Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Tranh chấp hợp đồng dịch vụ

Xã hội ngày càng phát triển, đi cùng với đó là các dịch vụ ra đời,ví như: dịch vụ sửa tài sản, dịch vụ pháp lý, dịch vụ quảng cáo... Khi thực hiện dịch vụ, người thuê dịch vụ và người thực hiện dịch vụ sẽ thoả thuận với nhau về các điều kiện cung ứng dịch vụ.

1. Khái niệm hợp đồng dịch vụ 

Theo quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng dịch vụ là một trong những loại hình hợp đồng dân sự phổ biến hiện nay và được định nghĩa như sau: 

“Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.”

Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là một công việc cụ thể, không bị pháp luật cấm và không trái đạo đức xã hội. Bên cung ứng dịch vụ sẽ bằng công sức và trí tuệ để hoàn thành công việc đã nhận và không được giao cho người khác làm thay, trừ trường hợp bên thuê dịch vụ đồng ý.

Ngoài có những đặc điểm của hợp đồng dân sự, hợp đồng dịch vụ còn có những đặc điểm riêng như sauL 

Thứ nhất, bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện các hành vi pháp lý nhất định và giao kết quả cho bên thuê dịch vụ.

Thứ hai, hợp đồng dịch vụ là hợp đồng có đền bù, bên thuê dịch vụ phải trả tiền công cho bên cung ứng dịch vụ, khi bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện công việc và mang lại kết quả như đã thoả thuận.

Thứ ba, hợp đồng dịch vụ là hợp đồng song vụ, bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện các hành vi pháp lý theo yêu cầu của bên thuê dịch vụ, bên thuê dịch vụ có nghĩa vụ tiếp nhận kết quả công việc và trả tiền công cho bên cung ứng dịch vụ.

2. Giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự

Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì cả bên thuê dich vụ và bên cung ứng dịch vụ đều có những quyền và nghĩa vụ nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình dịch vụ được thực hiện, xảy ra sai sót là điều không tránh khỏi. Một trong hai bên có thể sẽ vi phạm điều mà cả hai đã thoả thuận trong hợp đồng. Lúc này tranh chấp sẽ có thể xảy ra. Vi phạm đó có thể là do bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc không đúng chất lượng, số lượng, địa điểm và các thoả thuận hoặc bên thuê dịch vụ không trả tiền công, hay không nhận kết quả của công việc.

Trong trường hợp các bên không thể tự giải quyết tranh chấp, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thông qua việc gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền. 

Căn cứ Điều 35, Điều 37 và Điều 39, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn (người bị kiện) cư trú có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp vụ án có yếu tố nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng dịch vụ.

Ngoài ra, khi tiến hành khởi kiện, có hai vấn đề mà người khởi kiện (nguyên đơn) cần phải lưu ý:  

Thứ nhất, thời hiệu khởi kiện

Tại Điều 429 Bộ luật Dân sự quy định về thời hiệu khởi kiện liên quan đến tranh chấp hợp đồng như sau: 

“Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”

Như vậy, nếu quá thời hạn nêu trên, Tòa án có thể sẽ không tiến hành giải quyết vụ án khi có yêu cầu áp dụng thời hiệu. Tuy nhiên, nếu yêu cầu của nguyên đơn thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 155 Bộ luật Dân sự 2015 thì Tòa án vẫn giải quyết vụ án mà không áp dụng thời hiệu (ví dụ như: yêu cầu thanh toán giá trị hợp đồng). 

Thứ hai, chứng minh yêu cầu khởi kiện

Theo quy định tại Điều 91 VBHN Bộ luật Tố tụng Dân sự 2020 thì: “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp [...]”

Vì vậy, khi nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện cần phải thu thập những chứng cứ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu của mình là hợp pháp để Tòa án tiến hành xem xét và thụ lý đơn khởi kiện. 

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo