểm c khoản 1 Điều 104 BLHS gồm hai nội dung sau: (1) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người; (2) Phạm tội nhiều lần đối với nhiều người. Cụ thể:

 

(1) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người là trường hợp người phạm tội đã có từ hai lần trở lên thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của cùng một người mà mỗi lần thực hiện hành vi như vậy đã đủ yếu tố cấu thành tội "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác" quy định tại Điều 104 BLHS; và chưa có hành vi nào đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị Toà án đưa ra xét xử.

 

Ví dụ: Ngày 5/3/2005 A có hành vi cố ý gây thương tích đối với B mà tỷ lệ thương tật bị thiệt hại là 11%, đến ngày 12/3/2005 A lại có hành vi cố ý gây thương tích cho B mà tỷ lệ thương tật bị thiệt hại là 30%, như vậy A đã có hành vi gây thương tích cho B hai lần mà mỗi lần đã đủ yếu tố cấu thành tội "Cố ý gây thương tích". Vì vậy A phải chịu tình tiết định khung tăng nặng hình phạt là "phạm tội nhiều lần đối với cùng một người", quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 BLHS.

 

(2) Đối với tình tiết "phạm tội nhiều lần đối với nhiều người" thì có các trường hợp sau:

 

a. Phạm tội nhiều lần đối với nhiều người mà mỗi lần phạm tội chỉ đối với một người.

 

Ví dụ: Ngày 5/3/2005 A có hành vi cố ý gây thương tích đối với B mà tỷ lệ thương tật là 11%, đến ngày 12/10/2005 A có hành vi cố ý gây thương tích đối với C mà tỷ lệ thương tật là 31%. Vì vậy, A phải chịu tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội nhiều lần đối với nhiều người, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 BLHS.

 

b. Phạm tội nhiều lần đối với nhiều người mà trong đó, có lần phạm tội đối với một người có lần phạm tội đối với nhiều người.

 

Ví dụ: Ngày 2/1/2006 A có hành vi cố ý gây thương tích đối với H với tỷ lệ thương tật 11%, đến ngày 6/1/2006 A có hành vi cố ý gây thương tích đối với vợ và con của H với tỷ lệ thương tật của cả hai người là 15%.

 

c. Phạm tội nhiều lần đối với nhiều người mà trong đó lần nào cũng phạm tội đối với nhiều người.

 

Ví dụ: Ngày 6/4/2006 K có hành vi cố ý gây thương tích đối với vợ chồng H với tỷ lệ thương tật của cả hai người là 18%, đến ngày 10/4/2006 A lại có hành vi cố ý gây thương tích cho hai con của H với tỷ lệ thương tật của cả hai người là 30 %.

 

Trong cả ba trường hợp trên, mỗi lần thực hiện hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì hành vi đó đều đã đủ yếu tố cấu thành ở khung cơ bản quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS và chưa có hành vi nào bị hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị đưa ra xét xử.

 

Để hiểu thêm vấn đề này, chúng ta hãy nghiên cứu Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự.

 

Theo quy định tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC (tại Mục 3.2 của Nghị quyết) thì, tình tiết "Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của BLHS được hiểu như sau :

 

a. "Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của BLHS được hiểu là trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người từ hai lần trở lên hoặc của hai người trở lên (có thể một lần, có thể nhiều lần đối với mỗi người) và trong các lần đó chưa có lần nào bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu xử lý hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng tình tiết "Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" để xét xử bị cáo theo khoản 1, khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 104 của BLHS được thực hiện theo hướng dẫn tại các điểm b, c và d tiểu mục 3.2 này.

 

b. Chỉ áp dụng tình tiết "Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của BLHS để xét xử bị cáo theo khoản 1 Điều 104 của BLHS trong các trường hợp sau đây:

 

b1. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một nguời từ hai lần trở lên mà mỗi lần tỷ lệ thương tật dưới 11%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả các lần từ 11% trở lên.

 

Trường hợp trong các lần đó chỉ có một lần tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%, còn các lần khác tỷ lệ thương tật đều dưới 11% thì bị cáo cũng chỉ bị xét xử theo khoản 1 Điều 104 của BLHS.

 

b2. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của hai người trở lên (có thể một lần, có thể nhiều lần đối với mỗi người) mà mỗi lần tỷ lệ thương tật dưới 11%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả các lần từ 11% trở lên.

 

Trường hợp trong các lần đó chỉ có một người một lần tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%, còn các lần khác tỷ lệ thương tật đều dưới 11% thì bị cáo cùng chỉ bị xét xử theo khoản 1 Điều 104 BLHS.

 

c. Chỉ áp dụng tình tiết "Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của BLHS để xét xử bị cáo theo khoản 2 Điều 104 của BLHS trong các trường hợp sau đây:

 

c1. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người từ hai lần trở lên mà có ít nhất hai lần tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30 %.

 

Trường hợp trong các lần đó chỉ có một lần tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, còn các lần khác tỷ lệ thương tật đều dưới 31% thì bị cáo cùng chỉ bị xét xử theo khoản 2 Điều 104 của BLHS.

 

c2. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của hai người trở lên (có thể một lần, có thể nhiều lần đối với mỗi người) mà trong đó có ít nhất hai người và mỗi người một lần tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%.

 

Trường hợp trong các lần đó chỉ có một người một lần tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60 %, còn các lần khác tỷ lệ thương tật đều dưới 31% thì bị cáo cũng chỉ bị xét xử theo khoản 2 Điều 104 BLHS.

 

d. Chỉ áp dụng tình tiết "Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" quy định tại điểm c khoản 1 Điều 104 của BLHS để xét xử bị cáo theo khoản 3 Điều 104 của BLHS trong các trường hợp sau đây:

 

d1.Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một người từ hai lần trở lên mà có ít nhất hai lần tỷ lệ thương tật từ 31 đến 60%.

 

Trường hợp trong các lần đó chỉ có một lần tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên, còn các lần khác tỷ lệ thương tật đều dưới 61% thì bị cáo cũng chỉ bị xét xử theo khoản 3 Điều 104 của BLHS.

 

d2. Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của hai người trở lên (có thể một lần, có thể nhiều lần đối với mỗi người) mà trong đó có ít nhất hai người và mỗi người một lần tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.

 

Trường hợp trong các lần đó chỉ có một người một lần tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên, còn các lần khác tỷ lệ thương tật đều dưới 61% thì bị cáo cũng chỉ bị xét xử theo khoản 3 Điều 104 của BLHS.

 

Khi áp dụng Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP cần lưu ý các điểm sau:

 

(1) Nghị quyết quy định chỉ áp dụng tình tiết "Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" để định khung tăng nặng hình phạt (nâng lên một khung hình phạt) nếu người phạm tội có ít nhất hai hành vi phạm tội trở lên quy định tại một khung hình phạt liền kề nhẹ hơn (quy định tại đoạn 1 của các điểm c1, c2, d1, d2).

 

(2) Ngược lại, không áp dụng tình tiết "Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" để định khung tăng nặng hình phạt (nâng lên một khung hình phạt) nếu người phạm tội có ít nhất hai hành vi phạm tội trở lên nhưng không quy định cùng trong một khung hình phạt liền kề nhẹ hơn (quy định tại đoạn 2 của các điểm c1, c2, d1, d2).

 

Theo chúng tôi, các trường hợp quy định tại đoạn 2 của các điểm c1, c2, d1, d2 của Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP thì cần hướng dẫn thêm là, khi xét xử phải áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "Phạm tội nhiều lần" đối với bị cáo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS. Bởi lẽ: thực chất, Toà án chưa áp dụng tình tiết "Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người" để định tội hoặc định khung hình phạt trong các trường hợp trên, vì trong các lần phạm tội đó, bị cáo đã có một lần phạm tội thỏa mãn khung hình phạt đang áp dụng, vậy nó được coi là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt ở chỗ nào nữa? (Ví dụ tại đoạn 2 điểm d2: "Trường hợp trong các lần đó chỉ có một người một lần tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên (đã thoả mãn khoản 3 Điều 104), còn các lần khác tỷ lệ thương tật đều dưới 61% (khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 104 hoặc cả khoản 1, khoản 2...) thì bị cáo cũng chỉ bị xét xử theo khoản 3 Điều 104 của BLHS". Mà khi một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì phải coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 48 BLHS (khoản 2 Điều 48 BLHS).

 

Cũng theo quy định tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC (tại Mục 4 của Nghị quyết) thì, tình tiết "Phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm c khoản 2 Điều 254 của BLHS được hướng dẫn như sau:

 

(4.1) Chỉ áp dụng tình tiết "Phạm tội nhiều lần" đối với người chứa mại dâm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a. Chứa mại dâm (không phân biệt tại một địa điểm hay tại các địa điểm khác nhau) một đôi hoặc nhiều đôi mua bán dâm khác nhau từ hai lần trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau (không phân biệt thời gian dài hay ngắn);

 

b. Chứa mại dâm hai đôi mua bán dâm trở lên độc lập với nhau trong cùng một khoảng thời gian;

 

c. Chứa mại dâm một người mua bán dâm với hai người trở lên trong các khoảng thời gian khác nhau.

 

(4.2) Không coi là phạm tội nhiều lần trong các trường hợp sau đây:

 

a. Chứa mại dâm một đôi mua bán dâm trong một khoảng thời gian liên tục;

 

b. Chứa mại dâm nhiều người (một nhóm) cùng đến mua bán dâm, nhưng chỉ một người trong số họ hoặc một số người trong số họ hoặc tất cả họ cùng nhau thoả thuận đứng ra giao dịch với người chứa mại dâm để trả tiền thuê địa điểm, phương tiện một lần và việc mua bán dâm diễn ra trong cùng một khoảng thời gian.

 

Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng, trong thực tiễn xét xử đã gặp những vướng mắc nhất định khi áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần. Ví dụ 1: Ngày 1/3/2004 A có hành vi trộm cắp 01 chiếc xe đạp trị giá 700.000đ tại huyện X tỉnh Q. Ngày 4/4/2004 A lại có hành vi trộm cắp 01 chiếc xe máy trị giá 5.000.000đ tại huyện Y tỉnh Q. Ngày 5/2/2005 A có hành vi trộm cắp 01 chiếc Tivi trị giá 2.000.000đ tại huyện Z tỉnh Q. Khi xét xử A thì có các trường hợp xảy ra như sau:

 

(1) Sau ngày 5/2/2005 mới điều tra, truy tố A về ba lần thực hiện hành vi phạm tội trộm cắp tài sản trên thì khi xét xử, Toà án chỉ xét xử A về tội "trộm cắp tài sản" theo khoản 1 Điều 138 BLHS với tổng trị giá tài sản trộm cắp là 7.700.000đ và áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với A là "Phạm tội nhiều lần" theo điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS. Hình phạt đối với A là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

 

(2) Nhưng, giả thiết vào tháng 10/2005 A mới bị cơ quan có thẩm quyền của huyện X phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử A về hành vi trộm cắp tài sản (trộm cắp chiếc xe đạp trị giá 700.000đ). Đến tháng 1/2006 A lại bị TAND huyện Y xét xử về tội "Trộm cắp tài sản" (Trộm cắp 01 chiếc xe máy trị giá 5.000.000đ). Tháng 3/2006 A bị TAND huyện Z xét xử về tội "Trộm cắp tài sản" (Trộm cắp 01 chiếc Tivi trị giá 2.000.000đ). Cả ba trường hợp này các hành vi phạm tội của A được phát hiện tại ba thời điểm khác nhau nên không thể tiến hành điều tra, truy tố, xét xử A cùng một lần trong một bản án được mà đưa ra xét xử ba lần tại ba Toà án của ba huyện khác nhau, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định của pháp luật.

 

Xem xét hai trường hợp trên thì chúng ta thấy có sự bất cập trong việc quy định và áp dụng pháp luật. Đối với trường hợp thứ (2) thì A bị bất lợi hoàn toàn. Hình phạt "cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm" được áp dụng đối với A qua ba lần xét xử. Còn trường hợp (1) thì chỉ áp dụng đối với A một lần và A phải chịu thêm tình tiết "Phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS mà thôi.

 

Thậm chí, có những trường hợp tương tự như trên, TAND huyện X đang xét xử A về hành vi trộm cắp chiếc xe đạp thì A vẫn đang được điều tra về hành vi trộm cắp chiếc xe máy và chiếc Tivi tại huyện Y và huyện Z, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn không thể chờ để nhập vụ án theo quy định tại Điều 117 BLTTHS mà vẫn xét xử bình thường tuỳ theo từng hành vi bị phát hiện tại các thời điểm khác nhau, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 51 BLHS.

 

Trên đây là một số vấn đề lý luận và thực tiễn khi áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần trong hoạt động xét xử, đề nghị TANDTC có sự hướng dẫn cụ thể thêm về các trường hợp này.

 

[1] Các văn bản về hình sự, dân sự, kinh tế và tố tụng. TANDTC xuất bản, Hà Nội, 1998, tr. 41.

 

[2] Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học BLHS năm 1999 (phần chung), Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2000, tr. 293.

 

[3] Lê Văn Cảm, Sách chuyên khảo sau đại học, Nxb ĐHQG, Hà Nội 2005, tr. 390.

 

LÊ VĂN LUẬT ThS.TAND huyện Hướng Hoá, Quảng Trị

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo