Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Chế độ thử thách của án treo trong Luật hình sự Việt Nam

Thời gian thử thách, yêu cầu thử thách và cách tính thời gian thử thách là những nội dung quan trọng của án treo, vì vậy từ văn bản đầu tiên quy định về án treo trong luật hình sự Việt Nam là Sắc lệnh số 21-SL ngày 14/2/1946 (sau đây gọi tắt là Sắc lệnh số 21-SL) đến Bộ luật hình sự năm 1999 (BLHS năm 1999) đều quy định người được hưởng án treo phải chịu một thời gian thử thách nhất định do toà án ấn định trong phạm vi luật định.

Thời gian thử thách của án treo là bắt buộc tuyệt đối, không được cho hưởng án treo mà lại miễn thời gian thử thách. Bằng việc quy định thời gian thử thách, luật hình sự răn đe người bị kết án không được vi phạm điều kiện thử thách của án treo trong thời gian thử thách. Liên quan đến điều kiện thử thách của án treo là các vấn đề: Quy định thời gian thử thách, nội dung thử thách, ấn định thời gian thử thách, cách tính thời gian thử thách và trong trường hợp nào người được hưởng án treo bị coi là vi phạm điều kiện thử thách của án treo? Nếu vi phạm thì những hậu quả pháp lí nào được áp dụng đối với người vi phạm? Trong các vấn đề nêu trên có hai vấn đề là cách tính thời gian thử thách của án treo và trong trường hợp nào người bị kết án bị coi là vi phạm điều kiện thử thách của án treo; những hậu quả pháp lí nào được áp dụng đối với người vi phạm điều kiện thử thách đó còn có một số vướng mắc. Bài viết này trao đổi về các vướng mắc đó.

 

1. Cách tính thời gian thử thách của án treo hay thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của người bị kết án

 

Nếu Sắc lệnh số 21-SL trực tiếp quy định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án (1) thì BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999 lại không trực tiếp quy định như vậy. Các bộ luật này chỉ quy định “thời gian thử thách của án treo là từ một năm đến năm năm” còn thời gian thử thách được tính từ khi nào lại docác cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định trong văn bản hướng dẫn áp dụng luật. Do đó, trong thực tiễn áp dụng án treo đã có những hướng dẫn khác nhau về cách tính thời gian thử thách của án treo và đều gặp những vướng mắc. (2) Ví dụ, hai văn bản mới nhất là Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 18/10/1990 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 44 BLHS năm 1985 và Nghị định của Chính phủ số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 01/HĐTP và Nghị định số 61/2000/NĐ- CP) quy định cách tính thời gian thử thách của án treo cũng có sự khác nhau. Điểm 2 mục 3 Nghị quyết số 01/HĐTP quy định: “Thời gian thử thách của án treo tính từ ngày tuyên bản án cho hưởng án treo” còn khoản 5 Điều 5 Nghị định số 61/2000/NĐ- CP thì quy định: “Thời gian thử thách của án treo được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người đó nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án”. Vì thế, hiện nay có hai quan điểm khác nhau về thời điểm bắt đầu thử thách của người được hưởng án treo. Hầu hết các thẩm phán mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi cho biết các toà án hiện nay đều hiểu và tính thời gian thử thách của án treo theo hướng dẫn của Nghị quyết số 01/HĐTP (3) nhưng một số ý kiến khác lại hiểu cách tính thời gian thử thách của án treo theo Nghị định số 61/2000/NĐ-CP và lập luận rằng Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ban hành sau, trực tiếp quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo theo Điều 60 BLHS năm 1999 nên thời gian thử thách của người được hưởng án treo phải được tính theo quy định của Nghị định số 61/2000/NĐ-CP. Theo cách tính của Nghị quyết số 01/HĐTP thì thời gian thử thách của án treo đến sớm hơn và kết thúc cũng sớm hơn. Còn theo Nghị định số 61/2000/NĐ-CP thì thời gian thử thách của án treo đến muộn hơn và kết thúc cũng muộn hơn. Điều đó dẫn đến việc xác định người bị kết án khi nào bị coi là vi phạm điều kiện của án treo theo quy định của khoản 5 Điều 60 BLHS là không thống nhất. Cơ quan nhà nước và nhất là người bị kết án hiểu thời gian thử thách của mình bắt đầu từ khi nào và theo văn bản nào, theo Nghị quyết số 01/HĐTP hay theo Nghị định số 61/2000/NĐ-CP? Lại càng không thể có tình trạng cơ quan thì tính thời gian thử thách của người bị kết án theo Nghị quyết số 01/HĐTP, cơ quan thì tính theo Nghị định số 61/2000/NĐ-CP được.

 

Vấn đề thực tế được đặt ra là toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để các cơ quan tổ chức này giám sát, giáo dục người bị kết án khi nào? Và người bị kết án phải chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan tổ chức từ khi nào? Câu trả lời là không thể đồng thời với ngày toà án tuyên bản án cho hưởng án treo mà phải là ngày bản án đã có hiệu lực pháp luật và khi cơ quan, tổ chức đã nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án. Vậy trong thời gian từ ngày toà án tuyên bản án cho hưởng án treo đến trước ngày cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án, người bị kết án phạm tội mới thì sẽ có câu trả lời khác nhau về việc người bị kết án có hay không vi phạm điều kiện thử thách của án treo. Nếu theo Nghị quyết số 01/HĐTP “thời gian thử thách của án treo tính từ ngày tuyên bản án cho hưởng án treo” thì người bị kết án đã vi phạm điều kiện thử thách của án treo. Cách tính này một mặt vừa phát huy được tác dụng phòng ngừa của án treo vừa tránh được tình trạng người bị kết án phạm tội mới trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm… hoặc phạm tội mới trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm mà không bị coi là phạm tội mới trong thời gian thử thách. Mặt khác, thời gian thử thách lại được tính trước khi bản án có hiệu lực pháp luật, trước ngày cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án. Nếu theo Nghị định số 61/2000/NĐ-CP “thời gian thử thách được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người đó nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án” thì người bị kết án không vi phạm điều kiện thử thách của án treo. Cách tính này một mặt phản ánh đúng thực tế và đòi hỏi của việc thi hành bản án, đó là bản án chỉ được thi hành khi đã có hiệu lực pháp luật (Điều 355 BLTTHS). Tuy nhiên, nó đã bỏ lọt trường hợp người được hưởng án treo phạm tội trong khoảng thời gian từ ngày tuyên bản án cho hưởng án treo đến ngày cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án mà không bị coi là phạm tội mới trong thời gian thử thách mà trên thực tế ở nước ta khoảng thời gian này là một tháng, hai tháng hoặc dài hơn.

 

Giải quyết bất cập này như thế nào bởi tuy có bất cập nhưng mỗi văn bản nói trên (Nghị quyết số 01/HĐTP và Nghị định số 61/2000/NĐ-CP đều có điểm hợp lí của nó nhưng không thể cùng tồn tại hai giải thích khác nhau về cách tính thời gian thử thách của án treo trong hai văn bản của hai cơ quan nhà nước có thẩm quyền, điều này không chỉ dẫn đến sự mâu thuẫn về cùng một vấn đề như trên mà còn gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan áp dụng pháp luật và cho chính người bị kết án. Vì thế, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần rà soát các văn bản đã hướng dẫn để xóa bỏ những bất cập trong cách tính thời gian thử thách của án treo và quy định thống nhất một cách tính thời gian thử thách. Cách tính đó phải đáp ứng được yêu cầu vừa không bỏ lọt trường hợp người bị kết án phạm tội mới mà không bị coi là phạm tội mới trong thời gian thử thách, vừa phản ánh đúng thực tế và đòi hỏi của việc thi hành bản án theo quy định của Điều 355 BLTTHS. Quy định này có thể trong văn bản hướng dẫn mới hoặc quy định trực tiếp trong BLHS giống như Sắc lệnh số 21-SL trước đây đã từng quy định nội dung này ngay trong điều luật quy định về án treo. Nghiên cứu luật hình sự của một số nước chúng tôi thấy BLHS của Cộng hòa Pháp và BLHS của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đều có quy định thời gian thử thách của án treo ngay trong các điều luật quy định về án treo, ví dụ: “Thời gian thử thách tính từ ngày tuyên bản án cho hưởng án treo”. (4) Theo chúng tôi không chỉ thời gian thử thách mà cả cách tính thời gian thử thách của án treo cũng cần được quy định trực tiếp trong BLHS. Về thời gian thử thách quy định từ 1 năm đến 5 năm như BLHS hiện hành là hợp lí còn cách tính thời gian thử thách hợp lí nhất là tính từ ngày tuyên bản án cho hưởng án treo như Sắc lệnh số 21-SL và Nghị quyết số 01/HĐTP đã quy định và thực tiễn xét xử đã xác nhận tính hợp lí của quy định này. Và để không có các cách hiểu khác nhau về cách tính thời gian thử thách của án treo cần sửa đoạn cuối khoản 5 Điều 5 Nghị định số 61/2000/NĐ-CP theo hướng không quy định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo. Nghị định chỉ quy định cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục thực hiện việc giám sát, giáo dục người bị kết án từ khi nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án và bổ sung quy định: “Thời gian từ ngày toà án tuyên bản án cho hưởng án treo đến ngày cơ quan, tổ chức nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án được tính vào thời gian thử thách của người bị kết án”.

 

2. Các trường hợp người được hưởng án treo bị coi là đã vi phạm điều kiện của án treo và hậu quả pháp lí được áp dụng đối với người vi phạm

 

Để trả lời được câu hỏi trong trường hợp nào người được hưởng án treo bị coi là đã vi phạm điều kiện của án treo thì cần phải xác định được phạm vi thử thách hay điều kiện thử thách của án treo. Theo quy định của BLHS năm 1999, điều kiện thử thách của người được hưởng án treo ngoài điều kiện về thời gian luật định và do toà án ấn định từ 1 đến 5 năm (khoản 1 Điều 60) còn thể hiện ở yêu cầu thử thách. Yêu cầu thử thách được đặt ra cho người bị kết án thể hiện ở ba nội dung sau:

 

- Thứ nhất: Người bị kết án phải chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú (khoản 2 Điều 60, khoản 2 Điều 1, Điều 4 Nghị định số 61/2000/NĐ-CP);

 

- Thứ hai: Người bị kết án phải chấp hành hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo Điều 30 và Điều 36 BLHS nếu toà án quyết định các hình phạt này (khoản 3 Điều 60 BLHS);

 

- Thứ ba: Người bị kết án không được phạm tội mới trong thời gian thử thách (khoản 5 Điều 60 BLHS).

 

Trong ba yêu cầu trên, yêu cầu thứ hai và yêu cầu thứ ba đã được BLHS quy định trực tiếp còn yêu cầu thứ nhất được cụ thể hóa trong Điều 4 Nghị định số 61/2000/NĐ-CP. Theo đó, người bị kết án có các nghĩa vụ:

 

- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước; tích cực thực hiện các nghĩa vụ công dân và quy ước của thôn, làng, bản, ấp, cụm dân cư nơi mình cư trú;

 

- Chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu có;

 

- Hàng tháng phải báo cáo bằng văn bẳn với người trực tiếp giám sát, giáo dục về tình hình rèn luyện, tu dưỡng của mình…;

 

- Trong trường hợp đi ra khỏi nơi cư trú thì phải xin phép thủ trưởng cơ quan, tổ chức…; trường hợp đi khỏi nơi cư trú trên 30 ngày thì phải báo cáo bằng văn bản với chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi giám sát giáo dục mình… Các quy định trên đây của khoản 2, 3, 5 Điều 60 và của Điều 4 Nghị định số 61/2000/NĐ-CP cho thấy yêu cầu thử thách đối với người được hưởng án treo là rất rộng và có mức độ nghiêm khắc khác nhau. Những yêu cầu này vừa thể hiện tính cưỡng chế của án treo nhằm răn đe người bị kết án để họ không vi phạm vừa là thước đo về sự tiến bộ trong quá trình tự cải tạo, giáo dục của người bị kết án trong thời gian thử thách của án treo để có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách cho họ theo quy định của khoản 4 Điều 60 BLHS chứ không phải chỉ có một yêu cầu không phạm tội mới. Do vậy, nếu người được hưởng án treo vi phạm một hoặc một số yêu cầu thử thách nêu trên như có hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính, xử lí kỉ luật, vi phạm quy ước của thôn, làng, bản, ấp, vắng mặt khỏi nơi cư trú trên 30 ngày mà không xin phép, không chấp hành hình phạt bổ sung mà toà án đã quyết định, phạm tội mới… đều phải coi là đã vi phạm điều kiện thử thách của án treo. Nghiên cứu quy định án treo trong luật hình sự của một số nước, chúng tôi thấy luật của các nước này quy định nhiều yêu cầu thử thách đối với người được hưởng án treo. BLHS CHND Trung Hoa năm 1997 quy định người được tuyên hưởng án treo: “phải tuân thủ pháp luật, pháp quy hành chính, phục tùng tạm giam, báo cáo định kỳ sinh hoạt của bản thân với cơ quan theo dõi, tuân thủ nội quy tiếp khách của cơ quan theo dõi, thay đổi chỗ ở phải báo cáo và được cơ quan theo dõi đồng ý, không phạm tội mới…”. (5) Luật hình sự CHLB Đức quy định các nghĩa vụ mà người được hưởng án treo phải thực hiện. Những nghĩa vụ đó có thể là: Bằng khả năng bản thân khắc phục hậu quả đã gây ra; nộp tiền vào công quỹ nhà nước hoặc cơ sở phục vụ hoạt động công cộng; các đóng góp công ích khác. Để giúp người được hưởng án treo không phạm tội lại, toà án có thể ra các quyết định: Trình diện trước toà hay một cơ quan khác theo định kì; cấm tàng trữ hay mang theo những đồ vật nhất định; không được giao du với những người hoặc nhóm người nhất định… (6) Luật hình sự Cộng hòa Pháp quy định trong thời gian thử thách người được hưởng án treo phải chịu sự giám sát của thẩm phán phụ trách thi hành án thuộc quản hạt nơi người bị kết án cư trú hoặc nơi toà án tuyên án đặt trụ sở. Ngoài ra, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ như thực hiện hoạt động nghề nghiệp, theo học lớp đào tạo nghề, tạo dựng chỗ ở cố định, phải chịu sự kiểm tra, khám bệnh ở cơ sở y tế, phải đóng góp chi phí gia đình, trả đều đặn các khoản cấp dưỡng… (7) BLHS Cộng hoà liên bang Nga năm 1996 quy định: “khi quyết định án treo, toà án có thể buộc người bị án treo thực hiện những nghĩa vụ nhất định: không được thay đổi nơi thường trú mà không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc cải tạo người bị kết án: không được đến những địa phương nhất định; phải điều trị nghiện rượu, ma túy hoặc bệnh hoa liễu; phải chăm lo đời sống gia đình. Toà án có thể buộc người bị án treo thực hiện thêm những nghĩa vụ khác giúp cho họ cải tạo tốt”. (8) Từ những quy định trên đây trong luật hình sự của một số nước cũng như quy định của Nghị định số 61/2000/NĐ-CP cho thấy yêu cầu thử thách của án treo không phải chỉ có một yêu cầu là không phạm tội mới theo quy định tại khoản 5 Điều 60 BLHS mà còn có nhiều yêu cầu khác. Nếu người bị kết án vi phạm một trong những yêu cầu này sẽ bị coi là vi phạm điều kiện của án treo và tùy từng hành vi vi phạm, mức độ của vi phạm người bị kết án sẽ phải chịu những hậu quả pháp lí có tính nghiêm khắc khác nhau.

 

Về câu hỏi những hậu quả pháp lí nào được áp dụng đối với người bị kết án vi phạm điều kiện thử thách của án treo, như đã trình bày, yêu cầu thử thách đối với người được hưởng án treo không phải chỉ là không phạm tội mới mà còn có các yêu cầu khác và có mức độ nghiêm khắc khác nhau. Nếu người bị kết án vi phạm một hoặc một số yêu cầu này thì sẽ có hậu quả pháp lí như thế nào? Theo khoản 5 Điều 60 BLHS và Điều 6 Nghị định số 61/2000/NĐ-CP chỉ có trường hợp người bị kết án phạm tội mới trong thời gian thử thách mới phải chịu hậu quả pháp lí bất lợi là: “… buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này”. Nếu vi phạm các yêu cầu thử thách khác đã được quy định tại Điều 4 Nghị định số 61/2000/NĐ-CP, ví dụ: Vi phạm pháp luật nhưng chưa phải là tội phạm; vi phạm điều lệ của cơ quan, tổ chức, đi khỏi nơi cư trú mà không xin phép hoặc không được sự đồng ý của chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường… và bị xử lí kỉ luật hoặc xử phạt hành chính thì không có bất cứ chế tài nào được dự kiến cho các trường hợp vi phạm này (trừ trường hợp người bị kết án không chấp hành hình phạt bổ sung mà toà án đã quyết định theo khoản 2 Điều 60, Điều 30, Điều 36 BLHS thì có thể phải chịu TNHS về tội không chấp hành án quy định tại Điều 304 BLHS). Theo chúng tôi, đây là hạn chế trong quy định về án treo. Chúng tôi cũng băn khoăn là tại sao cả BLHS và Nghị định số 61/2000/NĐ-CP chỉ đề cập việc quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo khi người bị kết án có nhiếu tiến bộ mà không đề cập việc kéo dài thời gian thử thách này hoặc các hậu quả pháp lí khác khi người bị kết án không tiến bộ và vi phạm điều kiện thử thách của án treo ở các mức độ khác nhau. Nghiên cứu quy định về án treo trong luật hình sự của một số nước, chúng tôi thấy tuy có khác nhau nhưng luật hình sự của các nước này đều dự kiến nhiều loại “chế tài” với các mức độ nghiêm khắc khác nhau làm căn cứ để áp dụng đối với người bị kết án đã vi phạm điều kiện của án treo trong thời gian thử thách. Ví dụ, luật hình sự Trung Quốc quy định hai loại hậu quả pháp lí cho hai tình trạng vi phạm điều kiện thử thách của án treo là: Nếu người được hưởng án treo trong thời gian thử thách vi phạm pháp luật, pháp quy hành chính hoặc quy định của ngành công an có liên quan đến án treo, có tình tiết nghiêm trọng thì hủy bỏ án treo, chấp hành hình phạt cũ; nếu người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì phải hủy bỏ án treo và người bị kết án phải chấp hành hình phạt chung tổng hợp của cả tội cũ và mới. (9) Luật hình sự Cộng hòa liên bang Đức quy định: Thứ nhất, án treo sẽ bị hủy bỏ nếu trong thời gian thử thách người bị kết án đã phạm tội mới và qua đó thể hiện điều trông chờ vào kết quả của án treo không đạt được hoặc người bị kết án đã vi phạm nghiêm trọng các quyết định của toà án, đã xa rời sự trợ giúp thử thách và qua đó thể hiện khả năng phạm tội lại hoặc người bị kết án đã vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ của họ. Thứ hai, nếu một trong những yêu cầu trên thỏa mãn nhưng toà án xét thấy không cần hủy bỏ án treo mà chỉ cần kéo dài thời gian thử thách hoặc giao thêm nghĩa vụ hoặc ra thêm quyết định thì có thể không hủy bỏ án treo. (10) Luật hình sự Cộng hòa Pháp quy định các hậu quả pháp lí sau: Nếu người bị kết án không chấp hành các biện pháp giám sát hoặc nghĩa vụ thì có thể bắt giam để đưa ra xét xử; toà án có thể quyết định kéo dài thời gian thử thách hoặc hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần án treo đã tuyên. (11) Đặc biệt, luật hình sự Liên bang Nga còn quy định nhiều hơn nữa hậu quả pháp lí đối với người vi phạm điều kiện thử thách của án treo. Thứ nhất, trong thời gian thử thách, theo đề nghị của cơ quan kiểm tra tư cách của người bị kết án, toà án có thể hủy bỏ toàn bộ hay một phần các nghĩa vụ hoặc có thể bổ sung thêm các nghĩa vụ cho người bị kết án; thứ hai, nếu người bị kết án trốn tránh việc thực hiện các nghĩa vụ do toà án quy định hoặc vi phạm trật tự xã hội mà bị xử phạt hành chính thì toà án có thể kéo dài thời gian thử thách nhưng không quá một năm; thứ ba, trong trường hợp người bị kết án không thực hiện một cách có hệ thống hoặc cố ý chống đối việc thực hiện các nghĩa vụ do toà án quyết định thì toà án quyết định hủy bỏ án treo và buộc người bị kết án chấp hành hình phạt đã tuyên; thứ tư, nếu người bị kết án phạm tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thì toà án hủy bỏ án treo và buộc người bị kết án phải chấp hành hình phạt của bản án trước và hình phạt của bản án mới. (12) Từ những quy định trên đây cho chúng ta thấy có điểm tương đồng là luật hình sự của các nước quy định nhiều hậu quả pháp lí có mức độ nghiêm khắc khác nhau để có thể xử lí linh hoạt cho các trường hợp vi phạm ở các mức độ khác nhau điều kiện thử thách của án treo. Không có nước nào chỉ quy định một loại hậu quả pháp lí duy nhất cho một vi phạm điều kiện duy nhất là phạm tội mới trong thời gian thử thách như khoản 5 Điều 60 BLHS nước ta. Từ những hạn chế đã phân tích trong quy định về án treo của luật hình sự nước ta, để án treo thực sự là sự kết hợp của phương châm trừng trị và giáo dục, vừa khuyến khích người bị kết án cải tạo tốt vừa răn đe, cảnh cáo họ không được vi phạm các điều kiện của án treo trong Luật hình sự Việt Nam.

 

Chú thích :

 

(1).Xem: Sắc lệnh số 21-SL ngày 14/2/1946.

 

(2).Xem: Thông tư số 01/NCPL ngày 6/4/1968 của TANDTC; Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 16/11/1988 của Hội đồng thẩm phán TANDTC; Thông tư số 2308/NCPL ngày 1/12/1961 của TANDTC; Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 5/1/1986 của Hội đồng thẩm phán TANDTC; Công văn số 1327/NCPL ngày 4/11/1965 của TANDTC gửi Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây, “Hệ thống hóa luật lệ về hình sự”, tập 1, TANDTC năm 1975 tr. 125.

 

(3). Các thẩm phán mà chúng tôi trao đổi là các thẩm phán của nhiều toà án tỉnh, thành phố trong cả nước là học viên của lớp hoàn chỉnh kiến thức do TANDTC và Trường Đại học Luật Hà Nội liên kết đào tạo năm 2004-2006;

 

(4).Xem: Điều 73 BLHS của nước Cộng hoà nhân dân dân Trung Hoa năm 1997, từ Điều 132 – 40 đến Điều 132 – 50 BLHS Cộng hòa Pháp (bản dịch các bộ luật này của Bộ tư pháp phục vụ cho việc sửa đổi BLHS năm 1999);

 

(5).Xem: Điều 75 BLHS của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1997; “Trách nhiệm hình sự và hình phạt”, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2001 tr. 162-165, 187- 189, 203-204.

 

(6), (7), (10), (11).Xem: “Trách nhiệm hình sự và hình phạt”, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội 2001, tr. 163, 203, 164, 203.

 

(8).Xem: Điều 74 Bộ luật hình sự Liên bang Nga năm 1996 (bản dịch bộ luật này của Bộ tư pháp phục vụ cho việc sửa đổi Bộ luật hình sự năm 1999).

 

(9).Xem: Điều 77 Bộ luật hình sự của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa năm 1997.

 

(12).Xem: Điều 74, 75 BLHS Liên bang Nga năm 1996.

 

ThS. Phạm Văn Báu - Theo : Tạp chí Luật học số 11 (2007)

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo