Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Một số điểm mới trong Bộ luật Tố tụng dân sự - sửa đổi bổ sung năm 2011

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2012; dưới đây là một số quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự (gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung), xin giới thiệu cùng bạn đọc:

 

mot-so-diem-moi-trong-bo-luat-to-tung-dan-su-jpg-21012013014733-U1.jpg

Một số điểm mới trong Bộ luật Tố tụng dân sự - sửa đổi, bổ sung năm 2011

 

Một là, về thời hiệu khởi kiện: Theo BLTTDS năm 2004 thì trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm hại; và thời hiệu yêu cầu để Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh yêu cầu. Nay Luật sửa đổi, bổ sung quy định mở rộng hơn. Cụ thể là thời hiệu khởi kiện các vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật; trường hợp pháp luật không quy định thì thời hiệu khởi kiện là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Riêng các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện. Đối với thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự là một năm, kể từ ngày phát sinh quyền yêu cầu; trừ các việc dân sự có liên quan quyền dân sự về nhân thân của cá nhân thì không áp dụng thời hiệu yêu cầu.

 

Ngoài ra, BLTTDS năm 2004 quy định: Tòa án trả lại đơn khởi kiện khi thời hiệu khởi kiện đã hết. Nay theo Luật sửa đổi, bổ sung thì Tòa án không được trả lại đơn vì lý do thời hiệu đã hết, mà khi nhận được đơn khởi kiện của đương sự, nếu thấy thời hiệu khởi kiện đã hết thì tùy theo từng trường hợp mà Tòa án giải quyết theo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm.

 

Hai là, Luật sửa đổi, bổ sung quy định thêm thẩm quyền cho Tòa án giải quyết các tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân; tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản, bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Theo đó, Tòa án có quyền giải quyết việc yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, việc yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Ngoài ra, khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.

 

Ba là, vấn đề kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng dân sự, BLTTDS năm 2004 chỉ quy định trong phạm vi giới hạn: “Viện kiểm sát nhân dân tham gia phiên tòa đối với những vụ án do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, các việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, các vụ việc dân sự mà Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án”. Nay Luật sửa đổi, bổ sung quy định mở rộng hơn. Theo đó,Viện kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự; các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Thẩm phán tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có một bên đương sự là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần; tham gia các phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng dân sự, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án (tại phiên tòa sơ thẩm chưa có bản án, quyết định của Hội đồng xét xử, nên Kiểm sát viên không phát biểu việc chấp hành pháp luật nội dung), và Kiểm sát viên không đề nghị Hội đồng xét xử về đường lối giải quyết vụ án. Tại phiên tòa phúc thẩm, giảm đốc thẩm, tái thẩm, đã có bản án, quyết định của Tòa án và có kháng cáo, kháng nghị, cho nên khi Kiểm sát viên phát biểu phải trình bày quan điểm rõ ràng về bản án, quyết định của Tòa án để bảo vệ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát, nhằm tăng cường giám sát tại phiên tòa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của các bên đương sự.

 

Bốn là, vấn đề xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.BLTTDS năm 2004 không quy định xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Thực tế những năm qua cho thấy có một số quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nhưng không có cơ chế nào yêu cầu sửa hoặc hủy bỏ quyết định này. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung lần này có bổ sung mới một thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Theo đó, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện có tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản về nội dung quyết định mà đương sự, Hội đồng Thẩm phán TANDTC không biết được khi ra quyết định đó, nếu có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, của Viện trưởng VKSNDTC hoặc đề nghị của Chánh án TANDTC thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét lại quyết định đó.

 

Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung còn quy định thủ tục nhận và xem xét lại đơn đề nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo