Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tội giết người là gì? Giết người đi tù bao nhiêu năm?

Trong các tội phạm hình sự, tội giết người được xem là những tội phạm nguy hiểm và có hình phạt rất nghiêm khắc. Vậy tội giết người là gì và giết người thì phải chịu hình phạt thế nào? Luật Minh Gia sẽ phân tích qua các bài viết dưới đây:

1. Tội giết người là gì?

Giết người là một tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự. Trong đó, tội giết người được hiểu là hành vi cố ý tước đoạt mạng sống của người khác một khác trái pháp luật.

Hành vi tước đoạt tính mạng người khác được hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ.

2. Quy định về Tội Giết người

Quy định chung

Tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nhưng không mô tả các dấu hiệu của tội danh này. Quy định như sau:

“Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”

Từ thực tiễn xét xử đã được thừa nhận, có thể định nghĩa tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính 3.

Dấu hiệu pháp lý

* Dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm:

- Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm:

Điều luật không mô tả hành vi khách quan của tội phạm mà chỉ nhắc lại tội danh “giết người”, nhưng từ định nghĩa được thực tiễn thừa nhận nêu trên có thể hiểu, hành vi khách quan của tội giết người là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác. Đó là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ như hành động bắn, đâm, chém... Hành vi khách quan của tội giết người cũng có thể là không hành động. Ví dụ: Người mẹ không cho con mình ăn, uống.

Đối tượng tác động của hành vi tước đoạt tính mạng trong tội giết người là người khác và người đó phải là người đang sống. Thời điểm bắt đầu của người đang sống được tính từ thời điểm được sinh ra và kết thúc khi sự sống thực sự chấm dứt.

Trong thực tiễn xét xử còn gặp những trường hợp tước đoạt tính mạng người khác do được nạn nhân yêu cầu. Động cơ của những hành vi này có thể khác nhau. Trong đó có những động cơ mang tính nhân đạo. Ví dụ: Tước đoạt tính mạng người bị mắc bệnh hiểm nghèo nhằm tránh đau khổ kéo dài cho họ... Theo luật hình sự Việt Nam, những trường hợp này vẫn bị coi là là trái pháp luật.

- Dấu hiệu hậu quả của tội phạm

Hậu quả của tội phạm được xác định là là hậu quả chết người. Như vậy, tội giết người chỉ được coi là tội phạm hoàn thành khi có hậu quả chết người. Nếu hậu quả chết người không xảy ra vì nguyên nhân khách quan thi hành vi phạm tội bị coi là tội giết người chưa đạt (khi lỗi của chủ thể là cố ý trực tiếp) hoặc là tội cố ý gây thương tích (khi lỗi của chủ thể là cố ý gián tiếp và hậu quả thương tích đã xảy ra đủ cấu thành tội phạm này).

- Dấu hiệu quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả chết người

Theo nguyên tắc chung, người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm về hậu quả nguy hiểm cho xã hội do chính hành vi của mình gây ra. Nguyên tắc này đòi hỏi phải xác định hậu quả chết người có quan hệ nhân quả với hành vi khách quan của người bị buộc phải chịu TNHS về tội giết người hoàn thành).

Như vậy, việc xác định mối quan hệ nhân quả là điều kiện cần thiết để có thể buộc người có hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác phải chịu trách nhiệm về hậu quả chết người.

* Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm:

- Dấu hiệu lỗi của chủ thể

Lỗi của người phạm tội được xác định trong cấu thành tội phạm là lỗi cố ý vì “giết người” đã bao hàm lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Trong trường hợp có lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra (hoặc tất nhiên xảy ra) nhưng vì mong muốn hậu quả đó nên đã thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp có lỗi cố ý gián tiếp, người phạm tội nhận thức hành vi của mình có khả năng nguy hiểm đến tính mạng người khác, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng để đạt được mục đích của mình, người phạm tội có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra hay nói cách khác, họ có ý thức chấp nhận hậu quả đó (nếu xảy ra).

- Dấu hiệu mục đích, động cơ phạm tội

Mục đích, động cơ phạm tội không được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội giết người. Trong khi trong thực tế, hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác có thể được thực hiện với các mục đích cũng như các động cơ khác nhau. Hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác vì mục đích nhất định hoặc do động cơ nhất định có thể cấu thành tội phạm khác mà không cấu thành tội giết người. Ngoài ra, cũng cần chú ý, một số động cơ phạm tội được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng của tội giết người.

* Dấu hiệu khách thể 

Hành vi giết người xâm phạm đến tính mạng của người khác, đó là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người (đang sống).

Lưu ý: Thai nhi không được coi là một con người đang sống nên việc cố ý hủy hoại một bào thai không được xem là hành vi giết người, chỉ được xem là hành vi cố ý gây thương tích hoặc là tình tiết tăng nặng trong trường hợp giết người là phụ nữ mà biết là người đó đang mang thai.

* Dấu hiệu chủ thể

- Chủ thể của tội giết người là chủ thể thường có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi theo luật định.

- Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự: người từ đủ 14 tuổi trở lên về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

Từ 16 tuổi trở lên: Chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

4. Hình phạt

Như vậy người thực hiện tội phạm giết người sẽ chịu hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình. Điều luật quy định 02 khung hình phạt chính, 01 khung hình phạt bổ sung và 01 khung hình phạt cho chuẩn bị phạm tội.

* Khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

* Khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau: Giết 02 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Thực hiện tội phạm một cách man rợ; Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; Thuê giết người hoặc giết người thuê; Có tính chất côn đồ; Có tổ chức; Tái phạm nguy hiểm; Vì động cơ đê hèn.

* Khung hình phạt tù từ 01 đến 05 năm cho người chuẩn bị phạm tội giết người.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Tài liệu tham khảo: Giáo trình Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam. Phần các tội phạm, Quyển 1/Trường Đại học Luật Hà Nội; Nguyễn Ngọc Hòa chủ biên; Phạm Bích Học...

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo