Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Giải đáp thắc mắc về phân chia tài sản thừa kế là đất đai

Câu hỏi đề nghị tư vấn:Ông nội cháu có 6 người con, 4 trai và 2 gái, bố cháu là con út.Cháu có nghe bố cháu nói là năm 1996 trước khi ông cháu mất có nói đất của ông bà sẽ để lại cho bố cháu 1 nửa làm xưởng kinh doanh và bác trai trưởng 1 nửa và được tất cả các bác còn lại nhất chí như vậy. Tuy nhiên, do công việc nhà cháu kinh doanh xưởng mộc nên không thể làm tại đất của ông bà đã cho mà bố cháu quyết định mua 1 mảnh đất ngoài đường lộ.

Khi làm thủ tục sang nhượng đất của ông bà cho bác cả, bố cháu và các bác còn lại thống nhất để toàn bộ đất của ông bà cho bác cả và chỉ cắt lại một mảnh nhỏ để xây nhà từ thờ cúng ông bà sau này. Chính vì thế hiện tại, mảnh đất dự kiến để xây nhà từ đang nằm trên sổ đỏ mang tên bác cả và bà nội cháu còn sống và đang ở trên miếng đất đó. Tuy nhiên đến bây giờ thì bác cả cùng các anh nhà bác nói sẽ không cho xây nhà từ trên đất của bác kể cả khi bà nội cháu mất đi và sẽ kiện mọi người ra tòa nếu cố xây dựng. Vậy luật sư cho cháu hỏi là: Nếu bây giờ bà nội cháu vẫn đang còn sống thì có thể đòi lại được 1 phần đất mà ngày xưa ông cháu đã cho bác cả không ạ. Hay bố cháu cùng các bác còn lại có thể làm gì để lấy lại đươc phần đất để xây nhà từ mà không vi phạm pháp luật không ạ, Cháu xin cảm ơn

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin cung cấp thì trước khi tiến hành sang tên quyền sử dụng đất cho bác cả bạn thì những người thừa kế của ông (bà nội bạn và các cô, bác, chú của bạn) có thỏa thuận đồng ý cho bác cả đứng tên toàn bộ phần diện tích đất mà ông để lại và chỉ để một phần nhỏ để xây dựng nơi thờ cúng. Tuy nhiên, cần phải xác định việc thỏa thuận giữa những người thừa kế này có hợp pháp hay không.

 

Do thông tin cung cấp không đề cập đến việc thỏa thuận này từ thời điểm nào, do vậy, nếu văn bản đó thỏa thuận sau ngày 01/7/2014 (ngày Luật đất đai 2013 có hiệu lực) thì văn bản này phải được công chứng hoặc chứng thực (theo quy định tại điểm c Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai 2013). Còn nếu văn bản đó thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 01/7/2004 (ngày Luật đất đai 2003 có hiệu lực) đến trước ngày 01/7/2014 thì việc thỏa thuận chia thừa kế phải được lập thành văn bản (theo điểm b Khoản 1 Điều 129 Luật đất đai 2003).

 

Như vậy, cần phải xác định tính hợp pháp của việc thỏa thuận này, nếu là hợp pháp thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận đó, theo đó, bà nội bạn không có quyền lấy lại đất.

 

Bạn tham khảo để giải đáp thắc mắc của mình! Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo