Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Quy định về tội cản trở giao thông đường sắt

Tội cản trở giao thông đường sắt được quy định như thế nào? Các dấu hiệu để nhận biết tội danh này là gì? Cũng như mức hình phạt tương ứng như thế nào? Để giải đáp những thắc mắc nêu trên, Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan thông qua bài viết dưới đây.

1. Cơ sở pháp lý

Điều 268 Bộ luật hình sự năm 2015 và sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội cản trở giao thông đường sắt như sau:

Điều 268. Tội cản trở giao thông đường sắt

1. Người nào đặt chướng ngại vật trên đường sắt; làm xê dịch ray, tà vẹt; khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt; mở đường ngang, xây cống hoặc công trình khác trái phép qua đường sắt; làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu của công trình giao thông đường sắt; để súc vật đi qua đường sắt không đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển; đưa trái phép phương tiện tự tạo, phương tiện không được phép chạy trên đường sắt; phá hoại phương tiện giao thông đường sắt; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sắt gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Cản trở giao thông đường sắt trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.”

2. Các yếu tố cấu thành tội phạm

- Chủ thể: 

Chủ thể của tội này là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt đủ tuổi nhất định theo luật định (từ đủ 16 tuổi).

- Khách thể: 

Hành vi phạm tội này xâm phạm vào những quy định của nhà nước về an toàn giao thông vận tải đường sắt, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống giao thông đường sắt Việt Nam.

- Mặt khách quan:

Về hành vi khách quan: 

Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi gây cản trở cho hoạt động giao thông đường sắt, làm cho giao thông đường sắt diễn ra không được dễ dàng, bình thường.

Người phạm tội này, có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:

+ Đặt chướng ngại vật trên đường sắt;

+ Làm xê dịch ray, tà vẹt;

+ Khoan, đào, xẻ trái phép nền đường sắt, mở đường trái phép qua đường sắt;

+ Làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch, che khuất tín hiệu, biển hiệu, mốc hiệu của công trình giao thông đường sắt;

+ Để súc vật đi qua đường sắt không theo đúng quy định  hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển;

+ Đưa trái phép phương tiện tự tạo, phương tiện không được phép chạy lên đường sắt;

+ Lấn chiếm phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn công trình giao thông đường sắt;

+ Hành vi khác gây cản trở giao thông đường sắt.

Về hậu quả:

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này. Nếu hành vi cản trở giao thông đường bộ mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì chưa cấu thành tội phạm, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật hoặc là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

- Mặt chủ quan

Lỗi của người phạm tội cản trở giao thông đường sắt trong trường hợp gây ra hậu quả thiệt hại được quy định là lỗi vô ý. Người phạm tội khi có hành vi cản trở giao thông đường sắt đều không mong muốn gây ra hậu quả thiệt hại mà tin hậu qảu đó không xảy ra hoặc không thấy trước hậu quả đó do cẩu thả.

3. Hình phạt

Điều 268 Bộ luật hình sự năm 2015 và sửa đổi bổ sung 2017 quy định chế tài về Tội cản trở giao thông đường sắt với 3 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung bao gồm:

- Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

- Hai khung hình phạt tăng nặng được quy định là phạt tù từ 03 năm đến năm và phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Các dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng bao gồm chủ yếu là dấu hiệu thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản.

- Khung hình phạt bổ sung được quy định phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo