LS Hồng Nhung

Xử lý kỷ luật trong thời gian mang thai đối với công chức

Thời điểm tháng 7/2014 tôi bị xử lý kỷ luật với mức khiển trách theo thông báo của lãnh đạo cấp trên nhưng chưa có quyết định kỷ luật vì tôi đang mang thai và sắp đến ngày sinh, tháng 10/2014 tôi được xét nâng lương thường kỳ nhưng vì lý do đang có thông báo kỷ luật nên hội đồng không xét tăng lương cho tôi.


Cho tôi hỏi 03 vấn đề:

 

1. Tôi đang trong thời gian mang thai nhưng hội đồng vẫn xét kỷ luật tôi như vậy có đúng với quy định của Đảng và luật cán bộ công chức (Tôi là cán bộ công chức cấp xã và cũng là Đảng viên).

 

2. Chưa có quyết định thi hành kỷ luật nhưng hội đồng xét tăng lương không cho tôi tăng vì lý do tôi đang có thông báo hình thức kỷ luật với mức khiển trách.

 

3. Khi tôi nghỉ hết thời gian thai sản (6 tháng) ban lãnh đạo mới ra quyết định kỷ luật khi tôi đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

 

Cho tôi hỏi với 3 câu hỏi trên thì ban lãnh đạo đã làm có đúng quy định không?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Bạn là cán bộ công chức cấp xã theo tình huống bạn cung cấp, do vậy áp dụng Điều 31 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn quy định nguyên tắc các hành vi, các trường hợp chưa xem xét kỷ luật hoặc được miễn trách nhiệm kỷ luật:

 

Nguyên tắc xử lý kỷ luật, các hành vi bị xử lý kỷ luật, các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật, các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật đối với công chức cấp xã được thực hiện theo quy định tại các điều 2, 3, 4 và 5 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức (sau đây viết tắt là Nghị định số 34/2011/NĐ-CP).

 

Mà theo Khoản 3 Điều 4 Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 17 tháng 05 năm 2011 Quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức quy định Các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật:

 

Công chức nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

 

Như vậy, trong thời gian bạn mang thai, nghỉ thai sản cũng như đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, hội đồng kỷ luật chưa xem xét xử lý kỷ luật mà phải chờ thời gian này trôi qua.

 

Về việc nâng bậc lương của cán bộ, công chức cấp xã, theo Điều 5 Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH của Bộ Nội vụ-Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội-Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã:

 

...

Trong thời gian giữ bậc lương theo ngạch, bậc công chức hành chính, cán bộ, công chức cấp xã có năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc bị kỷ luật (khiển trách hoặc cảnh cáo) thì cứ mỗi năm không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc cứ mỗi lần bị kỷ luật kéo dài thêm 06 tháng, bị kỷ luật cách chức kéo dài thêm 12 tháng thời gian tính nâng bậc lương thường xuyên so với thời gian quy định. Trường hợp vừa không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa bị kỷ luật thì thời gian bị trừ của năm đó cũng chỉ tính theo thời gian bị trừ của hình thức bị kỷ luật.

 

Như vậy, nếu bị xét kỷ luật mức khiển trách thì bạn sẽ không được nâng bậc lương theo thời gian quy định. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, bạn đang trong thời gian bạn mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, vì vậy hội đồng kỷ luật chưa xem xét xử lý kỷ luật, do đó bạn vẫn sẽ được nâng bậc lương theo đúng quy định của pháp luật.

 

Ngoài ra, bạn cần xem xét về việc hội đồng kỷ luật dự định áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đã phù hợp với quy định của pháp luật hay chưa? Điều 34 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về công chức xã, phường, thị trấn quy định về Khiển trách:

 

Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với công chức cấp xã có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

 

1 Có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong thi hành công vụ;

 

2. Không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng;

 

3. Gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức nơi đang công tác;

 

4. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 03 đến dưới 05 ngày làm việc trong một tháng;

 

5. Sử dụng tài sản công trái pháp luật;

 

6. Xác nhận giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;

 

7. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.

 

Tóm lại, trong thời gian bạn mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, hội đồng kỷ luật chưa xem xét kỷ luật đối với bạn. Bên cạnh đó, bạn vẫn sẽ được nâng bậc lương do chưa bị xử lý kỷ luật. Cũng như phải chờ đến khi bạn qua thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi hội đồng kỷ luật mới xem xét hình thức kỷ luật đới với bạn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Xử lý kỷ luật trong thời gian mang thai đối với công chức. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Quách Vũ Ngọc Hà - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo