Hoàng Thị Nhàn

Tư vấn kinh doanh online

Xin chào công ty luật Minh Gia!Tôi có câu hỏi xin được luật sự tư vấn như sau: Tôi muốn bán hàng online các loại hạt dinh dưỡng (quả óc chó, hạt mắcca, hạt chia...) nhập khẩu, nhận hàng từ một công ty chuyên nhập khẩu hạt dinh dưỡng và phân phối lại cho khách hàng dưới hình thức là cộng tác viên. Sản phẩm được bán trên các kênh như website, facebook, zalo.

Cần những điều kiện gì để việc kinh doanh của tôi được hoàn toàn hợp pháp?Có cần phải đăng ký giấy phép kinh doanh không (nếu cần thì đăng ký ở đâu, hồ sơ gồm những gì)?Thủ tục khai báo thuế thế nào?Xin luật sư tư vấn giúp tôi.Tôi xin cảm ơn luật sư nhiều!

 

Trả lời:

 

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Khoản 1 điều 3 nghị định 39/2007 về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không đăng kí kinh doanh quy định như sau:

 

Cá nhân hoạt động th­ương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động đ­ược pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác như­ng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “th­ương nhân” theo quy định của Luật Thương mại 2005. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động th­ương mại sau đây:

 

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các th­ương nhân đ­ược phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

 

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

 

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, n­ước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

 

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc ng­ười bán lẻ;

 

đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

 

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, th­ường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.”

 

Trường hợp bạn không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 điều 3 Nghị định 39/2007/ NĐ-CP thì  để tiến hành hoạt động kinh doanh bạn cần đăng ký thành lập doanh nghiêp/ hộ kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm. Hình thức kinh doanh tùy vào tình hình thực tế và nhu cầu cụ thể của bạn có thể thành lập Hộ kinh doanh cá thể, Công ty.

 

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh, bạn sẽ tiến hành thực hiện thủ tục thiết lập Website thương mại điện tử bán hàng và làm thủ tục đăng ký với Bộ công thương theo quy định của Thông tư số 47/2014/TT-BCT của Bộ Công thương về quản lý website thương mại điện tử.

Hồ sơ đăng ký được quy định tại Điều 14 của thông tư 47/2014/TT-BCT, cụ thể:

 

1. Đơn đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (theo Mẫu TMĐT-1 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).

 

2. Bản sao được chứng thực Quyết định thành lập (đối với tổ chức), Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (đối với thương nhân).

 

3. Đề án cung cấp dịch vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.

 

4. Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các nội dung sau:

 

a) Các nội dung quy định tại Điều 38 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP;

 

b) Cơ chế xử lý, thời hạn xử lý khi nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

 

5. Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa thương nhân, tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website đó.

 

6. Các điều kiện giao dịch chung áp dụng cho hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website (nếu có).

Sau khi hoàn thành quy trình đăng ký thì Bộ Công Thương sẽ xác nhận đăng ký và gửi cho thương nhân, tổ chức qua địa chỉ thư điện tử đã đăng ký một đoạn mã để gắn lên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, thể hiện thành biểu tượng đăng ký.

 

Về việc thủ tục khai báo thuế như sau:

 

Trước tiên, bạn sẽ phải đăng kí mã số thuế cá nhân tại cơ quan thuế quận, huyện, nơi mà bạn sinh sống, theo thủ tục  được quy định tại Khoản 9 Điều 7 thông tư số 95/2016/TT - BTC, cụ thể như sau:

 

Hồ sơ đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân kinh doanh bao gồm:

 

- Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 05-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này

 

- Bản sao không yêu cầu chứng thực Thẻ căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực (đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam); bản sao không yêu cầu chứng thực Hộ chiếu còn hiệu lực (đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài và người Việt Nam sống ở nước ngoài).

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Nguyễn Thị Oanh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo