Luật sư Phùng Gái

Xử phạt đối với hành vi vi phạm thời gian thử việc, tiền lương cho người lao động?

Câu hỏi tư vấn: Tôi làm việc tại công ty A từ 21/12/2015 đến 03/06/2016 với thỏa thuận (có HD thử việc), thời gian thử việc 02 tháng : 21/12/2015 đến 20/02/2016. Sau đó sẽ được ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm theo quy định của Nhà nước. Lương thử việc là 90% lương chính thức.

 

 Nhưng thực tế lại diễn ra như sau:  Tôi vẫn là nhân viên thử việc từ ngày 21/12/2015 đến 03/06/2016 nên vẫn chưa được công ty đóng BHXH-YT-TN theo quy định của Nhà nước. (mà không có bất kỳ văn bản/email nào thông báo cho tôi biết “ Lý do tôi phải thử việc quá quy định, thời gian tôi phải thử việc đến khi nào …..). Tôi vẫn nhận lương thử việc từ ngày 21/12/2015 đến 30/04/2016 ( 90% lương chính thức) . Riêng T05/2016 thì tôi được nhận đủ 100% lương chính thức. + 03 ngày lương T06/2016 thì tôi yêu cầu công ty thanh toán cho tôi hết vì tôi đã bàn giao đầy đủ và đúng quy định thì công ty lại nói để lương đợt sau thanh toán. Như vậy trường hợp của tôi thì công ty A đó đã vi phạm như thế nào? Mức độ xử phạt ra sao? Tôi rất mong hồi âm sớm từ quý anh/chị luật sư. Tôi chân thành cảm ơn quý anh/chị!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

-Thứ nhất, về thời gian thử việc

 

Theo quy định của Bộ luật lao động 2012 về xác định thời gian thử việc. Cụ thể:

 

Điều 27. Thời gian thử việc

 

Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

 

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

 

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

 

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

 

Điều 28. Tiền lương trong thời gian thử việc

 

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

 

Như vậy, thời gian thử việc tối đa là 2 tháng khi hết thời gian thử việc nếu kết quả đạt thì hai bên sẽ tiến hành giao kết hợp đồng lao động. Đối với việc đơn vị kéo dài thời gian thử việc của bạn lên 4 tháng là vi phạm quy định pháp luật về lao động và đối với hành vi trên công ty sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đến 5.000.000 đồng. Cụ thể, khoản 2 Điều 6 Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP. 

 

Điều 6. Vi phạm quy định về thử việc

...

 

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

 

a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần;

 

b) Thử việc quá thời gian quy định;

 

c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó.

 

3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc trả đủ 100% tiền lương cho người lao động trong thời gian thử việc đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Điểm b và Điểm c Khoản 2 Điều này.

 

-Thứ hai, đối với việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

 

Do sau khi hết thời gian thử việc hợp đồng làm việc của bạn vẫn còn 3 tháng do đó thời gian này công ty vẫn có trách nhiệm tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho bạn. Trường hợp, đơn vị không tham gia đóng thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại và khi cơ quan bảo hiểm phát hiện ra thì sẽ truy thu đối với thời gian 3 tháng đó và xử bị xử phạt hành chính đối với hành vi trên dựa trên mức phạt từ 12 -15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm. Cụ thể:

 

Điều 26. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp

 

2. Phạt tiền với mức từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

 

a) Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;

 

b) Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định;

 

c) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

3. Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

 

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

 

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

 

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

 

-Thứ ba, liên quan tới việc chấm dứt hợp đồng lao động.

 

Theo như hợp đồng thì đến 3/6/2016 là hết hạn hợp đồng. Trong trường hợp bạn không muốn giao kết tiếp hợp đồng thì có quyền chấm dứt mà không phải thực hiện nghĩa vụ báo trước hay đền bù nào. Đồng thời, khi chấm dứt hợp đồng lao động thì đơn vị trong thời gian tối đa 30 ngày làm phải thanh toán toàn bộ tiền lương, tiền trợ cấp( nếu có) cho người lao động. Cụ thể, Điều 47 bộ luật lao động:

 

Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

 

1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

 

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

 

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

 

Trường hợp, không thanh toán tiền lương hoặc chốt, trả sổ bảo hiểm thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 8 Nghị định 88/2015/NĐ-CP.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xử phạt đối với hành vi vi phạm thời gian thử việc, tiền lương cho người lao động?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
CV P.Gái-công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo