Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi về quyền lợi của cháu nội đối với di sản thừa kế của ông bà?

Luật sư tư vấn trường hợp cháu nội có quyền yêu cầu hưởng thừa kế của ông bà để lại khi cha mất và chưa được hưởng quyền thừa kế hay không? nội dung cụ thể như sau:

 

Hỏi: Tôi lập gia đình cách đây 20 năm. Sống cùng ba mẹ chồng, vợ chồng tôi có 2 con và 1 chị chồng không lập gia đình. Chồng tôi là con trai út, đã nuôi dưỡng cha mẹ già bệnh. Ba chồng tôi mất năm 1995 không lập di chúc.

Mẹ chồng tôi mất năm 2010 không lập di chúc nhưng tài sản đã được chia đều cho các anh chị trong nhà, chỉ có phần của mẹ chồng, chồng và chị chồng còn chung, (chưa chia ra). Trong thời gian nằm bệnh, chị chồng đã yêu cầu mẹ chồng sang tên toàn bộ tài sản ( kể cả phần của chồng tôi ) cho chị ta đứng tên và hứa sau này sẽ sang lại phần chồng tôi cho chồng tôi.

Nay chồng tôi mất nhưng phần của chồng tôi vẫn chưa được sang tên ( chị chồng đứng tên ).

Vậy xin hỏi LS tôi và các con tôi có được hưởng phần đó hay không? Làm sao lấy lại được phần của chồng tôi?

Tôi và các con chưa chuyển hộ khẩu về nhà chồng (vì chị chồng giữ hộ khẩu trước giờ, không cho chúng tôi chuyển)

Chỉ có giấy chứng nhận kết hôn của tôi và chồng, Giấy khai sinh của các con  do chồng tôi đứng tên cha.

 

>> Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế trực tuyến, gọi 19006169 

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Về phần tài sản của mẹ chồng bạn:

 

Bạn có cung cấp thông tin mẹ chồng bạn tặng cho lại phần tài sản của mẹ và chồng cho người chị chồng. Tuy nhiên lại không cung cấp thông tin rõ ràng về việc gia đình đã thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế với khối di sản bố chồng để lại chưa.

 

Trường hợp đã thực hiện phân chia di sản thừa kế, phần thừa hưởng của mỗi người được thể hiện rõ ràng mà mẹ chồng vẫn ký văn bản cho tặng lại cho người chị gái thì hợp đồng đó không có giá trị pháp lý do vi phạm điều kiện của chủ thể giao kết hợp đồng:

 

Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

 

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

 

Trường hợp không đảm bảo điều kiện của chủ thể giao kết thì hợp đồng cũng không thể được công chứng. Do vậy, văn bản được ký giữa mẹ chồng và chị chồng bị vô hiệu và không có giá trị pháp lý. Hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 – Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

 

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

 

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

 

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

 

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

 

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

 

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

 

Khi đó, người chị chồng phải trả lại mảnh đất mà chồng chị có quyền hưởng khi phân chia thừa kế theo pháp luật.

 

Trường hợp gia đình chưa thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế theo đúng quy định của pháp luật mà tự ý phân chia không thông qua cơ quan có thẩm quyền thì đây được coi là thủ tục phân chia không hợp pháp, việc thừa hưởng theo hiện trạng của những thành viên trong gia đình sẽ không được công nhận và bạn có quyền gửi đơn đến Tòa án, yêu cầu phân chia di sản thừa kế nếu vẫn còn thời hiệu thừa kế.

 

Điều 623 – Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về thời hiệu thừa kế như sau:

 

Điều 623. Thời hiệu thừa kế

 

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

 

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

 

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

 

Đồng thời, Công văn số 01/GĐ-HĐTP có quy định như sau:

 

“Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự "Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.

Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990.”

 

Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại (2018) vẫn còn thời hiệu yêu cầu chia thừa kế với phần di sản bố chồng bạn để lại cho chồng bạn. Để bảo vệ quyền lợi của gia đình mình, tuy chồng chị đã mất nhưng chị vẫn có thể gửi đơn yêu cầu phân chia di sản thừa kế của bố chồng bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về quyền lợi của cháu nội đối với di sản thừa kế của ông bà?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

P. Luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo