Luật sư Phùng Gái

Xử phạt đối với hành vi vi phạm về chế độ tiền lương của đơn vị với người lao động?

Câu hỏi tư vấn: Bác tôi hơn 60 tuổi, đi làm thuê cho cháu trai là giám đốc một công ty cổ phần lớn trong tỉnh, vì là người nhà nên không có hợp đồng lao động, nhưng tất cả mọi người quanh khu đó và nhân viên trong công ty ở cùng nhà đều biết bác tôi làm thuê cho cháu (ngôi nhà đó chỉ có bác và các nhân viên ở, giám đốc rất ít khi vào).

 

Chỉ khi nào cần tiền bác tôi mới lấy lương (mà thực ra lấy cũng rất khó vì ông giám đốc bảo đã nuôi ăn ở nên hầu như giữ lương của nhân viên rất lâu).

Bỗng sau đợt nghỉ Tết, ông giám đốc gọi điện nói bác tôi bán trộm gỗ để trong khu nhà đó của giám đốc một cách vô căn cứ, bác tôi không bao giờ làm như vậy. Ngoài ra tận dụng vụ việc đó ông giám đốc đã ăn quỵt luôn 90 triệu tiền lương còn nợ bác tôi. Trước khi về Tết bác tôi có sửa chiếc xe máy không ai dùng đến tại ngôi nhà đó và mang về quê cho các cháu đi lại, ông giám đốc nói luôn là còn ăn cắp xe nhà ông ấy.

Vậy bây giờ chúng tôi đi kiện tội vu khống hay quỵt nợ của nhân viên có được không ạ? Thực sự vì gia đình bác tôi nghèo mà ông giám đốc thì có ảnh hưởng lớn tại tỉnh đó nên quá khó cho chúng tôi. Rất mong quý công ty có thể tư vấn giúp tôi. Vì không muốn đối phương biết nên tôi mong công ty có thể gửi tư vấn vào địa chỉ email của tôi được chứ ạ? Cảm ơn công ty rất nhiều ạ!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

- Thứ nhất, khởi kiện về hành vi vi phạm chế độ tiền lương của người lao động

 

Trước hết, căn cứ vào Bộ luật lao động năm 2012 về giao kết hợp đồng lao động. Cụ thể:

 

Điều 18. Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động

 

1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.

 

Như vậy, khi phát sinh quan hệ lao động thì đơn vị sử dụng lao động phải có nghĩa vụ ký kết với một trong các loại hợp đồng trên. Với trường hợp của bạn cũng vậy khi công ty tuyển Bác vào làm thì có nghĩa vụ phải ký hợp đồng lao động, việc công ty không ký tức công ty đang vi phạm quy định pháp luật về lao động (sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính). Tuy nhiên, thực tế giữa Bác và công ty đã phát sinh quan hệ lao động rùi nên mặc nhiên xác định hai bên đã giao kết hợp đồng lao động với nhau.

 

- Trả lương cho người lao động:

 

Việc công ty không tri trả tiền lương đúng hạn và lấy lý do Bác trộm tài sản(gỗ) của công ty đi bán để không thực hiện nghĩa vụ trả tiền lương với số tiền 90 triệu là trái quy định của pháp luật. Trường hợp công ty chứng minh được Bác đã có hành vi trộm cắp tài sản thì có quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải và yêu cầu hoàn trả lại số tài sản đã lấy nhưng trách nhiệm của công ty vẫn phải thanh toán đầy đủ tiền lương, các chế độ khác cho bạn theo quy định pháp luật lao động tại Điều 37 bộ luật này. Đồng thời, công ty còn đang vi phạm về nguyên tắc trả lương.

 

Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

 

1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

 

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

...

 

Điều 96. Nguyên tắc trả lương

 

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

 

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

 

Do đó, để đảm bảo quyền lợi của mình thì bạn có thể hướng dẫn Bác mình làm đơn khiếu nại gửi Phòng lao động thương binh và xã hội hoặc làm đơn khởi kiện trực tiếp ra Tòa về hành vi vi phạm chế độ tiền lương đối với người lao động của công ty để được giải quyết quyền lợi của mình (lấy lại tiền lương,..). Đồng thời, với hành vi trên công ty sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 95/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động...

 

Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương

 

3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:

 

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

...

 

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;

 

- Đối với hành vi vu khống:

 

Theo quy định của Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 về tội vu khống.

 

Điều 122. Tội vu khống

 

1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

 

Như vậy, điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này là phải có các hành vi đưa ra thông tin không tin không đúng sự thật nhằm loan truyền đến cho nhiều người biết tới để xúc phạm danh dự nhân phẩm của Bác bạn và phải tố cáo trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, đối chiếu với trường hợp của bạn thì giám đốc công ty chỉ gọi điện thông báo cho bác bạn biết là "bán trộm gỗ của công ty nên sẽ không trả lương" chứ không có hành vi loan truyền tin tức cũng như trình báo tới cơ quan chức năng để xử lý nên gia đình không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông giám đốc về tội vu khống được. 

 

Đối với hành vi Bác của bạn mang chiếc xe không ai sử dụng tại công ty về quê sửa để dùng mặc dù biết rằng đó không phải thuộc tài sản quyền quản lý của mình mà vẫn thực hiện lấy thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm về hành vi trộm cắp tài sản. Nên việc ông giám đốc nói hành vi của Bác bạn là trộm cắp tài sản cũng chưa hẳn được coi là làm nhục hay vu khống được.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xử phạt đối với hành vi vi phạm về chế độ tiền lương của đơn vị với người lao động?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

 


 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo